Người lao động đang phải ăn “bánh vẽ”

Sau 3 cuộc thương lượng đổ bể, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã phải biểu quyết để "chốt" phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%. Nhưng ngay phương án tăng này cũng mới chỉ đáp ứng được 80% mức sống tối thiểu cho người lao động. Áp lực lương, do thế, vẫn đè nặng lên người lao động
Người lao động đang phải ăn “bánh vẽ”

Theo đó phương án cuối cùng được Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt để trình Chính phủ là tăng 12,4% (từ 250.000 đến 400.000 đồng theo từng vùng).

Như vậy, lộ trình nâng lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu cho người lao động vào năm 2017 sẽ khó thành hiện thực. Liệu với mức tăng từ 250.000 đến 400.000 đồng có đáp ứng được cuộc sống của người lao động trong bối cảnh hiện nay?

Trong chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” tuần này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) để tiếp tục câu chuyện đang rất nóng thời gian qua.

PV:Là đại diện cho người lao động có mặt trực tiếp ở 3 cuộc họp để thương lượng về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, ông có thể cho biết tại sao lại là con số 12,4% mà không phải là một con số khác như 10% hay 15%?

Ông Mai Đức Chính:Qua 3 cuộc họp các bên vẫn không thương lượng được, Chủ tịch Hội đồng tiền lương đưa ra một mức để các bên có sự đồng thuận. LĐLĐVN hạ xuống một chút và VCCI nâng lên một chút. Quan điểm của Tổng LĐLĐVN là tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 sáng hơn; kinh tế khả quan, GDP đến thời điểm này tăng 6,3%, dự báo cuối năm có thể đạt 6,4%, doanh nghiệp thành lập mới tăng, doanh nghiệp phục hồi tăng, thất nghiệp giảm… thì không thể tăng thấp hơn năm trước được.

PV:Như ông đã nói, trong các cuộc thương lượng, phía doanh nghiệp đề xuất ở mức rất thấp là 10%, sau đó cũng chỉ chấp nhập tăng lên thành 11% ở cuộc họp thứ 3. Quan điểm của ông, cũng như Tổng LĐLĐVN về vấn đề này như thế nào?Do đó quan điểm của Tổng LĐLĐVN chí ít cũng phải 14,3% bằng với năm 2015. Phía VCCI lúc đầu là 10% rồi đến 11%. Chủ tịch Hội đồng tiền lương cho rằng nếu không tăng được 14,3% thì về con số tuyệt đối cũng phải bằng với mức tăng năm 2015 là từ 250.000 đến 400.000 và chia ra trên nền lương 3,1 triệu đồng/tháng thì nó là 12,4%.

Ông Mai Đức Chính:Theo khảo sát điều tra của LĐLĐVN thì lương bình quân ở khu vực Hà Nội là 4,4 triệu đồng/tháng, khu vực TP HCM là 4,9 triệu đồng/tháng. Rất nhiều doanh nghiệp còn trả cho người lao động từ 5 đến 6 triệu đồng. Doanh nghiệp đã quyết toán vào thuế thì rõ ràng khả năng chịu đựng của doanh nghiệp là đảm bảo. Thậm chí vẫn vượt mức lương tối thiểu theo đề xuất của Tổng LĐLĐVN. Bản chất vấn đề ở đây là việc các doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trốn tiền đóng BHXH.

ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

số các doanh nghiệp hiện nay đang đóng BHXH cho người lao động chỉ bằng hoặc hơn một chút so với mức lương tối thiểu. Ví dụ một doanh nghiệp trả cho người lao động 5 triệu, quyết toán thuế 5 triệu, nhưng chỉ đóng BHXH có 3,2 triệu. Như vậy các doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trốn đóng 22% BHXH trên nền lương 1,8 triệu còn lại.

Giả sử tiền lương tối thiểu có tăng thì chủ yếu là tăng tiền đóng BHXH của các doanh nghiệp, chứ lương người lao động vẫn thế bởi mức trả của doanh nghiệp đã vượt trên mức lương tối thiểu. Và đây chính là đụng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, chính vì thế mà giới doanh nghiệp kiên quyết phản đối mức tăng 350.000 đến 550.000 đồng theo như đề xuất của LĐLĐVN.

PV:Là đại diện cho người lao động trong các cuộc thương lượng, ông có cảm thấy hài lòng với mức tăng này không, thưa ông?

Ông Mai Đức Chính:Ngay sau khi kết thúc cuộc họp ngày 3-9, tôi đã khẳng định không hài lòng với mức tăng này. Tuy nhiên, đây là mức cuối cùng Tổng LĐLĐVN có thể chấp nhận, có nghĩa là ít nhất cũng phải bằng mức tăng cho năm 2015 từ 250.000 đến 400.000 đồng. Dù sao nó cũng ít nhiều động viên được người lao động. Bớt đi 50.000 đối với doanh nghiệp chẳng là gì nhưng đối với người lao động đó là cả vấn đề.

PV:Có ý kiến cho rằng mỗi lần tăng lương là giá cả lại tăng theo. Do đó tăng lương chẳng đủ bù trượt giá nên việc tăng lương không có nhiều ý nghĩa. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Ông Mai Đức Chính:Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu của Chính phủ, chính vì thế kiềm chế lạm phát trong năm 2015 rất là tốt. Tuy vậy thực tế chỉ số lạm phát đối với người lao động là chưa sát so với chỉ số giá tiêu dùng mà Tổng cục Thống kê công bố. Ví dụ như: giá điện tăng 10%, người lao động đi thuê nhà lại phải chịu phần lũy tiến phía sau với giá rất cao. Giá điện, giá nước tăng, các mặt hàng ở khu công nghiệp đều tăng từ 7 đến 9%. Vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước sau đợt điều chỉnh tăng lương lần này cố gắng kìm được giá cả những mặt hàng mà người công nhân đang cần.

Một bài học kinh nghiệm mà TP HCM đang thực hiện rất tốt là các cơ quan đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, hội phụ nữ… kiến nghị với Thành ủy TP HCM để có chủ trương vận động các chủ nhà trọ không tăng giá đối với người lao động. Các đoàn thể đi vào từng khu dân cư vận động chủ nhà trọ để chủ nhà trọ cam kết dù có tăng lương vẫn không tăng giá nhà trọ. Vừa tăng lương mà chủ nhà trọ đã đòi tăng giá luôn thì việc tăng lương thực sự chẳng có ý nghĩa gì. Việc này phải có chủ trương của các địa phương…

PV:Ngay trong các cuộc họp, đã có ý kiến doanh nghiệp nói rằng nếu tăng lương doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm vào các khoản phụ cấp của người lao động để đảm bảo khả năng chi trả. Do đó, kiểm soát việc thực hiện tăng lương cho người lao động cũng là vấn đề đáng phải quan tâm?

Ông Mai Đức Chính:Người lao động hiện đã có những hiểu biết nhất định. Những ngày qua thông tin về việc họp bàn tăng lương được người lao động quan tâm rất sát vì họ rất mong đợi việc này. Không nhiều nhưng thêm vài trăm nghìn cũng giúp công nhân giải quyết được một phần khó khăn trong cuộc sống. Do đó các doanh nghiệp không tăng cũng không thể được. Có doanh nghiệp nói rằng chúng tôi tăng lương là sẽ phải cắt giảm một số phần phụ cấp khác.

Nhưng tôi khẳng định là không thể cắt những khoản phụ cấp đó bởi quy định của pháp luật là tăng lương tối thiểu vẫn phải giữ nguyên các khoản phụ cấp. Doanh nghiệp muốn nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng năng suất thì phải đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp chứ không phải là chăm chăm vào mấy đồng tiền còm của công nhân. Phải đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị để tăng năng suất, chứ đừng có đổ cho người lao động. Cứ nói doanh nghiệp đang phải gồng mình là không phải.

PV:Với mức tăng 250.000 đến 400.000 đồng cho năm 2016 và mới chỉ đạt 80% mức sống tối thiểu. Liệu chúng ta có thể thực hiện được lộ trình hết năm 2017 tăng lương tối thiểu cho người lao động đáp ứng được mức sống tối thiểu không thưa ông?

Ông Mai Đức Chính:Nếu tăng theo mức mà Tổng LĐLĐVN đề xuất 350.000 đến 550.000 đồng thì mới đủ lộ trình. Còn mới chỉ tăng từ 250.000 đến 400.000 đồng thì vẫn còn thiếu 150.000 đồng. Rồi sang năm cũng chỉ tăng cỡ này thì sẽ còn thiếu khoảng 300.000 đồng thì chắc chắn phải sang năm 2018, và lộ trình này sẽ không thực hiện được. Như thế là lại tiếp tục kéo dài lộ trình. Công nhân hiện nay đang bị cho ăn một cái “bánh vẽ”. Nói lộ trình đến năm 2015, rồi 2017 cũng không thực hiện được, bây giờ lại tiếp tục kéo dài. Tức là cứ có “cái bánh vẽ” hoài. Ai cũng kêu người lao động là vốn quý của doanh nghiệp, thế nhưng trả lương thì cứ cò kè.

Trong các cuộc họp, phía doanh nghiệp còn thêm bớt từng đồng. Chính tôi đã phải nói với doanh nghiệp rằng vài ba chục nghìn chẳng là gì mà đi thêm bớt từng đồng từng cắc thế công nhân người ta sẽ nghĩ thế nào. Công nhân hiện nay đang quá khổ. Bản thân tôi cũng đã rất nhiều lần xuống các khu công nghiệp, nhiều công nhân nói chuyện với tôi cứ rơm rớm nước mắt vì nhớ con phải gửi về quê, mà giữ con ở lại không đủ sống. Có người đã tâm sự rằng 5 năm không về quê, mặc dù rất mong mỏi có một cái Tết sum họp với gia đình. Thế nhưng phía doanh nghiệp thì cứ luôn cố gắng đưa ra 1 con số để bảo vệ tối đa quyền lợi của mình.

PV:Xin cảm ơn ông!

Theo CAND