Nhật lắp radar, xây dựng lá chắn tên lửa đối phó Trung Quốc

Tokyo đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại biển Hoa Đông như lắp radar giám sát, củng cố lá chắn tên lửa nhằm đối phó với những diễn biến an ninh mới trong khu vực.
Giàn tàu khu trục của lực lượng Phòng vệ Biển Nhật (Ảnh: JMSDF)
Giàn tàu khu trục của lực lượng Phòng vệ Biển Nhật (Ảnh: JMSDF)

Các hoạt động hàng hải ngày càng tăng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, đặc biệt xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư buộc Nhật phải tìm cách đối phó. Tokyo đang thiết lập “bức tường” phòng thủ dọc theo sườn phía nam ở đây, một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất nhằm ngăn chặn hành động hiếu chiến nếu có của Hải quân Trung Quốc.

Theo National Interest, trong tháng 3, lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) đã triển khai một trạm radar trinh sát trên đảo Yonaguni, gần bờ biển phía đông của đảo Đài Loan và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trạm radar được triển khai với nhiệm vụ giám sát hoạt động của Hải quân Trung Quốc ở Hoa Đông và có thể cả khu vực phía bắc Biển Đông – nơi Bắc Kinh đang yêu sách chủ quyền phi lý chiếm tới 80% diện tích Biển Đông.

Quá trình thu thập thông tin từ đảo Yonaguni có thể sử dụng cho các hoạt động quân sự. Lắp trạm radar là một phần trong kế hoạch của Nhật Bản để triển khai một số đơn vị an ninh và đổ bộ ở các đảo phía nam thuộc quần đảo Nansei.

Tàu khu trục Aegis JDS Kirishima, lớp Kongo phóng tên lửa SM-3 trong một thử nghiệm đánh chặn tên lửa thuộc chương trình Aegis BMD hợp tác với Mỹ. Ảnh:JMSDF
Tàu khu trục Aegis

JDS Kirishima, lớp Kongo phóng tên lửa SM-3 trong một thử nghiệm đánh chặn tên lửa thuộc chương trình Aegis BMD hợp tác với Mỹ. Ảnh:JMSDF

Điều đáng chú ý là hoạt động quân sự hóa quần đảo Nansei của Tokyo được tiến hành song song với việc tăng cường bảo vệ bờ biển. Ngày 16/4, Cảnh sát Biển Nhật Bản đã thành lập đơn vị đặc nhiệm gồm 12 tàu tuần tra cỡ lớn để tuần tra xung quanh Senkaku/Điếu Ngư.

Việc hình thành đơn vị mới là phản ứng của Tokyo đối với kế hoạch điều tàu tuần tra lớn nhất thế giới CCG-2901, tải trọng 12.000 tấn, của Trung Quốc đến các vùng biển tranh chấp.

Bên cạnh tăng cường thông tin tình báo về hoạt động của Hải quân Trung Quốc, Nhật Bản còn dự định hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa vào năm 2020. Với kế hoạch này, Tokyo sẽ nâng cấp 2 trong số 6 tàu khu trục Aegis với tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3 và đóng mới thêm 2 tàu khác.

Ngoài ra, Tokyo đang quan tâm mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ. Việc bổ sung thêm hệ thống THAAD cùng với tên lửa SM-3 trên các chiến hạm Aegis và hệ thống phòng không Patriot PAC-3 trên đất liền sẽ giúp Nhật Bản thiết lập ô phòng thủ 3 tầng chống lại bất kỳ kẻ thù tiềm năng.

Kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc. Bắc Kinh lo ngại rằng, hệ thống THAAD sẽ hạn chế khả năng răn đe chiến lược, vì radar của hệ thống có thể phủ sóng vào sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc.

Nhà báo Emanuele Scimia, chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại, nhận xét trạm radar ở đảo Yonayuni và hệ thống THAAD ở Hàn Quốc hình thành nên rào cản chiến lược để ngăn Trung Quốc vượt ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất, và quần đảo Nansei có thể sử dụng như là một bàn đạp cho các cuộc tấn công vào đất liền nếu xảy ra chiến tranh với Trung Quốc.

Theo National Interest