Nhờ công nghệ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông

Tình hình giao thông đường bộ được xem như biểu tượng đặc trưng của Việt Nam. Tuy nhiên, ẩn đằng sau nét đặc trưng đó còn có bi kịch của hàng triệu người dân là vấn đề tai nạn giao thông. Các vấn đề tác động trên các lĩnh vực như giáo dục, chính sách, hành vi và công nghệ…

Tình hình giao thông đường bộ được xem như biểu tượng đặc trưng của Việt Nam. Tuy nhiên, ẩn đằng sau nét đặc trưng đó còn có bi kịch của hàng triệu người dân là vấn đề tai nạn giao thông. Cứ mỗi 100.000 người thì có đến 26,7 ca tử vong vì tai nạn giao thông, cao gấp rưỡi tỷ lệ trung bình toàn cầu là 18,2 mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố.

Một báo cáo được công bố gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy tại khu vực Đông Nam Á, 43% tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đều liên quan đến xe hai và ba bánh, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 28%. Tại Việt Nam, các vụ tai nạn liên quan đến xe hai và bốn bánh chiếm gần 60% số tử vong giao thông đường bộ của khu vực. Điều này cónghĩa là, tính đến 2016, đã có hơn 8.400 trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông mỗi năm.

Tuy nhiên, có thể tăng cường an toàn giao thông đường bộ và lái xe an toàn tại ASEAN với công nghệ tiên tiến. Bosch giúp người Việt lái xe an toàn hơn bằng công nghệ phanh xe mới nhất. Thông qua Chương trình đánh giá xe mới cho các nước Đông Nam Á (ASEAN NCAP), Bosch sẽ chứng minh và mô phỏng cách thức công nghệ Bosch giúp người dân Việt Nam gia tăng an toàn bản thân khi lái xe như thế nào. Tại sự kiện tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội vào hôm qua 9/3, Bosch đã trình diễn những công nghệ an toàn dành cho xe hai bánh mà hãng mới phát minh.

Dự báo nhu cầu sử dụng xe hai bánh trên toàn cầu sẽ tăng mỗi năm hơn 4% trong giai đoạn 2017 - 2022, đạt mức 122 triệu xe vào năm 2022 (nguồn: Freedonia). Đặc biệt Đông Nam Á là một trong 3 thị trường xe máy lớn của thế giới, bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ. Để đáp ứng nhu cầu phát triển đầy tiềm năng của thị trường Đông Nam Á, Bosch đã thành lập một đội ngũ chuyên về xe hai bánh và mô tô thể thao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Guru Mallikarjuna, Giám đốc điều hành của Bosch Việt Nam, cho biết: “Sự tăng trưởng không ngừng của phân khúc động cơ tại Đông Nam Á chủ yếu đến từ sự phổ biến của các phương tiện xe hai bánh. Bosch sẽ tăng cường hỗ trợ an toàn giao thông đường bộ cũng như lái xe an toàn tại Đông Nam Á nhờ vào các công nghệ bảo vệngười lái của chúng tôi”.

Giải pháp an toàn hiệu quả: Ba bước lái xe tránh tai nạn

Sự an toàn là một trong những thách thức lớn nhất của thị trường xe máy. Người lái xe máy vẫn là đối tượng giao thông dễ gặp nguy hiểm nhất vì nguy cơ tử vong do tai nạn giao thông cao gấp 20 lần so với người lái xe hơi. Bosch đang giải quyết vấn đề này với giải pháp ba bước lái xe toàn diện, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Bước thứ nhất là giữ cho xe ổn định trong các tình huống phanh và tăng tốc; bước hai, thực hiện chức năng dự đoán sự an toàn với công nghệ cảm biến vòm đột phá; và bước ba là kết nối xe với hệ sinh thái của nó.

Bosch giới thiệu công nghệ ABS chống bó cứng phanh cho xe mô-tô (Anti-Locking Brakes System) khi đi trên đường trơn trượt tại Hội thảo an toàn giao thông ASEAN (VSC) và Chương trình đánh giá xe mới cho các nước Đông Nam Á (ASEAN NCAP) lần thứ hai được tổ chức tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội với sự cộng tác của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Việt Nam và Tổ chức Đối tác an toàn đường bộ toàn cầu (GRSP).

Là bước đầu tiên của giải pháp an toàn toàn diện của Bosch, ABS góp phần cải thiện độ ổn định của xe bằng cách ngăn chặn bánh xe khóa lại trong lúc phanh, giúp tăng cường tính an toàn khi đi xe. Từ năm 1984, Bosch đã liên tục nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ ABS để cung cấp cho tất cả các loại xe trên thị trường. Một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi Bosch cho thấy, nếu tất cả các xe hai bánh trong khu vực ASEAN đều được trang bị ABS, khoảng 1/4 các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe hai bánh có thể được ngăn chặn.

Ban đầu công nghệ ABS được phát triển dành cho xe bốn bánh. Bosch là đơn vị đầu tiên ra mắt ABS trên toàn thế giới vào năm 1978 và phát triển song song với ngành công nghiệp ô tô. Hệ thống điện tử trên ABS phát hiện các bánh xe có xu hướng khóa và giảm áp lực phanh theo cách thức cài đặt sẵn. Do đó, chiếc xe vẫn ổn định ngay cả khi dùng phanh trên các bề mặt đường với độ bám khác nhau

Hệ thống ABS chính là công nghệ nền tảng, giúp phương tiện hiện đại hoạt động một cách an toàn hơn. Ví dụ như hệ thống kiểm soát độ bám đường (TCS) và hệ thống cân bằng điện tử (ESP) được phát triển dựa trên ABS. Từ lúc ra đời đến nay, Bosch đã lắp đặt hơn 457 triệu hệ thống quản lý phanh ABS và ESP trên toàn thế giới.

Thao tác chủ động an toàn với ESP (Hệ thống cân bằng điện tử)

Sử dụng các cảm biến thông minh, ESP so sánh 25 lần mỗi giây để xác định liệu xe có thật sự đang di chuyển theo hướng người lái đang điều khiển. Nếu các giá trị đo không trùng khớp, hệ thống chống trượt sẽ can thiệp và bắt đầu làm giảm mô-men xoắn động cơ. Nếu thao tác này vẫn chưa đủ, hệ thống sẽ tiếp tục phanh từng bánh xe riêng lẻ, tạo ra phản lực cần thiết để giữ cho chiếc xe an toàn trên đường đi. Nếu tất cả các phương tiện đều được trang bị ESP, điều này có thể giúp ngăn chặn tới 80% trên tổng số tai nạn xe do trượt bánh.

Kể từ 1/11/2014, ESP đã trở thành một quy định bắt buộc tại Liên minh châu Âu (EU) đối với tất cả các xe ô tô đăng ký mới và loại xe thương mại hạng nhẹ có trọng lượng lên tới 3,5 tấn. Ngoài ra, hệ thống chống trượt cũng đã được quy định ở các nước như Úc, Canada, Israel, New Zealand, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ. Tại các quốc gia Đông Nam Á, Malaysia là quốc gia đầu tiên ứng dụng ESP từ đầu năm 2018, Bosch tin rằng các quốc gia ASEAN khác cũng nên bắt đầu quan tâm đến vấn đề này để cải thiện tốt hơn tình trạng tai nạn giao thông. Trên toàn thế giới, 74% các phương tiện mới đã được trang bị ESP. Tính đến nay, Bosch đã sản xuất hơn 150 triệu hệ thống ESP.

Bosch đã không ngừng hợp tác chặt chẽ với Chương trình Đánh giá xe mới cho Đông Nam Á (ASEAN NCAP) để giới thiệu ABS và ESP ra thị trường khu vực với mong muốn góp phần giảm thiểu tai nạn và thương vong khi lưu thông. Tại Diễn đàn ASEAN Automobile Safety Forum 2019 (AASF 2019), một trong những cầu nối giúp Bosch kết hợp với các đối tác trong ngành để tiếp cận, giới thiệu các nhóm cộng đồng về công nghệ có khả năng giảm thiểu rủi ro tai nạn đường phố. Bosch đã kêu gọi các cuộc thảo luận và sự hợp tác tích cực giữa các bên liên quan nhằm khai thác lợi thế của các công nghệ hiện đại giúp bảo vệ an toàn cho người cầm lái.

Theo VnMedia

http://vnmedia.vn/trai-nghiem-ict/201903/nho-cong-nghe-giup-giam-thieu-tai-nan-giao-thong-628689/