Với dân số hơn 240 triệu người, thị trường Indonesia là một trận chiến quan trọng cho các công ty thương mại điện tử nhằm hướng tới tầng lớp trung lưu đang tăng lên ở đảo quốc này. Bukalapak là một trong số đó, nhưng lại định hướng khác biệt tới nhóm đối tượng khách hàng offline, những người thậm chí còn không sở hữu smartphone.
Bukalapak có trụ sở tại Jakarta, và mạng lưới hơn 300.000 hộ kinh doanh cá thể đang thu hút khách hàng tới nền tảng của mình. Công ty này được thành lập theo mô hình C2C giống như sàn thương mại điện tử Taobao của Alibaba, cho phép người dùng đăng ký và mở shop bán hàng trực tuyến, cũng như bán sản phẩm của nhiều nhãn hàng tới người tiêu dùng.
Tuy nhiên, với tỷ lệ người sử dụng Internet Indonesia chỉ ở mức 55%, Bukalapak cũng như nhiều công ty khác nhận thấy môi trường offline là một kênh quan trọng để đem nhiều khách hàng trực tuyến hơn. Kể cả khi khách hàng không biết thanh toán online hay chưa từng sử dụng thương mại điện tử trước đó.
Mạng lưới 300.000 hộ kinh doanh gia đình, được gọi là warung, là các quầy hàng tiện lợi nhỏ bán các đồ dùng hàng ngày, hay những nhà hàng bán đồ ăn địa phương. Khách hàng không có kinh nghiệm sử dụng Internet có thể nhờ chủ các warung này hỗ trợ đặt hàng trên Bukalapak và thanh toán tiền mặt cho warung cho các sản phẩm đã mua.
"Chúng tôi đang đưa chữ e ra khỏi e-commerce, tức là yếu tố điện tử trong đó để hướng tới môi trường thực tế", Muhamad Fajrin Rasyid, nhà sáng lập và chủ tịch của Bukalapak, cho biết, "trên thực tế, chỉ có khoảng 10% dân số Indonesia đã từng mua sắm trên mạng. Cách thức này giúp chúng tôi tiếp cận với 90% còn lại". Chủ các warung cũng không hề thiệt khi họ nhận được phần hoa hồng nhỏ cho mỗi giao dịch thực hiện thành công.
Indonesia với 40% dân số của cả khu vực Đông Nam Á thường được coi là thị trường chủ chốt cho các công ty công nghệ trước khi vươn ra toàn khu vực. Quốc gia này đứng thứ 4 thế giới về số lượng người sử dụng Facebook và đứng thứ 5 về số lượng người dùng Twitter - miếng mồi béo bở cho các ông trùm công nghệ.
Vị chủ tịch này ước tính thị phần của Bukalapak chiếm khoảng 15 đến 20% nội địa, bên cạnh các đối thủ như Tokopdia, Lazada, và Shopee. Sau vòng đầu tư tháng 11/2017, công ty này tuyên bố được định giá hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, thông tin các nhà đầu tư gần nhất không được tiết lộ, chỉ biết họ không phải nhà đầu tư nước ngoài. Vào tháng 8/2017, Tokopedia đã nhận được 1,1 tỷ USD trong vòng đầu tư với sự góp mặt của Alibaba, trong khi Lazada đã về tay Alibaba khi ông trùm Trung Quốc bỏ ra 4 tỷ USD trở thành cổ đông chiến lược.
"Bukalapak muốn tham gia cuộc chơi dài hạn. Chúng tôi nhận thấy đây mới chỉ là bước đầu ở thị trường trong nước, và hàng ngày vẫn có triệu người tham gia mua bán hàng hóa", theo Khailee Ng, đối tác quản lý tại quỹ 500 Startup's Southest Asia, nhà đầu tư ban đầu vào Bukalapak. Công ty này đang kiếm được ít hơn đối thủ nhưng lưu lượng hàng hóa và những con số lại không hề thua kém.
Nhằm khuyến khích người mua và bán dùng Bukalapak, công ty có dịch vụ lưu giữ, tức là khoản thanh toán của người mua sẽ được chuyển cho người bán sau khi hàng hóa được vận chuyển và giao nhận thành công. Cách thức này được học tập từ Alipay, nhằm cải thiện niềm tin giữa những người dùng.
Nhà sáng lập Bukalapak nhận định thanh toán chính là vấn đề lớn nhất cho ngành thương mại điện tử ở quốc gia này, trong khi vận chuyển, tuy khó khăn nhưng lại không phải là điểm quan ngại cho thị trường. Sự chênh lệch nằm ở số lượng khách hàng online và lượng người sử dụng Internet và các mạng xã hội nhưng lại không tham gia thương mại điện tử. Theo phân tích của chủ tịch Fajrin, mất thời gian một vài ngày để giao nhận hàng hóa tới mọi hòn đảo thuộc quốc đảo Indonesia. Ngoài ra, tỷ lệ thanh toán qua thẻ tín dụng còn thấp có nghĩa nhiều người chấp nhận thanh toán offline và nhiều giao dịch thương mại điện tử bị gián đoạn.