Tờ Kanwa Defense Review tháng 5/2015 đăng bài viết "Đọ sức giữa các máy bay chiến đấu tiên tiến trên biển Hoa Đông" của tác giả Andrei Chang.
Bài viết cho rằng, dự đoán, sau khi Không quân Trung Quốc trang bị máy bay chiến đấu Su-35, đối thủ chủ yếu là Không quân Nhật Bản, Mỹ, trong khi đó, Đài Loan đương nhiên là mục tiêu đe dọa hàng đầu. Nhưng, do tính tiên tiến của Su-35, nó có thể dùng để cảnh giới Không quân Mỹ, Nhật Bản.
Trong khi đó, chủ lực đối phó với máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Đài Loan sẽ là các máy bay chiến đấu Su-30MKK, J-10A và J-11 Trung Quốc.
Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ xây dựng trung đoàn không quân 9 mới ở Naha, Okinawa. Trung đoàn không quân này bao gồm phi đội 204 với 20 máy bay chiến đấu triển khai ở Naha, và phi đội 304.
Phi đội 204 thuộc liên đội 83, sử dụng máy bay chiến đấu F-15J/DJ. Theo nhận thức thông thường, máy bay F-15J/DJ của hai phi đội này đều có thể đã được tiến hành cải tiến để đối phó với J-11B/A, Su-30MKK, J-10A ngày càng tăng cường của Không quân Trung Quốc.
Những máy bay này đều đã tiến hành cải tạo hiện đại hóa, có khả năng sử dụng radar chủ động tiên tiến dẫn đường cho tên lửa không đối không.
Phi đội 304 vốn thuộc trung đoàn không quân 8, đóng ở căn cứ Tsuiki (Fukuoka), sử dụng máy bay chiến đấu F-15J/DJ. F-15 phiên bản cải tiến được năm 2015 đã hoàn thành nâng cấp 52 chiếc, năm 2016 bắt đầu tiếp tục nâng cấp 32 chiếc khác, đổi sang trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn AAM-5 và tầm trung AAM-4/4B. Sử dụng liên kết dữ liệu mới, tiếp nhận chỉ huy trực tiếp của AWACS (hệ thống kiểm soát cảnh báo sớm trên không).
Như vậy, số lượng máy bay chiến đấu F-15J/DJ đóng ở Naha có thể dùng để đối phó với Không quân Trung Quốc sẽ tăng lên gấp đôi từ 20 chiếc hiện nay tăng lên 40 chiếc. Là lực lượng chi viện phía sau, phi đội 6 thuộc trung đoàn không quân 8 biên chế 20 máy bay chiến đấu F-2 cũng đóng ở Fukuoka.
Căn cứ vào ngân sách năm 2016 của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, năm nay sẽ còn điều ít nhất một phi đội F-2 (phi đội 3 hoặc 8) từ căn cứ Misawa đến Fukuoka, như vậy máy bay chiến đấu dùng để đối phó với Không quân Trung Quốc ở tuyến 1 sẽ lên đến 80 chiếc (bao gồm 40 chiếc F-2).
Một khi có sự cố, toàn bộ máy bay chiến đấu của căn cứ Fukuoka có thể lập tức tiếp viện Naha. Ngoài ra, nhiều máy bay cảnh báo sớm hơn cũng sẽ tuần tra biển Hoa Đông.
F-2 là loại máy bay chiến đấu đầu tiên trên thế giới trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động, chi tiết kỹ thuật của loại máy bay này không được công khai hoàn toàn. Chỉ biết nó lắp tên lửa không đối không AAM-4/5 thế hệ thứ ba và tên lửa chống hạm siêu âm thế hệ mới.
F-2 sử dụng vật liệu composite tiên tiến tốt hơn nhiều so với máy bay chiến đấu cùng thế hệ của Mỹ và châu Âu, có tính năng tàng hình tốt hơn.
Không quân Nhật Bản triển khai nhiều máy bay chiến đấu F-2 hơn ở phía tây, rõ ràng đã tính tới mối đe dọa lớn hơn từ việc biên chế J-10 của Trung Quốc. Radar, động cơ, vật liệu, hệ thống điện tử hàng không của F-2 đều không thua kém J-10, tên lửa không đối không chắc chắn tiên tiến hơn một thế hệ.
Đồng thời, F-2 đã được tiến hành hiện đại hóa nhiều lần, nó đã tiến hành cải tiến hệ thống dò tìm hồng ngoại phía trước, cải tiến vũ khí tấn công dẫn đường liên hợp (JDAM) 226,7 kg... Hiện nay, 42 máy bay F-2 có thể ném bom JDAM.
Do đó, chỉ dựa vào Su-30MKK, J-10A/B để đối phó với F-15J/DJ và F-2 phiên bản cải tiến, Không quân Trung Quốc hoàn toàn không chiếm ưu thế công nghệ. Nhưng, mặc dù Trung Quốc chỉ mua 24 máy bay chiến đấu Su-35, nhưng, bất kể về tính cơ động, khả năng tấn công, radar hay điện tử hàng không, Su-35 đều sẽ mạnh hơn F-15J/DJ.
Hệ thống phòng không của căn cứ Naha đương nhiên thuộc mức cao nhất hiện nay của Nhật Bản, có cụm pháo cao xạ 5 và sớm đã triển khai tên lửa phòng không dòng Patriot.
Trong khi đó, số lượng máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ triển khai ở Naha cũng có thể gia tăng. Bắt đầu từ năm 2014, số lượng F-22 triển khai lâm thời ở Naha hàng năm cơ bản là 12 chiếc, có 300 binh sĩ. Năm 2016, con số này đã tăng lên 15 chiếc. Hai nước Mỹ, Nhật Bản đều tiến hành điều chỉnh triển khai nhanh để đối phó với tình hình biển Hoa Đông.
Lê Việt Dũng