Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “tội phạm chiến tranh” trong lúc bình luận về vụ việc. Điện Kremlin sau đó phản bác, cho rằng bình luận trên là “không thể tha thứ”, cùng lúc khẳng định rằng chiến dịch quân sự của họ ở Ukraine đang đi theo đúng kế hoạch.
Moscow hiện vẫn chưa chiếm được bất cứ thành phố lớn nào của Ukraine mặc dù đã tổ chức chiến dịch tấn công lớn nhất kể từ sau Thế chiến II nhằm vào nước láng giềng ở châu Âu. Hơn 3 triệu người dân Ukraine đã phải bỏ trốn khỏi nhà cửa và hàng nghìn người khác thiệt mạng trong cuộc chiến giờ đã đến tuần thứ 4.
Bộ Ngoại giao Ukraine nói rằng các lực lượng Nga đã thả một trái bom cực mạnh vào một nhà hát ở thành phố Mariupol, khiến nhiều thường dân bị mắc kẹt và chưa rõ thương vong.
Maxar Technologies, một công ty tư nhân của Mỹ, đã công bố hình ảnh từ vệ tinh mà họ nói là chụp vào ngày 14/3, cho thấy dòng chữ “Trẻ em” rất lớn, viết bằng tiếng Nga, sơn ở khoảng đất bên ngoài tòa nhà có mái đỏ, dường như để cảnh báo rằng bên trong có trẻ em. Nhà hát này có ít nhất 500 thường dân trú ẩn, theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW). Hội đồng thành phố Mariupol thì cho hay có hơn 1.000 người bên trong.
“Ngày hôm nay, những kẻ xâm lược đã phá hủy Nhà hát kịch, nơi có hơn 1.000 người đang lánh nạn. Chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho điều này” – Hội đồng thành phố Mariupol nói trên một bài đăng Telegram.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã cáo buộc Nga thực hiện đòn tấn công.
“Lại thêm một tội ác chiến tranh khủng khiếp ở Mariupol. Đòn tấn công của Nga nhằm vào Nhà hát kịch, nơi có hàng trăm thường dân vô tội đang ẩn náu. Tòa nhà này giờ hoàn toàn bị phá hủy. Người Nga không thể nào không biết rằng đây là nơi trú ẩn của thường dân được” – ông Kuleba viết trên Twitter.
Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết có lợi cho Ukraine
Chính quyền Moscow đã bác bỏ cáo buộc cho rằng họ tấn công nhằm vào thường dân. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định lực lượng của họ không đánh bom thành phố Mariupol trong hôm 16/3 và tuyên bố rằng nhà hát trên đã bị phá hủy trong một vụ nổ mà tiểu đoàn Azov mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Ukraine gây ra.
Moscow từng cáo buộc tiểu đoàn này gây ra vụ đánh bom một bệnh viện sản nhi ở Mariupol hồi tuần trước, sự việc làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của cộng đồng quốc tế.
Theo chính quyền các cấp Ukraine, hơn 2.000 người ở Mariupol đã thiệt mạng. Ngoài ra, Đại sứ quán Mỹ ở Kiev nói rằng lực lượng Nga đã bắn chết 10 người đang đứng xếp hàng chờ lấy bánh mì ở Chernihiv, Đông Bắc Kiev.
Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng không có binh sĩ nào của họ ở Chernihiv cả, và thêm rằng hành động diệt chủng này hoặc được thực hiện bởi lực lượng của Ukraine, hoặc toàn bộ sự việc đều được tình báo Ukraine dựng nên.
Hiện tại, các phái đoàn đàm phán hòa bình đến từ Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được bước tiến nào.
Điện Kremlin nói rằng các nhà đàm phán đang thảo luận về việc Ukraine nên có hiện trạng giống như của Áo hay Thụy Điển – cả hai nước đều là thành viên của EU, nhưng nằm ngoài NATO.
“Hiện trang trung lập đang được thảo luận một cách nghiêm túc, và đương nhiên là cùng với các đảm bảo về an ninh” – Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay – “Có một số công thức cụ thể mà theo quan điểm của tôi là đã gần đạt được sự nhất trí.”
Ông Vladimir Medinsky, trưởng đoàn đàm phán của Nga, nói trên kênh truyền hình nhà nước: “Ukraine đang đề xuất một phiên bản nhà nước phi quân sự hóa trung lập như Áo hay Thụy Điển, nhưng cùng lúc lại là một nhà nước sở hữu quân đội và hải quân riêng”.
Khu vực nhà hát ở Mariupol bị phá hủy sau vụ tấn công (Ảnh: AP) |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng nói Ukraine có thể chấp nhận những đảm bảo an ninh quốc tế để đổi lấy việc họ không nhắm tới gia nhập NATO nữa. Đây chính là một trong những quan ngại chính của Nga.
“Những sự ưu tiên của tôi trong các vòng đàm phán rất rõ ràng: chấm dứt chiến tranh, những đảm bảo về mặt an ninh, chủ quyền, vãn hồi sự toàn vẹn lãnh thổ, những đảm bảo thực sự cho đất nước chúng tôi, sự bảo vệ thực sự cho đất nước chúng tôi” – ông Zelensky nói trong một đoạn video công bố sáng ngày 17/3.
Mỹ đã tuyên bố gửi thêm viện trợ an ninh trị giá 800 triệu USD cho Ukraine để chống lại Nga, và gói viện trợ mới này bao gồm drone, các hệ thống chống tăng và chống không.
“Sẽ có thêm các trang thiết bị như vậy…chúng tôi đã sẵn sàng chuyển giao” – Tổng thống Biden nói, và sau đó lên án ông Putin – “Ông ta là tội phạm chiến tranh.”
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay ông Biden đã “phát biểu bằng trái tim” về những hình ảnh phát trên truyền hình về “những hành động dã man”, nhưng không nêu cụ thể là vụ việc nào đã khiến ông đưa ra phát ngôn chỉ trích nặng nề như vậy.
Điện Kremlin sau đó nói bình luận của ông Biden là “không thể chấp nhận và không thể tha thứ đối với một lãnh đạo một quốc gia đã từng đánh bom giết hại hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới”.
Theo Reuters, AFP, DPA