Ngày 8/8, Ủy ban nhân dân quận Tân Phú (TP.HCM) đã tổ chức buổi khảo sát nắm tình hình chất lượng giáo dục và hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học 2019-2020.
Ông Nguyễn Bá Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Diệu – cho biết: “Đến nay, trường chỉ mới hoàn thành xây dựng giai đoạn 1, nhưng cơ sở vật chất vẫn đáp ứng tốt cho công tác giảng dạy. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi từng bước đạt được những thành quả đáng khích lệ, lần đầu tham gia kỳ thi học sinh giỏi Olympic đạt 15 huy chương."
Năm học sắp tới, Trường THCS Hoàng Diệu sẽ chuyển đổi mục tiêu dạy học "tiếp cận kiến thức" sang "tiếp cận hình thành năng lực", bằng việc đổi mới kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, chú trọng kết hợp nhiều hình thức đánh giá: qua bài kiểm tra trên lớp, qua công việc ngoài giờ, ngoài nhà trường. Đổi mới cách kiểm tra đánh giá học sinh đúng thực chất, công bằng, đẩy mạnh việc tự đánh giá, tự điều chỉnh....
Ông Nguyễn Bá Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Diệu (quận Tân Phú, TP.HCM)
|
Đoàn khảo sát chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất tại Trường THCS Hoàng Diệu
|
Ông Tạ Tân - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tân Phú – cho biết, trong những năm gần đây, công tác tuyển dụng giáo viên có những chuyển biến tích cực rõ rệt về số lượng cũng như chất lượng.
“Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tham gia vào ngành GD&ĐT đang thiếu cân đối. Một số lượng lớn sinh viên tập trung tại một số vị trí việc làm nhất định, nhưng nhu cầu không cao và ngược lại, dẫn đến tình trạng bên thừa, bên thiếu” - ông Tạ Tân nhấn mạnh.
“Hiện nay, quận Tân Phú tuyển dụng 292 giáo viên và có đến 461 phiếu đăng ký dự tuyển. Tỷ lệ “chọi” khá lớn, nhưng đừng nhìn vào số lượng hồ sơ dự thi. Nhiều môn thừa rất nhiều, có môn thiếu trầm trọng!
Đáng chú ý, trong đợt tuyển dụng cho năm học mới, nhu cầu giáo viên tiếng Anh rất lớn với 47 giáo viên tiếng Anh, nhưng chỉ có 13 hồ sơ ứng tuyển. Mặc dù cơ chế tuyển dụng đã bỏ bớt nhiều tiêu chí (không có sổ hộ khẩu tại TP vẫn có thể dự tuyển) nhưng vẫn không tuyển đủ” - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tân Phú cho biết.
Trước thực trạng này, các địa phương cần nắm rõ việc thừa, thiếu cục bộ tại cơ sở giáo dục, đồng thời các trường đào tạo ngành sư phạm phải cân đối số lượng tuyển sinh, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Ngoài ra, ngành giáo dục cần đưa ra nhiều chính sách nhằm thu hút và giữ chân giáo viên tiếng Anh.
Vào năm học 2019-2020, các cơ cở giáo dục cần tiến hành khảo sát, đánh giá và phân loại đội ngũ giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy ở các cấp Tiểu học, THCS, THPT theo chuẩn mới của Bộ GD&ĐT. Qua đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thích hợp, đáp ứng yêu cầu đủ yêu cầu dạy học ngoại ngữ theo lộ trình ở các bậc học.