Truyền thông Ấn Độ ngày 18/3 dẫn phát biểu của Bộ trưởng Ash Carter trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ nói ‘Rõ ràng quan hệ Mỹ-Trung sẽ phức tạp trong lúc chúng ta tiếp tục cân đối sự cạnh tranh và hợp tác’.
Ông chủ Lầu Năm Góc cho rằng dù có cơ hội để đôi bên cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau và giảm rủi ro nhưng vẫn còn nhiều khía cạnh đáng quan tâm, bao gồm nhịp độ và phạm vi các công trình bồi đắp đất của Trung Quốc ở Biển Đông, khả năng Bắc Kinh gia tăng quân sự hóa khu vực, cũng như nguy cơ các yếu tố này làm tăng rủi ro xung đột giữa các nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại đây.
Kêu gọi Trung Quốc giữ đúng cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng không quân sự hóa Trường Sa, Bộ trưởng Carter tuyên bố Mỹ đang theo dõi sát các chương trình hiện đại hóa quân sự toàn diện và dài hạn mà Bắc Kinh đang ráo riết theo đuổi.
Trong một động thái khác, Nhật Bản sẽ mở rộng hoạt động giám sát xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.Theo đó, một đài quan sát radar mới sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối tháng 3 này.
Tờ Defensenews dẫn thông báo của tham tán quân sự của Đại sứ quán Nhật Bản ở Washington, ông Masashi Yamamoto hôm qua 17/3 cho biết: “Trước các động thái của Triều Tiên và các vụ xâm nhập lãnh hải của Trung Quốc xung quanh các đảo này, chúng tôi nghĩ là cần phải tăng cường khả năng giám sát để có thể đưa ra những phản ứng tốt hơn”.
Trạm radar mới được đặt trên đảo Yonaguni, cách Đài Loan khoảng 90 dặm về phía đông và Senkaku ở phía nam. Dàn radar sẽ giúp mở rộng mạng lưới giám sát của Nhật Bản thêm 200 dặm đi từ cực nam đảo Kyushu đến đảo Okinawa, đi ngang qua đảo Miyako.
Trạm quan sát mới sẽ do 150 binh sĩ thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản được trang bị vũ khí nhẹ bảo vệ. Theo giải thích của ông Yamamoto, Trung Quốc đôi khi cho tàu đi vào vùng 12 hải lý xung quanh quần đảo Senkaku, và thường xuyên đi vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Vị tham tán quân sự Nhật Bản lại không nêu rõ là tàu chiến Trung Quốc hay các lực lượng tuần duyên nước này đi vào vùng lãnh hải tranh chấp.
Tuy nhiên, ông nói rằng “các ngư dân của Trung Quốc đã đổ vào đây”, ám chỉ đến lực lượng dân quân của Trung Quốc thường giả dạng ngư dân hay thương lái đi biển.
Theo Economic Times, Defense News