“Nhiều ý kiến cho rằng nên cấm condotel, tôi cho rằng đó là lo xa, chưa cần thiết!“

VietTimes -- GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện đầu Xuân về triển vọng thị trường bất động sản năm Kỷ Hợi 2019. Ông nhiều lần nhấn mạnh về tiềm năng của loại hình condotel - vốn đang có nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- PV: Ông đánh giá thế nào về các phân khúc bất động sản năm vừa qua?

GS. Đặng Hùng Võ: Theo tôi, nhìn chung các phân khúc nhà ở đã có chuyển động tốt nhưng cần sự điều chỉnh về mặt chính sách, hướng phát triển.

Ví dụ, các dự án gần đây của Vingroup đã giải quyết rất tốt cho phân khúc nhà ở bình dân. Nó mở ra các giải pháp tốt và đem đến những gợi ý cho chính sách nhà ở. Bởi trong bối cảnh nhà ở bình dân thiếu, nhà ở xã hội ế như hiện nay thì Vingroup đưa ra các sản phẩm nhà ở - dù giá không thấp nhưng thời gian trả nợ lại được giãn cách dài hơn - giúp người dân có thêm điều kiện mua.

Hiện tượng nhà ở bình dân của Vingroup là điều các nhà làm chính sách cần lưu ý. Kể cả khả năng du nhập lao động, kích thích thị trường bất động sản.

Nếu nhìn 2017, thấy 2018, thị trường bất động sản tốt hơn các năm trước. Bất động sản nghỉ dưỡng tăng bao nhiêu cũng không đủ, không cần lo bong bóng hay thừa cung, dư địa còn rất nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng nên cấm condotel, tôi cho rằng đó là lo xa, chưa cần thiết. Quan trọng là phải cân đối được được các sản phẩm.

Vừa qua, sản phẩm cao cấp, siêu cao cấp tăng nhưng không phải kỳ vọng như Luật Nhà ở 2014. Theo đó, phân khúc nhà ở bình dân thực sự đang có nhiều triển vọng.

Phải nhìn nhận chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là thời cơ

- Những cơ hội nào cho thị trường bất động sản Việt Nam trong năm tới, thưa ông?

Chúng ta cần phải kiểm tra và đánh giá lại, xem Việt Nam có đủ điều kiện để nhà đầu tư các nước họ đến và lưu lại hay chưa? Khi không đủ điều kiện thì đương nhiên nhà đầu tư không vào.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam. Điều chúng ta phải làm là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thay vì để họ đến các nước khác.

Đó là chuẩn bị đủ điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Triển vọng bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại là rất lớn.

Bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại sẽ là triển vọng mới.
Bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại sẽ là triển vọng mới.

Nếu luồng vốn FDI dồn vào, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội. Nhưng cũng kèm theo những thách thức. Nên chúng ta phải biết tận dụng cơ hội. Hay lại bỏ phí!

Tôi không nói tín dụng là yếu nhưng phải nói tiền tiết kiệm trong dân không ai biết có bao nhiêu, nếu nguồn đó bỏ ra để mua bất động sản trong tương lai thì phải nói là có rất nhiều tiềm năng.

- Nhưng phải làm gì để nắm bắt được cơ hội này, thưa ông?

Để đẩy mạnh thị trường bất động sản trong thời gian tới thì chính sách pháp luật cần phải được sửa tiếp tục. Bởi như thế hiện nay thì chưa hiệu quả.

Ví dụ như, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, đáng ra những nhà quản lý thị trường bất động sản Việt Nam cần phải tích cực hơn nữa, phải coi đây là thời cơ của chúng ta. Chứ không thể đứng nhìn, thấy có lợi thì nhận, mà ta phải tiến lên coi đây là một thời cơ.

Có thể nói đây là thời cơ để chúng ta đẩy bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại lên. Vì nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc phải chuyển hướng và chuyển đi đâu thì Việt Nam phải tiến lên để hứng, chứ không thể chờ họ đến gõ cửa.

Chúng ta phải biến cái chưa thành thời cơ để thành thời cơ, chứ không thể ngồi đợi và hé cửa nếu ai vào được thì tốt. Tôi cho rằng Việt Nam phải tranh thủ coi như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc là cơ hội.

"Nhiều người có nói rằng sợ condotel phát triển nóng kiểu "bong bóng"(?). Nhưng tôi cho rằng chuyện này chỉ bàn cho vui."
"Nhiều người có nói rằng sợ condotel phát triển nóng kiểu "bong bóng"(?). Nhưng tôi cho rằng chuyện này chỉ bàn cho vui."

"Bong bóng" condotel: Chuyện này chỉ bàn cho vui!

- Đó là bất động sản công nghiệp, vậy với bất động sản du lịch thì sao, thưa ông?

Chúng ta cần phải tiếp tục cởi bỏ rào cản để hội nhập, thu hút các nước đến với chúng ta, và chúng ta đi đến các nước. Qua đây có thể thấy rằng chủ trương tăng trưởng du lịch của Việt Nam còn nhiều việc phải làm nữa.

Khi mà cầu du lịch tăng thì bất động sản du lịch tăng theo. Nhiều người có nói rằng sợ condotel phát triển nóng kiểu "bong bóng"(?). Nhưng tôi cho rằng chuyện này chỉ bàn cho vui. Bởi chưa cần nghĩ đến chuyện cung có vượt quá cầu hay không. Thực tế hiện nay, cung vẫn còn thua cầu rất xa.

Bất động sản du lịch, theo tôi, là phân khúc rất có triển vọng. Bởi nó gắn liền với chủ trương đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn. Song song với việc ấy thì chúng ta cũng đã làm nhiều chính sách để tăng trưởng du lịch.

- Ông đánh giá thế nào về tín dụng bất động sản của chúng ta hiện nay?

Theo tôi, vay tín dụng ở Việt Nam vẫn cao quá so với các nước. Tín dụng đương nhiên vẫn cần phải có nhưng mặt quản lý thì phải xem xét.

Quản lý của ta còn yếu, cơ chế thế chấp để vốn hóa bất động sản cũng có vấn đề. Giao dịch bất động sản trong tương lai dù có cơ chế bảo lãnh nhưng vẫn còn nhiều vấn đề.

Hai vấn đề này cần được điều chỉnh sao cho có tính thực tiễn cao hơn để tránh rủi ro cho người dân.

- Chân thành cảm ơn ông!