Các nhà khoa học Anh và Mỹ đã đưa ra kết luận trên trong một nghiên cứu công bố ngày 19/01/2017. Trong quá trình thí nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học thuộc Đại học Manchester (Anh) và Viện Y tế quốc gia (Mỹ) phát hiện cơ chế nhai thức ăn sẽ kích thích một loại tế bào miễn dịch có tên là tế bào "Th 17".
Nhóm nghiên cứu ghi nhận số lượng tế bào "Th 17" đặc biệt gia tăng ở chuột thí nghiệm được cho ăn thực phẩm cứng, buộc khớp hàm vận động nhiều hơn.
Khoang miệng là một trong 3 lớp "áo giáp" cùng với lớp da và ruột bảo vệ cơ thể người trước sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, virus gây bệnh. Do đó, hệ thống miễn dịch tại đây có vai trò quan trọng giúp cơ thể người tiêu diệt các mầm bệnh và duy trì sự hiện diện của các loại vi khuẩn có lợi.
Với khả năng kích thích các tế bào "Th 17" xuất hiện, hoạt động nhai được xác định có thể tạo ra phản ứng miễn dịch trong nướu, giúp ngăn ngừa loại bệnh qua đường miệng.
Do đó, với nghiên cứu này, các nhà khoa học mong muốn có thể tìm ra cách kiểm soát hệ thống miễn dịch ở lớp "áo giáp" khoang miệng, từ đó tìm ra các phương pháp mới điều trị tình trạng đa viêm - nguyên nhân gây nhiều loại bệnh ở cơ thể con người.