Nguyễn Ái Quốc: Người chủ chốt sáng lập Đảng Cộng sản Malaysia

VietTimes -- Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ sáng lập và rèn luyện Đảng CSVN mà Người còn là nhân vật chủ chốt trong việc thành lập Đảng CS Malaysia và một số ĐCS khác. 
Nguyễn Ái Quốc: Người chủ chốt sáng lập Đảng Cộng sản Malaysia

Đó là đề tài mà PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh đã chia sẻ với VietTimes.

Bác thực hiện sáng tạo chỉ thị của QTCS

Thưa ông, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị thành lập Đảng như thế nào?

- Bác của chúng ta đã chủ động đứng ra triệu tập các tổ chức cộng sản trong nước tại Hương Cảng để tiến hành hội nghị hợp nhất. Hội nghị đã họp từ 6-1 đến 8-2-1930 thì các đại biểu lên đường về nước.

Hội nghị lúc ấy có 5 người: Nguyễn Ái Quốc, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng (ĐDCSĐ) và 2 đại diện của An Nam Cộng sản Đảng (ANCSĐ) là Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm. Ngoài ra còn có 2 người nữa giúp việc, nhưng 2 người đó không phải là đại biểu. Từ trong nước, vừa sang đến Hương Cảng, ông Nguyễn Thiệu đã hỏi Nguyễn Ái Quốc: “Giấy của Quốc tế Cộng sản (QTCS) ủy nhiệm cho đồng chí thành lập Đảng đâu?”. Nguyễn Ái Quốc nói: “Tôi không có giấy ủy nhiệm trực tiếp. Tôi được QTCS giao nhiệm vụ phát triển phong trào cộng sản và phong trào cách mạng ở ĐNA. Việt Nam của chúng ta nằm trong khu vực này. Tôi lại là người Việt Nam, tôi rất quan tâm đến phong trào cách mạng Việt Nam”.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh.

Cái khó khăn là các nhóm cộng sản tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Ai cũng nói mình là chính đảng mác xít duy nhất. Đông Dương Cộng sản Đảng (ĐDCSĐ) ở miền Bắc cũng bảo mình là đảng chân chính duy nhất. ANCSĐ cũng tuyên bố như vậy. Khi ấy, Bác đang ở Thái Lan. Từ Thái Lan, Bác sang Hương Cảng và thông báo triệu tập hội nghị. Khi nghe Bác nói như vậy thì mọi người đều đồng ý.

Ông có thể cho biết Hội nghị đã quyết định những vấn đề hệ trọng gì?

- Hội nghi hợp nhất đã ra một thông báo kiểu như Nghị quyết về việc sẽ thành lập Trung ương cấp ủy lâm thời; đồng thời thống nhất và thông qua 4 văn kiện của Nguyễn Ái Quốc soạn thảo: “Chính cương vắn tắt của Đảng”, “Sách lược vắn tắt của Đảng”, “Điều lệ tóm tắt của Đảng” và “Chương trình vắn tắt của Đảng”.

Có thể nói, việc triệu tập hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) và đưa ra cương lĩnh hoạt động của Đảng là sự sáng tạo tuyệt vời của Bác. Một là Bác chủ trương đấu tranh đánh đuổi đế quốc để giải phóng dân tộc, đánh đổ địa chủ phong kiến để đem lại ruộng đất cho dân cày. Quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là có giải phóng dân tộc được mới giải phóng được giai cấp. Nhưng quan điểm của QTCS là trước hết phải giải phóng giai cấp, rồi đoàn kết các giai cấp đó lại để giải phóng dân tộc ở thuộc địa đó.

Hai là trong khi QTCS xác định lực lượng cách mạng chỉ có 2 lực lượng chủ yếu là công nhân và nông dân thôi, thì Bác của chúng ta xác định lực lượng cách mạng chủ yếu là công, nông nhưng phải ra sức lôi kéo, đoàn kết với trí thức, các tầng lớp tiểu tư sản và trung nông, tiểu địa chủ, những ai có tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, để làm cách mạng.

Thứ ba là Bác lấy tên Đảng là Đảng CSVN. Quan điểm của QTCS phải là Đảng Cộng sản Đông Dương, vì trước là làm cách mạng Việt Nam (CMVN), sau phải làm cách mạng thế giới. Bác của chúng ta xác định tổ chức đảng này là một bộ phận của phong trào cộng sản thế giới. Tức là CMVN là một bộ phận của CMTG. Trước hết là phải làm cách mạng cho Việt Nam cái đã. Vì vậy, Bác mới lấy tên là Đảng CSVN.

Như ông vừa nói, tại hội nghị thành lập Đảng chỉ có hai tổ chức tham gia. Vậy Đông Dương Cộng sản liên đoàn (ĐDCSLĐ) bao giờ mới gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, thưa ông?

- Khi tiến hành hội nghị thì chỉ mới có 2 tổ chức tham gia. Mãi đến 24-2-1930, ĐDCSLĐ mới viết đơn xin gia nhập. Lý do là vì trước đó, ngày 1-1-1930, khi đang di chuyển địa điểm để tiếp tục tiến hành hội nghị thành lập tại Hà Tĩnh thì bị mật thám Pháp truy bắt, các thành viên chủ chốt của ĐDCSLĐ bị bắt, nên không thể tham gia hội nghị được.

Vai trò của Nguyễn Ái Quốc với Đảng Cộng sản Malaysia

Được biết, trong một chuyến đi dự hội thảo lại Singapore năm 2014 ông đã phát hiện ra một số tư liệu liên quan đến việc Bác là một trong những người chủ chốt tham gia thành lập Đảng Cộng sản Malaysia. Cụ thể việc ấy như thế nào, thưa ông?

- Đầu tháng 4/2014 tôi có tham dự một cuộc hội thảo về Chiến tranh Lạnh tại Singapore. Ngày cuối, Ban tổ chức bố trí cho những người tham gia hội thảo đi đến Cục Lưu trữ An ninh Quốc gia Singapore để thăm Khu trưng bày lịch sử các đảng cộng sản. Tới gian trưng bày về Đảng Cộng sản Đông Dương, tôi thực sự cảm động khi thấy ngay bên trái cửa ra vào gian trưng bày là ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cao chừng 3 mét, rộng khoảng gần 2 mét.

Lại gần ngắm kỹ, điều làm tôi hết sức ngạc nhiên đó là những dòng ghi chú bên dưới bức chân dung. Họ không cho quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi chép nên tôi đành phải đọc và ghi nhớ các chú thích bằng tiếng Anh, nội dung thế này: “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1890-1969): (1) Lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam, (2) Một trong những nhân vật chủ chốt (The key figure) trong việc thành lập Đảng Cộng sản Malaysia, (3) Nguyễn Ái Quốc  được Quốc tế Cộng sản phân công xây dựng, phát triển phong trào cách mạng và phong trào cộng sản ở khu vực Đông Nam Á”.

Mặc dù lâu nay chúng ta vẫn biết Nguyễn Ái Quốc công tác ở Bộ Phương Đông, phụ trách Cục phương Nam, là phái viên Quốc tế Cộng sản phụ trách khu vực Đông Nam Á, nhưng khi được biết Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật chủ chốt tham gia thành lập Đảng Cộng sản Malaysia, tôi vẫn thực sự bất ngờ.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Hongkong). 

Ông có thể lý giải cụ thể về thông tin này không?

- Đây là những thông tin hoàn toàn có cơ sở xác đáng. Chúng ta biết, sau khi tổ chức Hội nghị thành lập Đảng CSVN, Nguyễn Ái Quốc rời Hồng Kông trở về khu vực Đông Nam Á để tổ chức phong trào cách mạng theo phân công của Quốc tế Cộng sản. Sau khi đến Bang Kok, Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc đi các địa phương miền núi gặp gỡ Việt kiều thông báo về tình hình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời Nguyễn Ái Quốc vận động nhân dân tham gia phong trào cách mạng tại các nước sở tại để đóng góp cho phong trào cộng sản quốc tế.

Sau đó, từ Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc đến Malaysia và Singapore dự Hội nghị Đảng Cộng sản Nam Dương để chuyển thành Đảng Cộng sản Malaysia. Sau đó cả hai Đảng Cộng sản Malaysia và Xiêm đều thuộc quyền chỉ đạo của Văn phòng Viễn Đông ở Thượng Hải, nhưng thông qua Cục Phương Nam đóng ở Hồng Kong do chính Nguyễn Ái Quốc phụ trách.

Tổng bí thư đầu tiên của ĐCS Malaysia là người Việt Nam

Vậy, ngoài những tư liệu qúy giá về Hồ Chí Minh, trong khu trưng bày còn có gì có giá trị nữa không, thưa ông?

- Trong gian trưng bày còn treo một bức ảnh nữa mà khi xem tôi cũng không khỏi ngạc nhiên. Dưới bức ảnh ghi: “Lai Teak: (1) Người Việt Nam, quê Nghệ An, (2) Tổng Bí thư Đảng cộng sản Malaysia (1939 - 1948), (3) Lai Teak được những người cộng sản Malaysia coi là “Lenin của Malaysia”, (4) Lai Teak bị chết trong một tai nạn vào tháng 5/1948”. Tôi có trao đổi với một giáo sư lịch sử của Trường ĐH Tổng hợp Kuala Lumpur, về cái chết của Lai Teak, ông giải thích rằng Lai Teak là một lãnh tụ cộng sản tài ba. Ông bị thực dân Anh bắt giam. Sau khi ông ra tù, một số phần tử cực đoan đã ám sát ông vì cho rằng “thời gian ở tù ông đã khai báo làm nhiều cơ sở đảng bị vỡ và nhiều đảng viên bị bắt giam”.

Tổng bí thư Lai Teak là ai?

Theo lời kể của nhà lão thành cách mạng Dương Quang Đông (Bí thư xứ ủy Nam Kỳ giai đoạn 1943-1945) được nhà báo Lê Thọ Truật ghi lại thì Lai Teak có tên Việt Nam là Phạm Văn Đắc, học sinh trường Huỳnh Khương Ninh (Bà Rịa. Địa chỉ này không trùng khớp với địa chỉ được chú thích tại Khu trưng bày Cục Lưu trữ ANQG Singapore). Chính ông Đông đã giới thiệu Phạm Văn Đắc vào Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1930, sinh hoạt tại Chi bộ Tân Định, Sài Gòn. Đến năm 1931, giặc Pháp khủng bố trắng, ông và ông Đắc cùng tạm lánh sang Thái Lan. Đầu năm 1932, ông Dương Quang Đông quay về Sài Gòn nhưng tìm mãi không gặp được ông Đắc.

Ông Dương Quang Đông còn kể rằng sau này, khi sang Malaysia nhờ các đồng chí Đảng cộng sản Malaysia giúp đỡ vũ khí cho đồng bào Nam Bộ kháng chiến, thì bất ngờ ông gặp lại ông Đắc. “Lúc này Lai Taek Phạm Văn Đắc đã là Tổng bí thư Đảng cộng sản Malaysia. Cuộc gặp nhau trên đất khách quê người lần này, tôi mừng lắm, nhưng Phạm Văn Đắc lại tỏ ra rất bình thản và đặc biệt trong câu chuyện không bao giờ anh nói tiếng Việt.

Tuy vậy, Lai Taek tiếp tôi rất thân tình, bố trí nơi ăn ở đàng hoàng. Khi tôi đề nghị giúp Nam Bộ đánh Pháp thì được anh ủng hộ rất nhiệt tình và còn bàn phương án tổ chức chu đáo, khoa học. Lai Taek đã cho tôi 5 chiếc tàu thủy lớn, hàng vạn khẩu súng, đạn dược, thuốc men để chở về Việt Nam. Lai Taek còn đề nghị đưa quân của Đảng Cộng Sản Malaysia sang giúp Việt Minh đánh Pháp.

Sau hơn 3 tháng ở Malaysia, một bữa, tôi ngồi hút thuốc một mình trong trụ sở thì Lai Taek ghé vào vỗ vai ra hiệu cho tôi đi ra ngoài vườn dạo chơi. Khi chỉ còn hai người, anh ôm tôi khóc và nói: “Hoàng (tên tôi lúc còn đi học) ơi, mày tha lỗi cho tao nghe. Nhận ra mày ngay từ đầu nhưng phải bí mật để lo đại sự. Mày cần gì cho Nam Bộ kháng chiến, tao sẽ hết lòng và tìm mọi cách đáp ứng, kể cả sức người, tính mạng. Nhưng từ rày khi gặp nhau mày đừng nhìn tao như thế và cũng đừng tìm cách kiểm tra tung tích. Dạo đó tao không về Sài Gòn với mày được là có lý do của tổ chức. Mày chỉ cần biết tao mãi mãi là người Cộng sản chân chính. Nhiệm vụ của tao đang làm là do Quốc tế Cộng Sản giao cho” - ông Đông nhớ lại.

Ông Dương Quang Đông chia tay ông Lai Teak - Phạm Văn Đắc. Từ đó hai người không còn liên lạc được với nhau nữa cho đến khi ông Dương Quang Đông nghe tin Lai Teak - Phạm Văn Đắc bị sát hại vào tháng 5/1948.