Những diễn biến mới nhất xung quanh khủng hoảng Ukraine: tình hình đang dịu đi rõ rệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nga giễu cợt về "Cuộc xâm lược" bắt đầu vào sáng sớm ngày 16/2, ông Biden nghi ngờ việc Nga rút quân nhưng cam kết Mỹ và NATO không triển khai tên lửa ở Ukraine…là những diễn biến mới nhất.
Bộ Quốc phòng Nga công bố hình ảnh Quân đội Nga rút về căn cứ sau khi kết thúc diễn tập (Ảnh: WSJ).
Bộ Quốc phòng Nga công bố hình ảnh Quân đội Nga rút về căn cứ sau khi kết thúc diễn tập (Ảnh: WSJ).

Theo Russia Today (RT), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã giễu cợt những thông tin của phương Tây về việc “Nga sẽ xâm lược Ukraine vào lúc 3 giờ sáng ngày 16/2”, mỉa mai rằng hoan nghênh những người Ukraine đã thức trắng đêm vì tin vào điều này.

RT nói, sau nửa đêm ngày thứ Tư (16/2) trôi qua ít lâu, khi được hỏi liệu người dân Ukraine có thể ngủ yên hay mất ngủ vì lo lắng, ông Peskov đã nói đùa với RIA Novosti rằng: "Tốt hơn hết họ hãy đặt báo thức vào thời điểm đó và tự kiểm chứng".

Về thời gian cụ thể về cái gọi là Nga bắt đầu "xâm lược" Ukraine - lúc 3h sáng ngày 16/2, RT cho biết đây là tuyên bố của một số phương tiện truyền thông phương Tây, đặc biệt là một số tờ báo lá cải của Anh, dẫn nguồn từ các quan chức tình báo Mỹ "xin ẩn danh".

Điều đáng nói là RT cũng đề cập rằng ông Peskov trước đó đã nói đùa rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đôi khi sẽ hỏi ông - cũng khôi hài - rằng liệu các phương tiện truyền thông phương Tây có công bố thời điểm chính xác Nga bắt đầu "xâm lược" Ukraine hay không.

Ông Joe Biden nói chưa xác nhận tin Nga rút quân, nhưng cam kết Mỹ và NATO không triển khai tên lửa ở Ukraine (Ảnh: Đông Phương).

Ông Joe Biden nói chưa xác nhận tin Nga rút quân, nhưng cam kết Mỹ và NATO không triển khai tên lửa ở Ukraine (Ảnh: Đông Phương).

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov trước đó vào ngày 15/2 cho biết, quân đội Nga sau khi đã hoàn thành các cuộc tập trận chung tại Belarus, quốc gia nằm sát biên giới Ukraine, sẽ trở về nơi đóng quân.

Mối quan hệ giữa Nga và Ukraine gần đây tiếp tục căng thẳng, hai bên đã triển khai một số lượng lớn quân nhân và vũ khí tại các khu vực biên giới của họ. Mỹ, Ukraine và NATO đã cáo buộc Nga điều quân ồ ạt đến gần biên giới phía đông Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc "xâm lược" Ukraine. Nga bác bỏ thông tin này, đồng thời nhấn mạnh rằng các hoạt động của NATO đe dọa an ninh biên giới của Nga, và Nga có quyền điều động quân đội bên trong biên giới để bảo vệ lãnh thổ của mình.

Trước thông báo của Moscow về việc quân đội Nga đã bắt đầu rút khỏi các khu vực sát biên giới Ukraine sau khi kết thúc các cuộc tập trận quân sự, theo RT, ngày 15/12 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Biden đã đáp trả, khẳng định rằng Mỹ "chưa xác nhận” thông tin này.

Tin của RT cho biết, ngày 15/2 (theo giờ Washington), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu về tình hình Nga và Ukraine tại Phòng phía Đông của Nhà Trắng.

RT đưa tin ông Peskov chế giễu thông tin của phương Tây "Nga sẽ xâm lược Ukraine sáng sớm ngày 16/2".

RT đưa tin ông Peskov chế giễu thông tin của phương Tây "Nga sẽ xâm lược Ukraine sáng sớm ngày 16/2".

Trong lần xuất hiện ngắn ngủi tại Nhà Trắng này, ông Biden tiếp tục nhấn mạnh rằng một cuộc "xâm lược" của Nga vào Ukraine vẫn có thể xảy ra và người Mỹ vẫn nên rời khỏi Ukraine theo mệnh lệnh trước đó của ông. Ông cũng tuyên bố rằng khoảng 150.000 quân Nga vẫn đang tiếp tục "bao vây Ukraine", nhưng lại không đưa ra bằng chứng nào về con số này mà ông trích dẫn.

Ngoài ra, ông Biden nói rằng việc Nga rút quân "rất tốt, nhưng chúng tôi chưa xác nhận". RT cho biết sau bài phát biểu, ông Biden đã không trả lời bất kỳ câu hỏi nào.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov trước đó cùng ngày cho biết, quân đội Nga đã hoàn thành các cuộc tập trận chung tại Belarus, sát biên giới Ukraine, các đơn vị quân đội Nga sẽ trở về nơi đóng quân.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 16/2, các Quân khu Miền Tây và Quân khu Miền Nam của Quân đội Nga hôm thứ Ba (15/2) đã thông báo rằng các đơn vị quân đội ở Belarus gần biên giới Ukraine sẽ trở về căn cứ của họ sau cuộc tập trận. Tình hình đã có dấu hiệu hòa dịu, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu trên truyền hình, nói những thông tin về việc Nga đã rút một bộ phận Quân đội khỏi biên giới Ukraine vẫn chưa được xác nhận. Ông Joe Biden đồng thời nói rằng một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine "vẫn rất có thể xảy ra".

Quân đội Ukraine căng thẳng đề phòng Nga tấn công. Trong ảnh một lính Ukraine vác hệ thống tên lửa chống tăng do Mỹ viện trợ (Ảnh: WSJ).

Quân đội Ukraine căng thẳng đề phòng Nga tấn công. Trong ảnh một lính Ukraine vác hệ thống tên lửa chống tăng do Mỹ viện trợ (Ảnh: WSJ).

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden kêu gọi nước Nga “hãy tránh xa bờ vực chiến tranh” và nhắn gửi tới người dân Nga: "Hỡi các công dân Nga: các bạn không phải là kẻ thù của chúng tôi, và tôi cho rằng các bạn không muốn phát động một cuộc chiến tranh hủy diệt và đẫm máu chống lại Ukraine”. Ông Biden cũng tuyên bố Mỹ không tìm cách đối đầu trực tiếp với Nga, nhưng nếu Nga tấn công người Mỹ ở Ukraine, Mỹ “sẽ giáng trả mạnh mẽ”.

Ông Biden nói Mỹ và các đồng minh NATO đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ điều gì sẽ xảy ra và Nga sẽ phải trả giá đắt về kinh tế nếu tiến hành hành động xâm lược. Ông chỉ ra rằng Nga “vẫn rất có thể xâm lược Ukraine”, và Mỹ sẽ phản ứng một cách kiên quyết điều này, nhưng ông cũng cho biết Mỹ sẽ cố gắng giải quyết vấn đề thông qua các kênh ngoại giao có thể để tránh xảy ra xung đột.

Trước bài phát biểu của ông Biden, các nước phương Tây cũng chưa bày tỏ tin tưởng việc quân Nga rút khỏi biên giới Ukraine.Thủ tướng Anh Boris Johnson và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft đều nói rằng họ chưa có bằng chứng về việc quân đội Nga rút quân. Tổng thư ký NATO, Tướng Jens Stoltenberg cũng bày tỏ thận trọng, ông nghi ngờ liệu quân đội Nga có để lại thiết bị hạng nặng khi rút quân để tăng viện nhanh chóng hay không. Ông nói việc rút quân thực sự phải bao gồm cả triệt thoái trang thiết bị và nói NATO sẽ tiếp tục giám sát các động thái của Quân đội Nga.

Các hoạt động Ngoại giao tấp nập diễn ra đã giúp làm dịu tình hình. Trong ảnh: Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Nga Putin họp báo sau cuộc hội đàm về tình hình Ukraine (Ảnh: AP).

Các hoạt động Ngoại giao tấp nập diễn ra đã giúp làm dịu tình hình. Trong ảnh: Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Nga Putin họp báo sau cuộc hội đàm về tình hình Ukraine (Ảnh: AP).

Thông tin mới nhất về cuộc khủng hoảng ở biên giới giữa Nga và Ukraine, Mỹ bày tỏ sẽ không triển khai tên lửa ở Ukraine và bày tỏ lạc quan rằng cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết thông qua đường ngoại giao.

Theo hãng TASS đưa tin ngày 16/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ không triển khai bất kỳ tên lửa nào trên đất Ukraine và cũng không có kế hoạch triển khai tên lửa ở đó trong tương lai.

Ông Biden nói: “Cả Mỹ và NATO đều không triển khai tên lửa ở Ukraine. Chúng tôi cũng không có kế hoạch triển khai tên lửa ở đó. Ông nói: “Chúng tôi không đối đầu với người dân Nga; chúng tôi không tìm cách phá hoại sự ổn định của Nga”.

Theo CNN, trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15/2 (theo giờ Washington), ông Biden đã nói về cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine, bày tỏ lạc quan về hoạt động ngoại giao, đồng thời cảnh báo Nga sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nếu xâm lược Ukraine.

CNN cho biết, ông Biden đã trực tiếp nhắn nhủ với các công dân Nga, nói rằng Mỹ và các đồng minh không gây ra mối đe dọa nào đối với họ và có “đủ” không gian ngoại giao với Nga để tránh xung đột ở châu Âu.

"Mỹ và NATO không phải là mối đe dọa đối với Nga, cũng như Ukraine không phải là mối đe dọa đối với Nga. Chúng tôi không nhắm vào người dân Nga, các bạn không phải là kẻ thù của chúng tôi", ông Biden nói.

Theo CNN, ông Biden cho biết Mỹ chưa xác nhận việc Nga rút quân sau khi hoàn thành cuộc tập trận và cảnh báo nếu Nga xâm lược Ukraine trong những ngày và tuần tới sẽ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời ông vẫn bày tỏ lạc quan về việc giải quyết khủng hoảng thông qua con đường ngoại giao.

TASS đưa tin, ngày 26/1, Mỹ và NATO đã gửi văn bản trả lời cho Nga liên quan đến các đảm bảo an ninh của Moscow. Do phía Mỹ yêu cầu không công khai chúng nên cả Ngoại trưởng Antony Blinken và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ đưa ra các điều khoản cơ bản của các tài liệu này.

Theo các tuyên bố này, tuy phương Tây không nhượng bộ các đề xuất then chốt của Nga, nhưng đã chỉ ra phương hướng cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Nga cho biết họ không hài lòng với các phản hồi, nhưng có một số phản hồi có mang tính xây dựng.