Những lý do văn hoá, xã hội, chính trị khiến Trung Quốc ra tay chấn chỉnh mạnh làng giải trí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Làng giải trí Hoa ngữ gần đây luôn trong tình trạng "dầu sôi lửa bỏng", minh tinh liên tiếp "ngã ngựa", vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng "thanh trừng" giới nghệ sĩ của Trung Quốc?
Trung Quốc mở đợt càn quét thanh lọc làng giải trí Hoa ngữ. Ảnh: AP
Trung Quốc mở đợt càn quét thanh lọc làng giải trí Hoa ngữ. Ảnh: AP

Một bài đăng vào đêm ngày 27/8 trên trang thông tấn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) viết: "Từ giờ sẽ không còn chỗ cho hành động sai trái của các nghệ sĩ. Nếu muốn theo đuổi sự nghiệp biểu diễn, trước hết, bạn phải tuân thủ pháp luật và sống có đạo đức. Nếu không, chỉ cần một hành vi vi phạm, con đường nghệ thuật của bạn coi như đã tận".

Kể từ ngày này, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện thanh lọc toàn ngành công nghiệp giải trí. Hàng loạt sao Hoa ngữ đã bị "phong sát" chính thức hoặc ngầm, ví dụ như Lý Tiểu Lộ (scandal ngoại tình), Phạm Băng Băng (trốn thuế), Trịnh Sảng (chuyện mang thai hộ), Ngô Diệc Phàm (bê bối với gái vị thành niên).

Không có gì ngạc nhiên khi hàng loạt ngôi sao giới nghệ thuật Trung Quốc lao đao trước làn sóng chấn chỉnh của chính quyền. Nhìn bề ngoài, có vẻ như vụ bê bối tấn công tình dục của Ngô Diệc Phàm đã gây nên cơn bão kinh thiên động địa này, nhưng trên thực tế, kể từ khi MC Thôi Vĩnh Nguyên tung tin Phạm Băng Băng có "hợp đồng âm dương" vào năm 2018, chính quyền Trung Quốc đã để mắt tới các ngôi sao giàu có ngành giải trí và các công ty giải trí.

Trong khi đó, khoảng cách giàu nghèo gia tăng đang là mối lo hàng đầu của ĐCSTQ. Trung Quốc ngày càng trở nên lớn mạnh, nhưng khoảng cách giữa người giàu và nghèo cũng ngày càng tăng. Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh khoảng cách giàu nghèo đang gây ảnh hưởng tới đất nước cả về kinh tế lẫn chính trị.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của một số phong trào xã hội tiêu cực như "Tang Ping" (躺平 - thảng bình: nằm phẳng/nằm ườn) cũng khiến chính phủ Trung Quốc đau đầu. Phong trào lười biếng này của giới trẻ là một cuộc khủng hoảng rất nguy hiểm đối với Trung Quốc, đất nước luôn ôm "giấc mộng Trung Hoa". Chủ trương của đất nước tỉ dân là luôn cố gắng để đạt được sự tăng trưởng tốt nhất. Thế mà làn sóng "Thảng Bình" ngày một mạnh lại đi ngược hoàn toàn với mọi mục tiêu mà quốc gia này đặt ra.

Những vấn đề trên đã trở thành nguồn cơn để chính quyền Trung Quốc ngày càng mạnh tay với làng giải trí Hoa ngữ.

1. Sự hỗn loạn trong làng giải trí làm xáo trộn bầu không khí xã hội và văn hóa Trung Quốc

Lý Tiểu Lộ, Phạm Băng Băng, Trịnh Sảng mất sự nghiệp vì scandal đạo đức. Ảnh: Tân hoa xã
Lý Tiểu Lộ, Phạm Băng Băng, Trịnh Sảng mất sự nghiệp vì scandal đạo đức. Ảnh: Tân hoa xã

Những tin tức liên quan đến việc lừa dối, ly hôn và scandal của người nổi tiếng từ lâu đã chiếm được sự quan tâm rộng rãi của xã hội. Nó không chỉ trở thành chủ đề bàn tán chính của dư luận mà còn ảnh hưởng đến định kiến về giá trị của người chưa thành niên, khiến cả xã hội chìm trong bầu không khí tôn thờ tiền bạc, phù phiếm và so kè ghen tị.

Năm 2021 của giới giải trí Trung Quốc bắt đầu đầy sóng gió với scandal bí mật kết hôn, nhờ người mang thai hộ, bỏ rơi con của Trịnh Sảng. Hành vi này của Trịnh Sảng bị hãng tin Tân Hoa Xã đánh giá là "vi phạm đạo đức làm người" và bị cấm hoạt động nghệ thuật mãi mãi, nhận sự trừng phạt tẩy chay trên diện rộng.

Nếu Trịnh Sảng "vi phạm đạo đức làm người" thì scandal ngay sau đó của Ngô Diệc Phàm còn gây chấn động hơn khi liên quan đến loạt hành động phi pháp như buôn ma túy, môi giới mại dâm, cưỡng hiếp, hối lộ, v.v.

Nam ca sĩ Hoắc Tôn bị tẩy chay vì ngoại tình và có ý định đẩy bạn gái vào tù. Những đoạn chat bàn bạc về tình dục một cách tục tĩu của anh và bạn bè cũng bị lộ ra khiến khán giả phẫn nộ.

Trịnh Sảng, Hoắc Tôn hay Ngô Diệc Phàm đã phá vỡ nhiều giới hạn đạo đức, pháp luật và đặt ra một vấn đề nghiêm túc về hành vi và đạo đức của nghệ sĩ.

Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình Quốc gia (NRTA) đã tổ chức lớp học về đạo đức để củng cố, chấn chỉnh đạo đức cho nghệ sĩ trong nước. Gần đây, Đài truyền hình Hồ Nam – một trong những đài lớn nhất Trung Quốc – tiết lộ có 80 nghệ sĩ, MC đang làm việc với đài đã ký vào bản cam kết không vi phạm và tẩy chay những hành vi trái pháp luật, phi đạo đức.

Trung Quốc nỗ lực chiến dịch chấn chỉnh văn hóa thần tượng của giới trẻ. Ảnh: Getty Image

Trung Quốc nỗ lực chiến dịch chấn chỉnh văn hóa thần tượng của giới trẻ. Ảnh: Getty Image

Có một điều dễ nhận thấy, đó là hầu hết những người theo đuổi các ngôi sao là trẻ vị thành niên và dễ bị ảnh hưởng bởi hành vi của thần tượng. Vì vậy, tờ Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh đã nhận xét, mục đích cuối cùng của việc xử lý ngành công nghiệp giải trí là "bầu không khí trong xã hội" Trung Quốc.

Cơ quan chức năng Trung Quốc đề ra nhiều biện pháp nhằm kiềm chế văn hóa hâm mộ thần tượng quá đà ở một bộ phận giới trẻ hiện nay. Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc gần đây đã công bố kế hoạch gồm 10 điều ngăn chặn văn hóa hâm mộ hỗn loạn, xóa bỏ sự ảnh hưởng tiêu cực của người nổi tiếng đến giới trẻ...

Tình trạng sao nam yểu điệu thục nữ bị cho là gây độc hại tới thanh thiếu niên.

Tình trạng sao nam yểu điệu thục nữ bị cho là gây độc hại tới thanh thiếu niên.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn nghiêm khắc chấn chỉnh phong cách của các sao nam. Cụ thể, Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc ra văn bản cấm các nghệ sĩ có hình tượng phong cách ẻo lả, nữ tính quá mức. Cơ quan quản lý yêu cầu nghệ sĩ và chương trình giải trí cần truyền thông điệp "thẩm mỹ đúng đắn". Đơn vị sản xuất show phải kiểm tra chặt chẽ phong cách biểu diễn, trang phục, lối trang điểm của người tham gia.

Trung Quốc lo ngại hình tượng nữ tính hóa của sao nam sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thế hệ trẻ, và tạo nên lo ngại về một cuộc khủng hoảng nam tính xảy ra tại Trung Quốc.

Các nền tảng xem video tại Trung Quốc cũng không thoát khỏi đợt càn quét của chính quyền nước này. Nền tảng xem video trực tuyến ăn khách iQiyi đã phải hủy bỏ cuộc thi tuyển chọn thần tượng của mình. Theo lời lãnh đạo iQiyi, họ quyết định hướng đến mục tiêu "vạch ra ranh giới rõ ràng với các xu hướng không lành mạnh trong ngành giải trí".

2. Mục tiêu "Thịnh vượng chung" và việc giải quyết những phong trào tiêu cực bắt nguồn từ tư bản kếch xù của giới giải trí

Bản thân ông Tập Cận Bình đã nhiều lần cảnh báo khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc có thể đe dọa tính chính danh của ĐCSTQ
Bản thân ông Tập Cận Bình đã nhiều lần cảnh báo khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc có thể đe dọa tính chính danh của ĐCSTQ

Một điểm mấu chốt trong cuộc chấn chỉnh cứng rắn của Bắc Kinh đối với ngành nghệ thuật biểu diễn lần này là do chiến dịch cải cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với trọng tâm nhấn mạnh vào "thịnh vượng chung" mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ráo riết thực hiện.

Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc ngày càng gia tăng nhanh chóng. Nhóm 20% giàu nhất ở Trung Quốc có thu nhập cao gấp hơn 10 lần so với nhóm 20% nghèo nhất. Khoảng cách này lớn hơn ở Mỹ hay cả những nước châu Âu, và quan trọng là từ năm 2015 đến nay khoảng cách ngày càng lớn dần. Sự uất ức do bất bình đẳng có thể làm suy yếu độ tin cậy vào ĐCSTQ. Do đó, chính quyền Trung Quốc hướng đến cuộc phân phối lại của cải nhắm vào các cá nhân và doanh nghiệp.

Trước tiên phải khẳng định giải trí là một ngành kinh doanh lớn. Theo trang The Paper, đến năm 2022, giá trị "nền kinh tế thần tượng" ở nước này có thể lên tới 140 tỉ NDT (hơn 20 tỉ USD). Nền kinh tế giàu có này đã sản sinh ra tầng lớp nghệ sĩ siêu giàu và quyền lực nhưng cũng đi kèm với nhiều vấn đề đen tối như trốn thuế, cát-xê "trên trời", lợi dụng danh tiếng để làm giàu bất chính.

Phạm Băng Băng, Trịnh Sảng và những người khác nhận lương cao nhưng lại tìm mọi cách trốn thuế khiến dư luận sôi sục. Vụ việc trốn thuế của người nổi tiếng không còn là chuyện tầm phào nữa mà là vấn đề phân chia thu nhập và công bằng xã hội.

Cơ quan quản lý Trung Quốc những năm gần đây đã mạnh tay xử phạt những sai phạm của làng giải trí sau vụ minh tinh Phạm Băng Băng vướng scandal "hợp đồng âm dương" và trốn thuế. Tháng 8 vừa qua, diễn viên Trịnh Sảng bị yêu cầu nộp thuế và xử phạt tội trốn thuế tổng cộng 299 triệu NDT(46,1 triệu USD).

Ngoài ra, khi nhiều cá nhân và doanh nghiệp độc chiếm nhiều tài nguyên và của cải, người trẻ tuổi mất cơ hội "thăng tiến" trong xã hội, điều này đã dẫn đến phong trào "Thảng Bình". Về cơ bản, người bị tập nhiễm tư tưởng này sẽ nằm ườn, nghỉ ngơi, không làm gì cả theo nghĩa đen hoặc chỉ nhận những công việc nhàn hạ với mức lương tối thiểu. Họ sẽ tự cách ly bản thân khỏi mọi áp lực cuộc sống để được nghỉ ngơi hoàn toàn.

Một người dùng Weibo viết, "Các quan chức và đại gia nắm trong tay hầu hết của cải, và ngày càng nhiều tầng lớp lao động như chúng tôi phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần, nhưng vẫn không đủ khả năng mua một căn hộ hoặc thậm chí là chi phí để sinh con đẻ cái".

Đương nhiên, phong trào này của giới trẻ khiến các nhà chức trách lo lắng, coi như một mối đe dọa tiềm tàng đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc và giấc mơ phục hưng quốc gia.

Nói một cách dễ hiểu, ĐCSTQ hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về bất ổn xã hội, và các doanh nghiệp lớn và ngôi sao trong làng giải trí đã trở thành đối tượng mà ĐCSTQ nhắm đến để thúc đẩy bình đẳng kinh tế và xã hội và hạn chế sự lan tỏa của các phong trào tiêu cực.

3. Chuẩn bị cho Đại hội ĐCSTQ năm 2022, kiểm tra nghiêm ngặt tính đúng đắn về chính trị (政治正确/chánh trị chính xác)

Ngoài những nguồn cơn nêu trên, thực tế cuộc càn quét làng giải trí còn một phần lý do liên quan đến vấn đề nội bộ trong ĐCSTQ. Một thời gian trước, Bắc Kinh đã trừng phạt nghiêm khắc Alibaba và Ant Group của tỉ phú Jack Ma, sau đó cấm hoàn toàn Triệu Vy. Không ít người cho rằng cô bị đưa vào "danh sách đen" vì có quan hệ mật thiết với Jack Ma.

Không chỉ giàu có, tỉ phú Jack Ma còn được cho là có quan hệ tốt với các con cháu một số cựu lãnh đạo của Trung Quốc, đặc biệt là ông Giang Chí Thành, cháu trai của ông Giang Trạch Dân – Chủ tịch nước Trung Quốc giai đoạn 1989 - 2002. Công ty của ông Giang Chí Thành, BoYu Capital, là nam châm thu hút các nhà đầu tư giàu có bậc nhất thế giới và là đối tác của Alibaba.

Nói cách khác, trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào năm tới, Bắc Kinh chắc chắn sẽ xem xét kỹ lưỡng lập trường chính trị của các nhân vật quyền lực và đánh dấu rõ ràng họ là bạn hay thù của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Nhiều ngôi sao, công ty điện ảnh và truyền hình thường có những mối liên hệ chính trị nhất định sau lưng để "chống lưng". Tạp chí Next Magazine của Hồng Kông từng tiết lộ rằng hậu thuẫn của Thành Long từng là cánh tay phải của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân – ông Tăng Khánh Hồng.

Mặt khác, Trung Quốc lo ngại một số nhân vật của công chúng sử dụng địa vị của họ trong ngành giải trí để truyền bá những phát ngôn không phù hợp với hệ tư tưởng chính thức của ĐCSTQ, chẳng hạn như độc lập Hồng Kông và độc lập Đài Loan. Mới đây, diễn viên Trương Quân Ninh rơi vào danh sách đen và nhiều khả năng bị cấm hoạt động tại Đại lục chỉ vì hai chữ "nước tôi" trong luận văn thạc sĩ luật tại Đại học Trung ương Đài Loan cách đây 11 năm.

Vì vậy, Bắc Kinh hiện đang kiểm duyệt nghiêm ngặt tính đúng đắn về chính trị để chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ không liên quan đến chính trị, chỉ cần công ty hoặc ông chủ lớn đứng sau họ có vấn đề về "chính trị không đúng đắn" thì rất có thể sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Nói tóm lại, những hành động quyết liệt của chính quyền Trung Quốc không chỉ đơn giản là giải quyết những thứ văn hóa độc hại, tư tưởng lệch lạc do làng giải trí sản sinh ra mà còn nhằm răn đe những cá nhân, tổ chức quyền lực muốn đi ngược lại tôn chỉ và mục tiêu kinh tế và chính trị mà ĐCSTQ đã xác lập.

Thanh Hà (tổng hợp)