Cuộc thi do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM tổ chức (với sự tài trợ giải thưởng của một dự án thuộc Giải LiBeratupreis-Frankfurt 2018) chính thức phát động từ ngày 22/12/2018.
Giải thưởng Liberaturpreis là Giải thưởng do Litprom - Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức) - thực hiện hàng năm, nhằm vinh danh các tác giả nổi tiếng đến từ các nước châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latin và các nước Ả Rập.
Đây là giải thưởng văn học Đức duy nhất được trao tặng độc quyền cho các nhà văn nữ đến từ miền Nam toàn cầu.
Hồi năm 2018, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – đại diện cho Việt Nam - là người được vinh dự nhận giải thưởng văn học danh giá này. Vào thời điểm này của năm 2018, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã có mặt tại Đức để tham dự lễ trao giải trong thời gian diễn ra Hội chợ sách quốc tế Frankfurt, Đức. Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2019 hiện đang diễn ra tại Đức, là hội chợ sách lớn nhất thế giới, thu hút đông đảo các đơn vị xuất bản của tất cả các quốc gia tham dư, trong đó có ngành xuất bản của Việt Nam.
Nhận giải thưởng Liberaturpreis 2018, ngoài tiền thưởng cá nhân, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư còn được nhận thêm một khoản kinh phí để thực hiện dự án viết dành cho nữ giới tại Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và GS Huỳnh Như Phương là hai thành viên BGK cuộc thi
|
Từ ý tưởng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cùng với quyết tâm của Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP. HCM đã cho ra đời cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới” và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã dành nguồn kinh phí được tài trợ cho toàn bộ giải thưởng của cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới”.
Bà Đinh Thị Phương Thảo – Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi - cho biết: “Trong thời gian diễn ra cuộc thi, từ ngày 22/12/2018 đến ngày 22/08/2019, Ban Tổ chức đã nhận được 1.419 bài dự thi của các thí sinh trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài tham dự. Đã có 452 truyện ngắn được tuyển chọn qua vòng sơ khảo và được đăng trên fanpage cuộc thi. Hàng tháng, Ban Tổ chức mời một nhà văn tham gia chấm thi và quyết định giải thưởng của tháng. Tham gia chấm thi có PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà báo – nhà văn Lê Minh Quốc, nhà văn Trầm Hương, nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà văn Từ Kế Tường, nhà văn Phan Hoàng, nhà văn Mường Mán”.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (trái) và bà Đinh Phương Thảo (phải) - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM trao Giải Nhất cho tác giả Tống Phước Bảo
|
Từ 1.419 bài dự thi, Ban Giám khảo gồm GS.TS Huỳnh Như Phương, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà báo Đinh Thị Phương Thảo đã chọn ra 19 truyện ngắn xuất sắc nhất của 19 tác giả vào vòng chung kết.
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi diễn ra sáng nay, 20/10, tại đường sách TP.HCM, đúng vào ngày Phụ nữ Việt Nam.
Giải nhất (trị giá 20 triệu đồng) được trao cho tác giả Tống Phước Bảo – tác phẩm “Tràng Phan”.
Giải nhì (trị giá 15 triệu đồng) trao cho Võ Đăng Khoa – tác giả “Con bén”.
Giải Ba (10.000.000đ/ giải) trao cho hai tác giả: Cát Lâm (Phạm Thị Lập) – tác phẩm “Giấc mơ rơi ở chân cầu” và Phan Đức Lộc – “Đường về sai chản”.
Giải do bạn đọc bình chọn (5.000.000đ) trao cho tác giả Bùi Mai Linh (tác phẩm “Một đời”) với 1.472 lượt like bình chọn.
Năm Giải Tư (5.000.000/ giải) được trao cho các tác giả: Lê Ngọc Hạnh (“Chở mẹ đi câu cá”), Hoàng Nghĩa (“Người đàn bà lái máy cày”), Triệu Vẽ (“Vạc sành kêu sương”), Phát Dương (Dương Thành Phát) – “Đắng hơn nước mắt”, Tịnh Bảo (Trần Thị Lệ Khuyên) – “Dưới bóng cây gạo nở hoa”.
Nhà văn Phan Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM trao giải cho các cây viết đoạt Giải Ba - Cát Lâm (Phạm Thị Lập) và Phan Đức Lộc
|
BTC và các tác giả đoạt giải chụp hình lưu niệm cuối chương trình
|
Hòa Bình