Nhựa Tiền Phong: Rủi ro từ nhà phân phối thân hữu...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đã có những cảnh báo về rủi ro chiếm dụng vốn của Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Minh Hải – một đối tác thân quen, không chỉ với NTP mà còn có mối liên hệ mật thiết với giới lãnh đạo của doanh nghiệp này.
Ảnh minh họa (Nguồn: NTP)
Ảnh minh họa (Nguồn: NTP)

Trên báo cáo tài chính bán niên 2020 đã soát xét, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong – Mã CK: NTP) báo lãi sau thuế trong kỳ chỉ đạt 204 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh nguyên nhân từ sự sụt giảm doanh thu, NTP còn phát sinh một khoản dự phòng khó đòi 78,7 tỷ đồng khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 2,36 lần so với cùng kỳ.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, khoản dự phòng này nhiều khả năng xuất phát từ việc trích lập cho khoản phải thu 334 tỷ đồng tại Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Minh Hải (Minh Hải). Khoản phải thu đã quá hạn trên 6 tháng.

Trong một báo cáo phát hành ngày 1/6, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) đánh giá NTP đang chịu rủi ro chiếm dụng vốn tương đối lớn từ nhà phân phối.

Cụ thể, FPTS cho biết, năm 2019, khoản phải thu của NTP chủ yếu đến từ các nhà phân phối ống nhựa. Trong đó, khoản phải thu tại Minh Hải chiếm tỷ trọng 54% tổng khoản phải thu.

Công ty này cho rằng mặc dù tỷ lệ các khoản phải thu/doanh thu của NTP đã giảm từ 33% năm 2018 xuống 19% năm 2019, nhưng vẫn cao so với các doanh nghiệp khác trong ngành. Theo ghi nhận của VietTimes, tính đến cuối Quý 2/2020, con số này ở mức 43,3%.

Minh Hải dẫn đầu các khoản phải thu tại NTP (Nguồn: FPTS)
Minh Hải dẫn đầu các khoản phải thu tại NTP (Nguồn: FPTS)

Phần thuyết minh trên báo cáo tài chính của NTP cũng nêu rõ, Minh Hải là công ty có thành viên quản lý chủ chốt là cá nhân của doanh nghiệp này.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Minh Hải được thành lập cuối tháng 11/2006 bởi 2 cổ đông sáng lập là bà Lê Thị Thúy Hải và ông Đặng Quốc Minh. Bà Hải và ông Minh là vợ và con trai của ông Đặng Quốc Dũng – Chủ tịch HĐQT của NTP.

Sẽ không có gì đáng nói nếu những giao dịch giữa NTP và Minh Hải diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, tuân thủ nguyên tắc cung cầu của thị trường.

Gần như tương đồng với khoản dự phòng phải thu phát sinh, so với cùng kỳ năm trước, giá trị giao dịch bán hàng của NTP với Minh Hải đã giảm mạnh từ mức 571,2 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 95,1 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản của NTP đạt 4.410 tỷ đồng, giảm 3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là hàng tồn kho với 1.177 tỷ đồng, tương ứng 26% tổng tài sản.

Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối Quý 2/2020, nợ phải trả của NTP ở mức 1.865 tỷ đồng, trong đó vay ngắn và dài hạn là 1.536 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 82%. Vốn chủ sở hữu đạt 2.545 tỷ đồng, giảm khoảng 20 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2020, NTP đặt mục tiêu doanh thu bán sản phẩm đạt 5.100 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2019; lợi nhuận trước thuế ở mức 470 tỷ đồng, tăng trưởng 3%.

Doanh thu đáng nể của Cty Minh Hải

Theo dữ liệu của VietTimes, doanh thu của Minh Hải trong những năm gần đây liên tục các mốc nghìn tỷ, chỉ đứng sau những doanh nghiệp nhựa xây dựng tốp đầu đang niêm yết trên thị trường chứng khoán như NTP, BMP, DAG. Trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của Minh Hải liên tục cải thiện. Tuy nhiên, biên lợi nhuận lại có xu hướng giảm.

Cụ thể, trong năm 2019, Minh Hải ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1.268 tỷ đồng và 5,1 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận chỉ ở mức 0,4%. Cùng với sự tăng trưởng của doanh thu, từ năm 2016 – 2018, quy mô tài sản của Minh Hải tăng mạnh từ 666 tỷ đồng lên mức 1.068 tỷ đồng.

Minh Hải dường như chứng kiến biến động lớn trong hoạt động năm 2019. Bởi lẽ, quy mô tổng tài sản tính đến cuối năm ngoái của doanh nghiệp này bất ngờ sụt giảm về mức 697,5 tỷ đồng. Thậm chí, quy mô vốn chủ sở hữu của Minh Hải còn sụt giảm xuống mức âm 23,1 tỷ đồng./.