Tài liệu dài 67 trang, được gọi là Chỉ thị khung về phòng thủ tổng thể và được phát hành trong tuần qua, vạch ra sự thay đổi hoàn toàn cuộc sống thường nhật của người dân Đức trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Đó là một dấu hiệu nữa cho thấy Đức, quốc gia có lập trường kiên quyết chống quân phiệt kể từ Thế chiến II, đã buộc phải điều chỉnh chính sách an ninh và quân sự của mình do lo ngại rằng xung đột ở Ukraine sẽ lan rộng.
Trong điều kiện thời chiến, chế độ tòng quân bắt buộc sẽ được phục hồi và những lao động có tay nghề trên 18 tuổi có thể phải làm một số công việc nhất định, như làm trong các tiệm bánh và bưu điện – và không được bỏ việc. Các bác sĩ, nhà tâm lý học, y tá và bác sĩ thú y cũng có thể được tái bổ nhiệm vào các vai trò quân sự và dân sự.
Theo tài liệu, phân phối khẩu phần ăn cũng được áp dụng. Trong trường hợp nguồn cung cấp thực phẩm cạn kiệt, chính phủ sẽ dự trữ thực phẩm để cung cấp cho người dân “một bữa ăn nóng mỗi ngày” trong một khoảng thời gian không được tiết lộ. Dự trữ liên bang sẽ bao gồm các loại thực phẩm như gạo, đậu và sữa đặc.
Các nguồn tài nguyên quan trọng khác như xăng dầu cũng có thể được phân bổ bằng phiếu giảm giá nếu chúng trở nên khan hiếm.
Kế hoạch cũng phác thảo các biện pháp bảo vệ dân sự bao gồm chuyển đổi các ga tàu điện ngầm thành hầm trú ẩn tạm thời và chuẩn bị bệnh viện để đáp ứng được lượng bệnh nhân lớn.
Công bố kế hoạch này, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết đất nước của bà cần phải trang bị vũ khí tốt hơn để đối phó với nguy cơ xảy ra chiến tranh.
“Hành động của Nga đã thay đổi hoàn toàn tình hình an ninh ở châu Âu – trước hết là với các đối tác EU và NATO ở phía Đông của chúng ta, như các nước vùng Baltic. Ngoài ra còn có các mối đe dọa lai như tấn công mạng, gián điệp và thông tin sai lệch”, bà nói.
“Ngoài các biện pháp bảo vệ của cơ quan an ninh cũng như răn đe và phòng thủ quân sự, chúng ta cũng phải tăng cường hơn nữa hoạt động bảo vệ dân sự”, bà nói thêm.
Tài liệu mới cảnh báo rằng các bệnh viện ở Đức sẽ phải chuẩn bị để điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân trong thời gian dài.
Nó nói thêm rằng, nếu chiến tranh bùng nổ, người dân Đức không thể dựa vào “sự giúp đỡ do chính phủ tổ chức” được cung cấp ngay lập tức, do có khả năng “thiệt hại xảy ra đồng thời tại một số lượng lớn địa điểm”.
Vì vậy, tài liệu này nói rằng người dân phải sẵn sàng tự giúp bản thân mình trước, cũng như giúp đỡ những người xung quanh nếu có thể.
Tài liệu nêu rõ các tầng hầm, bãi đỗ xe ngầm và ga tàu điện ngầm nên được sử dụng làm hầm trú ẩn tạm thời, thêm rằng các cuộc tấn công có thể xảy ra với “thời gian cảnh báo cực kỳ ngắn”.
Luật pháp yêu cầu các kênh phát thanh và cơ quan truyền thông kỹ thuật số của Đức phải chia sẻ thông tin quan trọng của chính phủ ngay tức thì. Với tư cách là đài truyền hình nhà nước của Đức, kênh Deutsche Welle sẽ có nghĩa vụ pháp lý phải cung cấp cho chính phủ thông tin về thời gian phát sóng để thông báo các luật, quy định và cập nhật tình hình mới.
Các nhà chức trách sẽ có quyền sơ tán dân thường đến một số khu vực nhất định – mặc dù các gia đình không nên bị chia cắt, tài liệu nêu rõ.
Mặc dù các dịch vụ thời tiết của Đức dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động ngay cả trong trường hợp khẩn cấp, nhưng các nhà chức trách có thể cấm hoặc hạn chế công bố các dự báo.
“Sẵn sàng cho chiến tranh vào năm 2029”
Các kế hoạch thời chiến cập nhật của Đức được đưa ra sau khi khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo về mối đe dọa an ninh đang diễn ra đối với châu Âu. Cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang năm thứ hai, chưa có hồi kết rõ ràng và nhiều bên lo ngại rằng cuộc xung đột có thể lan rộng hơn.
Hôm thứ Tư tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius được tờ Der Spiegel dẫn lời nói: “Chúng ta phải sẵn sàng cho chiến tranh vào năm 2029”.
“Chúng ta không được tin rằng ông Putin sẽ dừng lại ở biên giới Ukraine khi ông ấy đã đi xa đến vậy”, ông Pistorius nói thêm.
Tương tự, những tiếng nói từ bên trong chính phủ Anh cũng bày tỏ sự cần thiết phải chuẩn bị cho chiến tranh. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hồi tháng 2 tuyên bố rằng “chiến tranh sẽ đến” với Anh vào cuối thập kỷ này, khi ông kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng.
Trong những tuần gần đây, Nga đã đưa ra một số cảnh báo rõ ràng nhất tới phương Tây, sau khi một số đồng minh của Ukraine cho phép Kiev sử dụng vũ khí của họ để tấn công các mục tiêu hạn chế bên trong lãnh thổ Nga.
Ngày 5/6, ông Putin mô tả việc cung cấp vũ khí của phương Tây là một “bước đi rất nghiêm trọng và nguy hiểm”, mà ông cho rằng có thể dẫn đến việc Moscow trang bị vũ khí cho kẻ thù của phương Tây.
Nhà lãnh đạo Nga đặc biệt chỉ ra sự rạn nứt trong quan hệ giữa Nga và Đức, cho rằng sự xuất hiện của xe tăng Đức ở Ukraine đã dẫn đến một “cú sốc”, bởi “thái độ của người Nga đối với Đức luôn rất tốt".
“Bây giờ, khi họ nói rằng sẽ có thêm một số tên lửa tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, điều này tất nhiên cuối cùng sẽ phá hủy mối quan hệ Nga-Đức”, ông nói thêm.
Bên trong nhà tù Ukraine: Chương trình chiêu binh trở thành "cơn sốt" với các tù nhân
Tổng thống Macron tuyên bố xây dựng "liên minh" đưa quân vào Ukraine
Ông Medvedev: Nga sẵn sàng trang bị vũ khí cho "kẻ thù của Mỹ"
Theo CNN