Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết có lợi cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hợp Quốc hôm thứ Tư (16/3), đã ra phán quyết: Nga cần dừng chiến dịch quân sự chống lại Ukraine. Các thẩm phán Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu chống.
Tòa án Công Lý Quốc tế ngày 16/3 đã ra phán quyết về vụ kiện của Ukraine, yêu cầu Nga rút quân (Ảnh: Đông Phương).
Tòa án Công Lý Quốc tế ngày 16/3 đã ra phán quyết về vụ kiện của Ukraine, yêu cầu Nga rút quân (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hợp Quốc (ICJ) với 13 phiếu thuận và 2 phiếu chống đã đưa ra phán quyết về vụ kiện khẩn cấp của Ukraine, cho rằng Nga cần dừng ngay các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2 và Nga cần phải đảm bảo rằng các lực lượng vũ trang do chính phủ Nga kiểm soát hoặc hỗ trợ không được tiếp tục các hành động quân sự.

Phán quyết bất lợi cho Nga được thông qua với đa số áp đảo

Theo phán quyết được Tòa án Công lý Quốc tế công bố, 2 người bỏ phiếu chống là phó Chánh án người Nga Kirill Gevorgian và thẩm phán người Trung Quốc Tiết Hãn Cần (Xue Hanqin). Theo lập luận mà Gevorgian đưa ra, ông cho rằng lập trường của mình dựa trên những cơ sở pháp lý thực chất, cụ thể là ông không cho rằng Tòa án Công lý Quốc tế có thẩm quyền trong vụ việc này.

Tiết Hãn Cần thì bày tỏ ủng hộ việc chấm dứt ngay lập tức các hành động quân sự ở Ukraine, nhưng lập trường, mô tả của Ukraine đối với các hoạt động quân sự của Nga là sai. Ngoài ra trong tình hình hiện nay nếu chỉ yêu cầu riêng một phía Nga thì không thể giải quyết , mà là các bên đều nỗ lực, nên tác động của phán quyết cần được quan sát lại.

Thẩm phán Joan Donoghue, chủ trì phiên tòa tuyên đọc bản phán quyết (Ảnh: UN).

Thẩm phán Joan Donoghue, chủ trì phiên tòa tuyên đọc bản phán quyết (Ảnh: UN).

Trong vụ án này, Ukraine cáo buộc Nga, nói Nga cho rằng Ukraine thực hiện hành vi diệt chủng trên lãnh thổ do phe ly khai thân Nga kiểm soát là không đúng sự thật, mà đó chỉ là một nỗ lực của Nga nhằm dựa một cách bất hợp pháp vào một công ước quốc tế để làm lý do đưa quân vào Ukraine. Do đó, Ukraine đã yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết về các biện pháp tạm thời khẩn cấp.

Tòa án Công lý Quốc tế bao gồm 15 thẩm phán và nhiệm kỳ của các thẩm phán là 9 năm. Theo Tòa án Công lý Quốc tế, các thẩm phán được bầu không đại diện cho chính phủ có quốc tịch ban đầu của họ, mà hoạt động như những thẩm phán độc lập. Phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế có giá trị ràng buộc. Theo thủ tục, nếu một trong các bên không tuân thủ phán quyết, bên kia có thể khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Nga trước đó đã thông báo với ICJ họ không tham gia vào quá trình điều trần, nói rằng tòa án quốc tế không có thẩm quyền trong vụ việc và yêu cầu không áp dụng các biện pháp tạm thời.

Cung Hòa Bình ở The Hague (Hà Lan) nơi diễn ra phiên tòa (Ảnh: DW).

Cung Hòa Bình ở The Hague (Hà Lan) nơi diễn ra phiên tòa (Ảnh: DW).

Ukraine tuyên bố “giành được thắng lợi”

Trang tin Deutsche Welle đưa tin, Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hợp Quốc (ICJ) tại La Hay hôm thứ Tư đã ra phán quyết về vụ kiện khẩn cấp của Ukraine, yêu cầu Nga ngay lập tức dừng các hoạt động quân sự ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Zelensky nói rằng đất nước ông đã "giành được thắng lợi" và yêu cầu Moscow phải tuân thủ phán quyết. Một số chuyên gia trước đó đã chỉ ra rằng mặc dù các phán quyết liên quan có giá trị ràng buộc, nhưng Tòa án Công lý Quốc tế không có biện pháp hành chính để thực thi phán quyết.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine vào ngày 24/2, một cơ quan trọng tài quốc tế đã ra phán quyết về vụ việc này.

Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Joan Donoghue, nói khi đọc bản phán quyết: "Liên bang Nga cần ngừng ngay lập tức chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2/2022". Bà nhấn mạnh, Tòa án quốc tế cảm thấy “vô cùng bất an” trước việc Nga sử dụng vũ lực ở Ukraine và nhận thức được thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng hiện đang diễn ra ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo trên Twitter rằng Ukraine đã “giành được thắng lợi" trong vụ kiện Nga. Ông nói: "Nga cần phải thực hiện phán quyết liên quan ngay lập tức. Nếu phớt lờ phán quyết liên quan, Nga sẽ rơi vào tình trạng cô lập nghiêm trọng hơn".

Một khu dân cư của Ukraine bị trúng tên lửa (Ảnh: Getty).

Một khu dân cư của Ukraine bị trúng tên lửa (Ảnh: Getty).

Nội dung vụ kiện

Chính phủ Ukraine cáo buộc Nga biện minh cho hành vi chiến tranh của họ bằng cách tuyên truyền xảy ra cái gọi là các thủ đoạn "diệt chủng" ở các khu vực Donetsk và Luhansk, miền đông Ukraine.

Đại diện của Ukraine, ông Anton Korynewytsch, trước đó nói rằng Nga đang phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, và "cần phải ra lệnh buộc Nga dừng ngay lập tức các hoạt động quân sự liên quan."

Nga đã tẩy chay vụ kiện khi nó được mở ra vào ngày 7/3. Phía Moscow đã viết trong một bức thư bằng văn bản rằng Tòa án Công lý Quốc tế "không có thẩm quyền" trong vụ việc này vì yêu cầu của Ukraine vượt ra ngoài phạm vi của Công ước năm 1948 của Liên Hợp Quốc về “Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng”.

Nga khẳng định họ đưa quân vào Ukraine "để tự vệ". Ukraine thì cho rằng, Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng, được ký kết bởi cả Nga và Ukraine, không cho Nga quyền ngăn chặn cái gọi là tội ác diệt chủng thông qua việc xâm lược. Hơn nữa, cũng không có bằng chứng cho thấy Ukraine đang tiến hành hoặc lên kế hoạch cho các cuộc tấn công có thể bị coi là tội ác chống lại loài người.

Người dân thành phố Lviv đợi tàu hỏa để sang Ba Lan lánh nạn (Ảnh: Getty).

Người dân thành phố Lviv đợi tàu hỏa để sang Ba Lan lánh nạn (Ảnh: Getty).

Vụ việc có thuộc thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế không?

Marieke de Hoon, Phó giáo sư luật hình sự quốc tế tại Đại học Amsterdam, nói với AFP rằng Tòa án Công lý Quốc tế chỉ cần đưa ra phán quyết về việc liệu giải thích Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng có đang bị tranh chấp hay không. "Còn liệu Nga có tuân theo phán quyết hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác."

Tòa án Công lý Quốc tế được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ Hai để xét xử các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc căn cứ theo các hiệp ước và công ước quốc tế. Mặc dù các phán quyết của nó có giá trị ràng buộc, nhưng tòa án không có biện pháp hành chính nào để thực thi các phán quyết ở các quốc gia có liên quan. Nếu một quốc gia không tuân theo lệnh của tòa án, các thẩm phán của ICJ có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hành động. Tuy nhiên, Nga là một trong 5 thành viên thường trực và có quyền phủ quyết.

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) là hai tổ chức khác nhau. Tòa án Hình sự Quốc tế cũng được đặt tại The Hague (La Hay), Hà Lan, và đang xét xử một vụ kiện khác của Ukraine cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh.

Dân chúng ở thị trấn Irpin gần Kiev hôm 12/3 ẩn nấp dưới một cây cầu đã bị phá hủy để tránh đạn (Ảnh: AP).

Dân chúng ở thị trấn Irpin gần Kiev hôm 12/3 ẩn nấp dưới một cây cầu đã bị phá hủy để tránh đạn (Ảnh: AP).

Thảm họa nhân đạo

Theo Cơ quan Cao ủy Người tị nạn của Liên Hợp Quốc (UNHCR), đã có hơn 3 triệu người tị nạn phải rời khỏi Ukraine.

Văn phòng Nhân quyền LHQ cho biết kể từ khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine, có ít nhất 691 người đã thiệt mạng và 1.143 người bị thương. Cơ quan này cũng chỉ ra rằng con số thương vong thực tế có khả năng "cao hơn đáng kể".