Tới quý 2/2018, quy mô tổng tài sản của DNP Corp đã đạt 5.313 tỷ đồng, tăng 1.461 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
DNP Corp đã tiến hành thâu tóm và sở hữu nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nước, chuyên sản xuất và kinh doanh nước sạch. Bên cạnh đó, để đáp ứng chiến lược phát triển mới, mô hình hoạt động của công ty cũng có những sự thay đổi phù hợp với việc tập trung cho hai lĩnh vực quan trọng này.
Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2018, DNP Corp đã sở hữu trực tiếp và gián tiếp nhiều công ty trong các hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh nước sạch, tại một số tỉnh thành như: Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư ngành nước DNP, CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP – Tiền Giang, CTCP Đầu tư hạ tầng nước DNP – Long An, CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP – Bắc Giang...
Đáng chú ý, CTCP Đầu tư ngành nước DNP (DNP Water), được thành lập vào tháng 4/2017, là công ty con đóng vai trò quan trọng, chuyên phụ trách đầu tư vào các doanh nghiệp ngành nước của DNP Corp.
Chỉ sau một năm hoạt động, DNP Water đã không ngừng thâu tóm thêm công ty mới, mở rộng phạm vi hoạt động tới 8 tỉnh thành, tổng công suất thiết kế các nhà máy đang sở hữu đạt 680.000 m3/ngày, số lượng khách hàng hiện hữu đạt gần 500.000 tổ chức và cá nhân.
Giới thiệu về DNP Water trên trang chủ của DNP Corp (Nguồn: DNP Corp)
|
Bên cạnh đó, DNP Water cũng trở thành công ty đầu tiên trong ngành nước sạch Việt Nam được Tổ chức tài chính quốc tế IFC (IFC), một trong những thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), cam kết tài trợ 24,9 triệu USD.
Cụ thể, IFC cam kết giá trị giải ngân cho giai đoạn đầu là 15,3 triệu USD theo hình thức khoản vay có thể chuyển đổi thành cổ phiếu. Giá trị còn lại sẽ được cân nhắc đầu tư bổ sung sau khi đã hoàn thành giải ngân giai đoạn đầu tư.
Có lẽ vì nguồn vốn đến từ một tổ chức thuộc WB, nên mức lãi suất áp dụng của khoản vay này cũng có phần ưu đãi, chỉ là 5%/năm, tính trên số dư nợ vay bằng đồng Việt Nam (tiền lãi được thanh toán bằng USD, ngày trả lãi là 15/1 và 17/7 hàng năm). Mục đích của khoản đầu tư này là nhằm thực hiện chiến lược đầu tư vào các nhà máy nước sạch.
Thực tế, các khoản đầu tư của IFC đang được sử dụng đúng mục đích khi DNP Water tập trung thực hiện đầu tư, triển khai xây dựng dự án nhà máy nước sạch DNP – Bắc Giang (DNP Bắc Giang) và dự án nhà máy nước Long An.
Trong đó, nhà máy nước sạch DNP – Bắc Giang được coi là một trong những dự án trọng điểm của DNP Water, có tổng số vốn đầu tư dự kiến lên đến 1.286 tỷ đồng được chia làm 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2016 - 2018) có công suất cấp nước 29,5 nghìn m3/ngày đêm, dự phòng tăng áp lên 40 nghìn m3/ngày đêm; giai đoạn 2 (từ năm 2020 - 2022), công suất cấp nước 59 nghìn m3/ngày đêm, dự phòng tăng áp lên 80 nghìn m3/ngày đêm.
Công trình nhà máy lọc nước DNP - Bắc Giang đã được khánh thành (giai đoạn 1) ngày 18/8/2018.
Ngoài ra, DNP Water cũng đang triển khai xây dựng nhà máy nước sạch DNP-Long An với quy mô công suất tương tự nhà máy tại Bắc Giang để đáp ứng nhu cầu phát triển khu công nghiệp tại Tỉnh trong thời gian tới.
Cần thiết phải nói rằng, với các vấn đề nổi cộm về tình trạng ngập mặn xâm lấn và sạt lở trầm trọng đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, mà nguyên nhân phần lớn do khai thác nước ngầm quá mức và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng khan hiếm nước sạch thì những nhà đầu tư tư nhân như DNP Water thực hiện các dự án nhà máy nước mặt thay thế cho nguồn nước ngầm là một bước đi tắt đón đầu thông minh.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào các dự án cung cấp nước, như đã biết, là một lĩnh vực thâm dụng vốn và tốn rất nhiều chi phí đầu tư. Điều này có thể tác động đến hiệu quả ngắn hạn cho nhà đầu tư và đó là bài toán mà ban lãnh đạo DNP Water phải cân đối./.