Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc ngày 17/6 báo cáo rằng virus corona chủng mới được phát hiện trên những chiếc thớt dùng để chặt cá hồi nhập khẩu tại chợ Xinfadi (Tân Phát Địa) ở Bắc Kinh, hiện đang là tâm điểm của ổ dịch khiến nhiều người lo ngại về một đợt dịch thứ hai ở Trung Quốc.Thông tin trên đã khiến nhiều siêu thị lớn ở thủ đô Bắc Kinh phải loại cá hồi ra khỏi các kệ hàng của họ.
"Hiện tại, chúng tôi không thể chuyển cá hồi tới Trung Quốc được, bởi thị trường đã đóng cửa" - Regin Jacobsen, giám đốc điều hành công ty cung cấp cá hồi Bakkafrost có trụ sở tại Oslo, Na Uy, nói với Reuters.
"Chúng tôi đã ngừng chuyển hàng tới Trung Quốc và đang chờ thông tin được làm rõ" - Stein Martinsen, người đứng đầu bộ phận bán hàng và tiếp thị của công ty Norway Royal Salmon, nói.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), truy vết gen của virus từ ổ dịch tại chợ Xinfadi ở Bắc Kinh cho thấy nó có thể bắt nguồn từ châu Âu.
Keith Neal, Giáo sư danh dự chuyên ngành bệnh truyền nhiễm tại ĐH Nottingham của Anh, nói rằng mọi mối liên hệ tới cá hồi có khả năng là do lây nhiễm chéo. "Những khu chợ luôn là nơi đông đúc, bởi vậy, giống như ở Vũ Hán trước kia, chúng khiến cho dịch lây lan"; ông nói.
Marion Koopmans, người đứng đầu phòng nghiên cứu virus của ĐH Y Erasmus ở Rotterrdam (Hà Lan), thì cho rằng với lượng thông tin ít như ở hiện tại, rất khó để biết được liệu mẫu gen phát hiện trong một số ca nhiễm tại chợ ở Bắc Kinh có thực sự liên quan tới châu Âu hay không.
"Có nhiều người nhắc tới sự liên quan với châu Âu, nhưng rất khó để nói chắc chắn trừ khi có thêm rất nhiều dữ liệu về sự đa dạng của virus ở Trung Quốc" - bà Koopmans nói.
Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm đầu tuần này, ông Mike Ryan, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói ông "hoàn toàn kỳ vọng" Trung Quốc sẽ công bố bộ gen của virus khi sẵn sàng. Ông Ryan cũng nói, tuyên bố cho rằng các ca nhiễm mới ở Bắc Kinh có thể bắt nguồn từ việc nhập khẩu hay đóng gói cá hồi chỉ là một "giả thuyết".
Cá hồi bị loại khỏi thực đơn
Nhiều siêu thị ở Trung Quốc đã loại các hồi khỏi các kệ hàng của họ (Ảnh: Global Times)
|
Mặc dù chưa có điều gì là chắc chắn về giả thuyết cá hồi làm bùng phát ổ dịch COVID-19, nhưng nó vẫn gây ra sự lo lắng đặc biệt đối với người tiêu dùng ở Trung Quốc và khiến cho một số nhà hàng phải loại món cá hồi khỏi thực đơn của họ.
Wei Wei, quản lý một nhà hàng Nhật Bản hạng sang ở Bắc Kinh, nói với SCMP rằng nhà hàng của bà đã phải loại món cá hồi khỏi thực đơn, và đang cảm thấy rõ tầm ảnh hưởng từ sự việc trên.
"Tất cả nguồn hàng dự trữ (cá hồi) của chúng tôi đã phải đem đi hủy, trong khi lợi nhuận giảm xuống gần bằng 0" - bà Wei Wei nói.
Vị quản lý này cho hay nhà hàng của bà từng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch COVID-19 bùng phát hồi cuối năm ngoái, và giờ bà cảm thấy rất bi quan khi hay tin về ổ dịch mới.
"Đây là đòn chí mạng với các nhà hàng Nhật" - bà nói - "Giờ người ta đang tránh ăn hải sản tươi sống, không chỉ cá hồi mà nhiều món khác nữa, và chúng tôi đang hứng chịu ảnh hưởng".
SCMP dẫn lời một tiểu thương tại chợ Sanyuanli ở Bắc Kinh - một khu chợ truyền thống khá nổi tiếng với du khách nước ngoài - cho hay cá hồi vẫn được bán ở khu chợ này bởi chợ không lấy hàng từ chợ Xinfadi, tuy nhiên doanh số bán cá hồi tụt thảm hại trong khi có rất ít khách hàng viếng thăm chợ trong thời điểm cuối tuần.
Người dân tẩy chay cá hồi, hải sản sống
Các nhà hàng bán cá hồi, hải sản tươi sống ở thủ đô Bắc Kinh trở nên vắng khách (Ảnh: Global Times)
|
Liu Mengyao, nhân viên làm việc trong một trường đại học ở Bắc Kinh, tỏ rõ sự lo lắng bởi cô đã ăn món salad cá hồi tại một nhà hàng Nhật Bản chỉ vài ngày trước khi thông tin về ổ dịch mới xuất hiện.
"Tôi sẽ không ăn cá hồi nữa, tôi không dám hứng rủi ro" - cô nói.
Chen Feifei, nhà sản xuất video sống cách chợ Xinfadi khoảng 7 km, cũng cho biết cô sẽ không liều mạng ăn cá hồi nữa. Khu vực nơi cô sinh sống hiện đã bị hạn chế di chuyển và người dân trong khu phải kiểm tra thân nhiệt bắt buộc tại cổng vào.
Ở Thượng Hải, sự lo lắng về cá hồi cũng hiển hiện rõ. Ông Taniguchi Yoshitada, chủ sở hữu nhà hàng Nhật Bản có tên Makino, nói rằng lượng khách hàng đã giảm mạnh trong những ngày gần đây.
"Trong những ngày gần đây tôi rất hiếm khi phục vụ món cá hồi" - ông Yoshitada nói - "Phần lớn thực khách đều tránh ăn cá sống".
Quản lý của một nhà hàng Nhật Bản nhỏ có cái tên Trung Quốc là Yiteng cũng cho hay ông không thể bán được bất kỳ đĩa sashimi (gồm các loại hải sản tươi sống) nào kể từ hồi cuối tuần trước.
"Tôi đang phải thay đổi thực đơn, giảm các món sashimi và thêm các loại thực phẩm được nấu chín" - ông Chen nói.
Ngược lại, nhiều người lại tỏ ra không sợ hãi món cá hồi. Cao Wen, một chuyên gia phân tích tài chính đến từ Thượng Hải, nói rằng cô vẫn sẵn sàng ăn cá hồi. "Tôi sẽ tôn trọng sở thích ăn uống của mình"; cô nói.
Ở Hong Kong, nhiều siêu thị vẫn bán cá hồi và khách hàng vẫn xếp hàng chờ vào các nhà hàng bán sashimi trong hôm 16/6.
Terence Lau Lok-ting, nhà tổ chức của Liên doanh An toàn thực phẩm Hong Kong, nói rằng Bắc Kinh đã ra chỉ thị ngừng nhập khẩu cá hồi. "Theo khía cạnh khoa học thì việc ngừng nhập khẩu cá hồi là hợp lý...và để có thời gian thực hiện các cuộc xét nghiệm cần thiết"; ông nói.
Ông Lau cũng khuyến cáo người dân ở Hong Kong không nên lo sợ bị nhiễm bệnh do ổ dịch từ chợ Xinfadi, bởi các sản phẩm cá hồi đông lạnh ở Hong Kong được nhập khẩu trực tiếp từ các nước khác chứ không qua đại lục.
Cơ quan Thực phẩm và Vệ sinh môi trường của Hong Kong trong hôm đầu tuần này đã lấy mẫu cá hồi nhập khẩu từ nước ngoài - bao gồm Na Uy, Chile, Ireland, Iceland và Đan Mạch - để xét nghiệm. Tất cả 16 mẫu đã được xác nhận âm tính với virus corona chủng mới.