CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) vừa công bố báo cáo tài chính Quý 3/2019 với nhiều điểm nhấn hoạt động kinh doanh trong kỳ. Trong thông cáo phát đi về kết quả kinh doanh đạt được trong kỳ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Masan Nguyễn Đăng Quang cho biết tập đoàn đang tiến đến vạch đích của năm 2019 và “những mảnh ghép chiến lược sẽ dần trở nên rõ ràng vào cuối năm nay”.
“Tại Masan, chúng tôi tập trung nguồn lực để tạo ra các giá trị mạnh mẽ trong trung hạn cho người tiêu dùng và cổ đông, thay vì theo đuổi các giá trị ngắn hạn hàng quý” - ông Quang chia sẻ.
Ở lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, doanh thu thuần Quý 3/2019 của Masan Consumer Holdings (MCH) đạt 4.610 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2018. Trong khi đó, lợi nhuận gộp của lĩnh vực này lại giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 1.887 tỷ đồng.
Sự chững lại trong tăng trưởng doanh thu cũng là hiện tượng xảy ra đối với Masan MEATLife (trước đây có tên gọi là CTCP Masan Nutri-Science, viết tắt: MML).
Cụ thể, doanh thu Quý 3/2019 của công ty này đạt 3.363 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Còn tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu của công ty này ghi nhận tăng trưởng 0,7%, đạt mức 10.104 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp trong kỳ của MML tăng mạnh, đạt mức 1.711 tỷ đồng so với 9 tháng đầu năm 2018.
Kết quả kinh doanh của Masan trên một số lĩnh vực chính (Nguồn: MSN)
|
MML là đơn vị mũi nhọn, trực tiếp sở hữu thương hiệu và chế biến thịt mát - lĩnh vực được tập đoàn Masan đặt nhiều kỳ vọng và sẽ là sản phẩm chủ chốt, động lực tăng trưởng chính trong tương lai.
Bên cạnh đó, Masan còn thể hiện tham vọng muốn chia lại thị phần thị trường thịt, điều tương tự mà Vinamilk đã làm được trong lĩnh vực sữa, với mục tiêu giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực thịt mát vào năm 2023.
Để chuẩn bị cho những mục tiêu này, tính đến tháng 10/2019, MML đã đẩy mạnh phát triển kênh phân phối với việc cho ra mắt thành công 320 điểm bán có hệ thống bảo quản lạnh tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp. HCM. Dự kiến, chuỗi điểm bán có hệ thống bảo quản lạnh sẽ đạt hơn 650 điểm vào cuối tháng 12/2019.
Sản phẩm thịt mát mang thương hiệu “MEATDeli” đem về 69 tỷ đồng doanh thu trong Quý 3/2019, tăng gấp 4 lần so với quý trước đó. Dù vậy, Masan kỳ vọng doanh thu thuần của sản phẩm thịt mát này sẽ đạt mức 100 tỷ đồng vào tháng 12/2019, tương đương với doanh thu thuần cả năm là 1.200 tỷ đồng nhưng mới chỉ bằng 20% công suất của tổ hợp chế biến thịt của tập đoàn này tại Hà Nam.
Mục tiêu của MML đến năm 2022 sẽ trở thành một công ty FMCG có lợi nhuận
|
Theo kế hoạch, MML sẽ được niêm yết trên thị trường UPCoM vào cuối năm 2019. Trước thời điểm lên sàn, nhiều cổ đông nội bộ của MML đã có những giao dịch đáng chú ý.
Được biết, trong Quý 3/2019, Masan đã chuyển nhượng 1,33% cổ phần tại MML cho cổ đông không kiểm soát. Trước đó, vào tháng 3/2019, Masan đã mua thêm 0,4% vốn cổ phần tại MML với mức giá 163 tỷ đồng.
Tới đầu tháng 10/2019, truyền thông trong nước đưa tin hai cổ đông lớn của MML là Masan và ông Yew Kean Lai (Thành viên HĐQT MML) đăng ký bán ra gần 19,5 triệu cổ phiếu, tăng tỷ lệ free-float của doanh nghiệp này lên mức 20%.
Giá cổ phiếu của MML được định giá không hề rẻ. Quỹ đầu tư của PENM Partners trước đó đã chi 16 triệu USD để sở hữu 0,8% vốn điều lệ MML từ Masan. Trong khi một quỹ đầu tư khác là KKR đã chi 150 triệu USD để sở hữu 7,5% cổ phần của công ty này vào năm 2017. Còn hiện tại, cổ phiếu MML đang được chào bán trên thị trường ở mức giá 75.000 đồng/cổ phần.
Trái ngược với 2 mảnh ghép vừa nêu, ở lĩnh vực khai khoáng, kết quả từ hoạt động kinh doanh của Masan Resources (MSR) lại cho thấy bức tranh có phần ảm đạm hơn.
Cụ thể, trong Quý 3/2019, công ty này báo lợi nhuận gộp âm 35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lãi 377 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, mức lợi nhuận gộp của MSR cũng chỉ đạt mức 676 tỷ đồng, giảm tới 55,3% so với cùng kỳ. Dù vậy, khoản tiền bất thường từ việc thắng kiện cũng giúp MSR đạt được những kết quả nổi bật.
“Bất chấp các khó khăn thị trường hàng hóa hiện tại, MSR dự kiến sẽ khép lại năm nay với 150 triệu USD tiền mặt và các khoản tương đương do kết quả của vụ thắng kiện với Jacobs E&C Australia vào Quý 3/2019 và dự kiến thanh lý tồn kho Đồng vào cuối năm 2019” - thông cáo của Masan cho hay.
Cũng trong Quý 3/2019, Masan ghi nhận hơn 1.022 tỷ đồng lợi nhuận từ thu nhập khác, giúp cho kết quả lợi nhuận ròng của tập đoàn này tăng vọt lên mức 2.424 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến ngày 30/9/2019, quy mô tổng tài sản của tập đoàn này đạt 72.408,1 tỷ đồng, tăng gần 7.830 tỷ đồng so với đầu năm./.