Ảnh minh họa - Dự án khu dân cư sinh thái và nhà vườn Sen Việt (Nguồn: VietinBank) |
Khởi nguồn ý tưởng dự án Khu dân cư sinh thái và nhà vườn Sen Việt (Sen Việt) được Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – Mã CK: CTG) miêu tả khá chi tiết trong những bản tin đăng tải trên trang chủ vào cuối năm 2012.
Trong đó, ban lãnh đạo ViettinBank đã đánh giá tỉnh Đồng Nai có vị trí thuận lợi, là cửa ngõ giao thông, giáp ranh phía đông của Tp. Hồ Chí Minh, được quy hoạch trở thành đô thị vệ tinh cho trung tâm kinh tế lớn của cả nước trong tương lai. Mặt khác, tỉnh Đồng Nai cũng nằm giữa vùng tam giác kinh tế là Tp. Hồ Chí Minh, Biên Hòa và Bà Rịa – Vũng Tàu nên có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, khu du lịch.
Nhận thấy một số dự án bất động sản đã triển khai trên địa bàn tỉnh do “vội vã đầu tư” nên không phát huy được hiệu quả, giai đoạn từ năm 2007 - 2009, ban lãnh đạo VietinBank đã thực hiện những bước đi đầu tiên để thành lập và đầu tư Dự án Sen Việt.
Ban lãnh đạo VietinBank đã “giao” cho Công ty Cổ phần Đầu tư Sen Việt Công Thương (Sen Việt Công Thương) làm Chủ đầu tư xây dựng dự án Sen Việt. Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án do Công ty TNHH Surbana Việt Nam lập, cũng đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định số 3061/QĐ-UBND ban hành ngày 16/11/2010.
Theo đó, dự án này sẽ được xây dựng trên tổng diện tích 212 ha, quy hoạch sử dụng đất bao gồm: đất ở (chiếm 30,76%); đất công trình công cộng – thương mại (chiếm 14,34%); đất dành cho công viên – cây xanh (chiếm 25,69%); đất dành cho giao thông (chiếm 28,97%), còn lại là đất dành cho kết nối hạ tầng.
Vị trí của Dự án Khu dân cư sinh thái và nhà vườn Sen Việt (Nguồn: VietinBank)
|
Dự án Sen Việt sẽ được chia làm 3 giai đoạn, kéo dài tới năm 2020 và được thực hiện bằng nguồn vốn doanh nghiệp (chủ đầu tư).
Dù vậy, phải mất tới hơn 1 năm sau, cụ thể ngày 9/2/2012, dự án này mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chấp thuận đầu tư (thay cho giấy phép đầu tư) theo Quyết định số 182/TTg-KTN.
Sau đó, dự án Sen Việt đã được Bộ Xây dựng thông qua thiết kế cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại văn bản 579/BXD – HĐXD ngày 13/4/2012. Tính tới năm 2014, các thủ tục pháp lý khác với chính quyền địa phương và công tác chi trả tiền bồi thường và hỗ trợ các hộ dân trong vùng dự án cũng đã được thực hiện khá thuận lợi.
Những tưởng sau khi bỏ ra nhiều năm tích cực hoàn thành các thủ tục pháp lý, Sen Việt Công Thương sẽ có điều kiện tập trung thực hiện triển khai dự án Sen Việt như kế hoạch. Nhưng đến cuối năm 2015, dự án Sen Việt, chưa biết vì lý do nào đã được chuyển nhượng khá chóng vánh với một “đại gia” khác trong lĩnh vực bất động sản.
Dự án Sen Việt đã được thâu tóm như thế nào?
Cũng giống như các hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản khác, Sen Việt cũng đã được “sang tay” bằng cách thay đổi cơ cấu cổ đông của công ty chủ đầu tư, trong trường hợp này là Sen Việt Công Thương.
Ngày 30/12/2015, Công ty cổ phần Phát triển đô thị Nam Hà Nội (NHN) đã công bố thông tin về việc nhận chuyển nhượng 55,8 triệu cổ phần, tương đương với 558 tỷ đồng (theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu), của Sen Việt Công Thương.
Sau khi hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng cổ phần nêu trên, NHN sẽ sở hữu 93% vốn điều lệ. Chi tiết hơn về thương vụ này đã được thể hiện rõ trong phần thuyết minh của Báo cáo tài chính riêng (đã soát xét) năm 2015 của NHN.
Theo đó, ngày 28/12/2015, NHN đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 93% cổ phần của Sen Việt Công Thương từ các đối tác cá nhân và doanh nghiệp.
Hai bước "Bắc tiến" của chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng |
Sau đó, vào ngày 1/3/2016, NHN đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nắm gữ tại công ty này cho các đối tác doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, phải đến ngày 28/4/2016, NHN mới hoàn tất các thủ tục có liên quan, các doanh nghiệp nhận chuyển nhượng cũng dần lộ diện sau đó không lâu.
Nhà ở trong dự án Khu dân cư sinh thái và nhà vườn Sen Việt (Nguồn: VietinBank)
|
Theo nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp được Phòng Đăng ký kinh doanh của tỉnh Đồng Nai cấp ngày 4/5/2016, Sen Việt Công Thương đã có những cổ đông hoàn toàn mới.
Các cổ đông cũ là Công đoàn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (75% vốn điều lệ), Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Công trình Kiến trúc Hà Nội (20% vốn điều lệ), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 36 (5% vốn điều lệ).
Đã được thay thế bằng, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (99,681% vốn điều lệ), Công ty TNHH Tân Thuận (0,159% vốn điều lệ) và Công ty TNHH Nam Sài Gòn Residences (0,159% vốn điều lệ). Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Người đại diện theo pháp luật cũng được thay thể bởi ông TSENG FAN CHIH.
Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (Phú Mỹ Hưng) là một doanh nghiệp bất động sản có tiếng tại khu vực miền Nam, gắn liền với sự phát triển của khu đô thị (Phú Mỹ Hưng) có cùng tên tại Tp. Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, ông TSENG FAN CHIH cũng là người đại diện của Phú Mỹ Hưng.
Thâu tóm dự án Sen Việt nhằm tích lũy quỹ đất?
Trong sự kiện ra mắt dự án khu phức hợp Phú Mỹ Hưng Midtown (đầu năm 2017), khi được hỏi về việc doanh nghiệp sẽ làm gì để giữ mức tăng trưởng như thời gian qua, trong khi chỉ còn khoảng 30% quỹ đất để phát triển (?), ông Trương Quốc Hưng – Phó tổng giám đốc Phú Mỹ Hưng đã chia sẻ:
“Tuy đã sử dụng 70% quỹ đất hiện có, nhưng không có nghĩa chúng tôi đã tới giới hạn tăng trưởng. Đối với 30% quỹ đất còn lại tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, chúng tôi sẽ phát triển căn hộ thuộc phân khúc cao cấp, chăm chút đến từng chi tiết nhỏ, để mỗi công trình trong thời gian tới sẽ tạo thành các điểm nhấn đặc biệt ở .”
Ông Trương Quốc Hưng – Phó tổng giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng phát biểu tại sự kiện ra mắt dự án khu phức hợp Phú Mỹ Hưng Midtown (Nguồn: Phú Mỹ Hưng)
|
“Ngoài ra, năm 2016, chúng tôi đã mua 3 dự án rộng hàng trăm ha ở phía Bắc và một số nơi khác. Chúng tôi sẽ phát triển quỹ đất ngoài khu đô thị như đã làm với dự án Saigon South Residences.” – ông Hưng cho biết thêm.
Gần đây, một công ty khác thuộc “hệ sinh thái” của Phú Mỹ Hưng là Công ty TNHH Phát triển Phú Hưng Khang (Phú Hưng Khang) đã được nhóm ngân hàng nước ngoài thỏa thuận thu xếp cho vay vốn với giá trị lên tới 400 triệu USD.
Thương vụ này cũng "hé lộ" hai dự án khác tại các tỉnh miền Bắc cũng có diện tích lên tới hàng trăm hecta được Phú Mỹ Hưng âm thầm thâu tóm là: Dự án khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ Sannam tại tỉnh Hòa Bình (diện tích quy hoạch ban đầu 405,7 ha) và Dự án Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm tại tỉnh Bắc Ninh (diện tích quy hoạch 198 ha).
Đáng chú ý, các dự án này đều được Phú Mỹ Hưng âm thầm thâu tóm trong năm 2016.
Chưa rõ với quỹ đất “khủng” tích lũy được trong tay, Phú Mỹ Hưng đã và dự định tiến hành triển khai dự án như thế nào, chỉ biết các dự án này đều hoàn tất những bước thủ tục pháp lý cuối cùng và đòi hỏi nguồn vốn lớn để có thể triển khai thực hiện./.