HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã CK: VPB) vừa ra quyết định bổ nhiệm lại chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Đức Vinh nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 3 (2022 – 2027).
Sinh năm 1958, CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh có trình độ Thạc sỹ quản trị kinh doanh. Ông từng có 12 năm làm việc tại ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã CK: TCB) (từ năm 1999 – 2011), giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc kiêm Ủy viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT.
Từ năm 2012, ông Vinh chính thức chuyển công tác sang VPBank đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT.
Bên cạnh đó, ông còn là thành viên HĐTV Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) từ năm 2014.
Tính đến ngày 15/7/2022, ông Vinh trực tiếp sở hữu 69,9 triệu cổ phiếu VPB của VPBank (tương đương 1,57% cổ phiếu) trị giá 2.182 tỉ đồng.
VPBank dưới sự điều hành của ông Vinh luôn tăng trưởng ổn định qua từng thời kỳ. Năm 2012, thu nhập lãi thuần của VPBank đạt 2.967,1 tỉ đồng, Đến nửa đầu năm 2022, con số này đã tăng lên gấp 6,8 lần, ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 20.353,3 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 11%.
Lợi nhuận của VPBank cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng tốt khi kết thúc nửa đầu năm 2022, VPBank báo lãi trước thuế 15.322,9 tỉ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ. Với mức lợi nhuận trước thuế ghi nhận trên, VPBank đang giữ vị trí á quân trong hệ thống (chỉ sau Vietcombank) là ngân hàng có mức lợi nhuận trước thuế cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2022.
Ngày 19/8/2022, VPBank đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377,3 tỉ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Được biết, hiện tại vốn điều lệ của VPBank đang là 45.056 tỉ đồng, chỉ xếp sau 3 ông lớn NHTM có vốn nhà nước là BIDV, Vietinbank, Vietcombank. Sau khi tăng vốn thành công, vốn điều lệ của VPBank dự kiến là 67.433 tỉ đồng, vươn lên trở thành ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống./.