Còn nhiều điểm nghẽn để phát triển du lịch
- Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, tăng trưởng du lịch của Việt Nam còn khá khiêm tốn, nhất là tăng trưởng khách quốc tế còn nhỏ bé so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, nước ta có nhiều thế mạnh về du lịch như điểm đến, di sản, thiên nhiên… Ông có thể chia sẻ ý kiến về vấn đề này?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Những năm gần đây, ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp du lịch nói riêng, đã triển khai nhiều các giải pháp, chương trình xúc tiến quảng bá, nhằm thu hút du khách, cũng như đã có nhiều đổi mới trong phương thức, nội dung quảng bá và thực hiện ở nhiều thị trường khác nhau.
Nếu so sánh với các quốc gia khác thì chúng ta có sẵn tài nguyên phong phú, nhưng cũng có những nguồn lực khác chúng ta không bằng họ. Với kết quả tăng trưởng như thời gian qua cũng đáng khích lệ khi giai đoạn 2015-2018 đã tăng gần gấp đôi. Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận là kết quả chưa thật sự như mong đợi, vì có nhiều "điểm nghẽn".
- Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam chưa phát triển như mong đợi?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Có thể điểm qua một số nguyên nhân chính. Thứ nhất là kinh phí xúc tiến quảng bá. Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì kinh phí xúc tiến quảng bá của chúng ta hết sức nhỏ bé. Hàng năm chúng ta chỉ bỏ ra chỉ gần 2 triệu USD cho công tác xúc tiến quảng bá, trong khi Thái Lan, Singapore, Malaysia hàng năm bỏ ra từ 80-100 triệu USD cho công tác này, nên lượng khách quốc tế đến với họ rất cao.
Năm 2018, Thái Lan đạt 36 triệu khách quốc tế, Singapore cũng đạt hơn 18 triệu khách quốc tế. Đó là những minh chứng về nguồn lực kinh phí cho quảng bá, xúc tiến du lịch là rất quan trọng.
Thứ hai là các quốc gia phát triển về du lịch đều thành lập các Văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại các nước, tại thị trường trọng điểm bên ngoài. Điều này là rất quan trọng.
Ví dụ như Thái Lan, tính đến năm 2018 đã có 28 Văn phòng đại diện du lịch quốc gia tại nước ngoài. Trong đó tại 1 số địa bàn du lịch trọng điểm như Trung Quốc, họ có đến 5 Văn phòng, ở Nhật Bản họ có 4 Văn phòng. Những Văn phòng đại diện đó là những cầu nối, khai thác rất sâu và xúc tiến quảng bá trực tiếp đến thị trường du lịch của họ.
Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn không có những Văn phòng như vậy.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (trái) trả lời phỏng vấn của VietTimes
|
- Nếu đó là "điểm nghẽn" khiến du lịch Việt Nam chưa phát triển xứng tầm, tại sao ngành Du lịch không có giải pháp khắc phục, thay vì để tồn tại nhiều năm như vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Ngành du lịch đã có nhiều đề xuất, kể cả các văn bản, nhưng hiện vẫn đang vướng nhiều văn bản luật. Đơn cử như Luật Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài hiện chưa xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan này. Nhất là tính pháp lý, nhiệm vụ đối với các Văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia. Vì thế, đây là một trong những "điểm nghẽn", gây khó khăn cho công tác xúc tiến du lịch nước ngoài.
Bên cạnh đó là năng lực triển khai còn hạn chế khiến chúng ta chưa khai thác hết các tiềm năng du lịch, cũng như chưa khắc phục các vấn đề tồn tại để đưa du lịch Việt Nam phát triển mạnh hơn.
Điểm yếu là nguồn nhân lực
- Có quan điểm cho rằng việc không thu hút được du khách đến Việt Nam là do chất lượng hướng dẫn viên quốc tế của chúng ta không thật sự tốt, cũng như chất lượng các dịch vụ, cơ sở lưu trú còn yếu, khiến du khách quốc tế không mặn mà với Việt Nam. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Tôi không cho rằng chất lượng cơ sở lưu trú Việt Nam là thấp và là nguyên nhân gây ra vấn đề này. Nếu so sánh trong khu vực thì hiện trạng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú… của Việt Nam khá tương đồng, thậm chí, có những sản phẩm dịch vụ chúng ta còn hơn một số nước trong khu vực.
Tuy nhiên, điểm yếu của chúng ta là nguồn nhân lực.
- Mới đây, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện có nói đến chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam và nhắc đến tour giá rẻ, tour 0 đồng. Như vậy, việc kiểm soát chất lượng và nhiệm vụ tăng trưởng lượng khách quốc tế đến Việt Nam có bị xung đột không, thưa ông?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Việc kiểm soát tour 0 đồng là chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và giao cho Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khác để kiểm soát.
Xin nói thêm, vấn đề tour 0 đồng không chỉ là ở Việt Nam mà ở cả các quốc gia phát triển du lịch, nên thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã ban hành nhiều văn bản tham mưu cho Bộ VHTT&DL và các ngành, UBND các địa phương, đề nghị kiểm tra, chấn chỉnh những hoạt động biến tướng.
Cũng phải ghi nhận những mặt tích cực của tour 0 đồng khi giúp du khách có thể đi du lịch với mức giá rẻ. Song những biến tướng qua việc kinh doanh du lịch, làm xấu hình ảnh của du lịch quốc gia, của địa phương, tại các điểm du lịch là điều cần được loại trừ.
Việc này không ảnh hưởng đến nhiệm vụ thu hút khách quốc tế, vì cái gì xấu thì cương quyết xử lý. Nhưng song song với các giải pháp, chúng ta cần thực hiện xúc tiến quảng bá về chất lượng sản phẩm du lịch.
- Thời gian qua, VietTimes đã có nhiều bài viết phản ánh mặt trái của tour giá rẻ, tour 0 đồng và hệ lụy của nó. Ông có thể cho biết ngành du lịch đã có giải pháp gì để khắc phục?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Trước hết, chúng tôi làm việc với các địa phương, thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động của các công ty lữ hành, hoạt động của các hướng dẫn viên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ này, để chấn chỉnh.
Bên cạnh đó, phối hợp tốt giữa thanh tra chuyên ngành của Bộ VHTT&DL với thanh tra địa phương trong việc phát hiện và xử lý các sai phạm. Ngoài xử phạt, khung xử lý có cả rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, thu hồi thẻ đối với hướng dẫn viên nếu vi phạm.
- Đã có những ý kiến đề nghị Bộ đẩy nhanh việc đưa ứng dụng bản đồ thông minh về định danh địa danh du lịch, định danh điểm đến, công khai xếp hạng các cơ sở lưu trú… giúp công tác giám sát theo dõi, xúc tiến, quảng bá được tốt hơn. Vậy kế hoạch thực hiện nội dung này của Bộ VHTT&DL ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch. Tổng cục Du lịch cũng đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ VHTT&DL xây dựng Đề án số hóa các cơ sở kinh doanh du lịch cũng như bản đồ định danh điểm đến.
Tuy nhiên đây là đề án lớn, bởi ngoài việc tập hợp dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu của các cơ sở lưu trú, điểm đến, thì còn liên quan đến nhiều lĩnh vực ngành nghề, nên cần có thời gian để thực hiện.
- Xin cảm ơn ông!