Người vừa được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tặng quà sinh nhật là ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không phải ai cũng nhận được món quà từ một trong số những người quyền lực nhất trên thế giới, vinh dự đó vừa thuộc về nhà khoa học Dương Chấn Ninh.
Ông Dương Chấn Ninh, sắp sang tuổi 99, là một trong số những nhà khoa học quan trọng nhất của Trung Quốc trong thế kỷ 20 (Ảnh: Getty)
Ông Dương Chấn Ninh, sắp sang tuổi 99, là một trong số những nhà khoa học quan trọng nhất của Trung Quốc trong thế kỷ 20 (Ảnh: Getty)

Theo Tân Hoa Xã, một phái đoàn đến từ Bộ Giáo dục Trung Quốc đã chuyển một lẵng hoa tới cho ông Dương Chấn Ninh tại ĐH Thanh Hoa, nơi ông đang giữ vị trí Giám đốc danh dự của Viện Nghiên cứu Cấp cao.

Vậy Dương Chấn Ninh là ai? Và điều gì đã giúp ông có được vinh dự to lớn đến vậy?

Đồng chủ nhân giải Nobel Vật lý 1957

Ông Dương Chấn Ninh cùng đồng nghiệp của mình, ông Lý Chính Đạo (Li Zhengdao) là những người Trung Quốc đầu tiên giành giải thưởng Nobel vào năm 1957 vì đóng góp của họ trong lĩnh vực vật lý hạt.

Đặc biệt, họ là một trong số những người đứng trên mặt trận phản bác lại định luật đối xứng. Trước ông Lý và ông Dương, các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng việc con người thuận tay trái hay tay phải là một chức năng của não bộ chúng ta, chứ không phải do bản chất. Họ cho rằng một hình ảnh phản chiếu của một vật thể sẽ hành động giống hệt như vật thể.

Ông Lý và ông Dương đã chứng minh rằng, bằng việc đảo ngược từ trường cobalt-60, một nguyên tử phóng xạ, vật thể ban đầu và vật thể gương có tốc độ phân rã phóng xạ khác nhau. Bởi vậy, đối với một số trường hợp nhất định, vật thể gương không giống như vật thể ban đầu.

Bước đột phá này mang ý nghĩa lớn bởi nó loại bỏ những hạn chế về mặt lý thuyết và dẫn tới nhiều khám phá quan trọng. Vào thời điểm công bố phát hiện trên, ông Dương 33 tuổi và ông Lý 29 tuổi.

Hai nhà khoa học đã gặp gỡ tại Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, vào năm 1944. Họ tới thành phố này là bởi nó đã trở thành một trung tâm trí thức và thu hút sinh viên từ khắp Trung Quốc tới tìm sự an toàn trong thời kỳ bị Nhật chiếm đóng.

Sau cuộc chiến, ông Lý và ông Dương chuyển tới Mỹ, nơi mà họ theo đuổi các cuộc nghiên cứu mà về sau đem lại cho họ giải Nobel Vật lý vào năm 1957 “vì cuộc điều tra về cái gọi là luật đối xứng, từ đó dẫn tới những phát hiện quan trọng liên quan tới hạt sơ cấp”.

Ông Lý hiện đã ở tuổi 94, từng giảng dạy tại ĐH Columbia cho tới khi nghỉ hưu vào năm 2012.

Ông Dương Chấn Ninh chụp ảnh cùng ông Richard Feynman, một nhân vật quan trọng trong Dự án Manhattan (Ảnh: Getty)

Ông Dương Chấn Ninh chụp ảnh cùng ông Richard Feynman, một nhân vật quan trọng trong Dự án Manhattan (Ảnh: Getty)

Thuyết Yang-Mills

Trong khi danh hiệu người giành giải Nobel Vật lý giúp cho cái tên Dương Chấn Ninh được ghi vào sử sách, thì nhà vật lý người Mỹ Robert Mills đã giúp ông lấn sang cả lĩnh vực toán học.

Xuất bản năm 1954, thuyết Yang-Mills là một trong số những vấn đề quan trọng nhất trong lý thuyết hạt, một phần là bởi nó chưa có lời giải. Năm 2000, tờ Washington Post cho rằng để giải được thuyết Yang-Mills có lẽ cần phải phát hiện ra những khái niệm mới trong toán học hoặc vật lý.

Nhân vật xuất chúng

Ông Dương Chấn Ninh dành phần lớn cuộc đời mình để tìm hiểu về các cơ chế thống kê, cố gắng làm rõ hành vi của các vật thể siêu vi để từ đó giải thích cách vận hành của vũ trụ vĩ mô.

Ông đã giành được nhiều giải thưởng hàng đầu trong lĩnh vực khoa học, như Huân chương Khoa học Quốc gia, được Tổng thống Mỹ đích thân trao tặng. Ông cũng từng được vinh danh là “10 người Mỹ trẻ tuổi xuất sắc” vào năm 1957, một giải thưởng vượt trên lĩnh vực khoa học.

Năm 1963, ĐH Princeton xuất bản cuốn sách của ông, có tựa đề “Hạt sơ cấp”. Năm 1965, ông bắt đầu làm việc tại ĐH Stony Brook, và sau này người ta lập hẳn một khu ký túc được đặt theo tên ông, C.N Yang Hall.

Ông trở lại thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 1971 sau khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington “tan băng”. Trong những thập kỷ sau đó, ông phối hợp làm việc ở cả hai nước và trở thành một nhân vật quan trọng trong việc hỗ trợ Trung Quốc xây dựng lại cơ sở hạ tầng nghiên cứu vật lý.