Ngoại trưởng Nga yêu cầu Tổng thư ký Jens Stoltenberg từ chức; NATO nâng cấp báo động lực lượng NRF

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 22/12, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã nói trong một chương trình trên kênh truyền hình Russia Today: Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nên từ chức vì không hoàn thành chức trách của mình.
Tổng thống Putin đe dọa đáp trả các hành vi "không thân thiện" của Mỹ và phương Tây (Ảnh: Deutsche Welle).
Tổng thống Putin đe dọa đáp trả các hành vi "không thân thiện" của Mỹ và phương Tây (Ảnh: Deutsche Welle).

Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho rằng một loạt văn kiện đã được các nhà lãnh đạo châu Âu ký kết thông qua tham vấn là cơ sở để đảm bảo an ninh của khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và cũng là nghĩa vụ chính trị cần được thực hiện. Tất cả các quốc gia đều được hưởng an ninh bình đẳng và không thể phân chia là nguyên tắc then chốt trong các văn kiện này. Theo nguyên tắc này, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ nhất trí rằng không một quốc gia nào trong khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và không một thành viên nào của Tổ chức An ninh châu Âu (OSCE) có thể củng cố an ninh của chính mình bằng cách làm tổn hại đến an ninh của các quốc gia khác.

Ngoại trưởng Lavrov nói rằng nếu ông Stoltenberg cho rằng các quốc gia thành viên NATO có quyền không tuân thủ nguyên tắc này, thì ông ta thực sự nên rời khỏi chức vụ này vì "đã không thể hoàn thành chức trách của Tổng thư ký NATO."

Ngoại trưởng Nga Lavrov nói, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nên từ chức (Ảnh: Dwnews).

Ngoại trưởng Nga Lavrov nói, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nên từ chức (Ảnh: Dwnews).

Đồng thời, Tổng thống Nga Putin ngày 21 tháng 12 khi tham dự một cuộc họp mở rộng của Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố, nếu phương Tây tiếp tục "lập trường gây hấn", Nga sẽ thực hiện "các biện pháp quân sự thích đáng để trả đũa" và đáp trả mạnh mẽ "các hành động không thân thiện."

Ông Putin nói rằng nếu các hệ thống tên lửa của Mỹ và NATO được triển khai ở Ukraine, các tên lửa này có thể tấn công Moscow chỉ trong vòng vài phút; ông mô tả mối đe dọa đang xảy ra ngay tại cửa nhà nước Nga, đây là thách thức an ninh nghiêm trọng nhất đối với Nga.

Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh không muốn tình hình phát triển theo hướng xung đột vũ trang và đổ máu, đồng thời hy vọng có thể giải quyết vấn đề thông qua các con đường chính trị và ngoại giao. Ông nhắc lại yêu cầu Mỹ và các đồng minh đưa ra một đảm bảo lâu dài và có tính ràng buộc pháp lý rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông, bao gồm cả việc không triển khai tên lửa và quân đội ở Ukraine.

Xe tăng của Quân đội Ukraine diễn tập ở biên giới với Nga (Ảnh: Reuters).

Xe tăng của Quân đội Ukraine diễn tập ở biên giới với Nga (Ảnh: Reuters).

Nhận định về tình hình quan hệ Nga – NATO hiện nay, trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 22/12 đăng bài viết nhan đề “Lo ngại về động thái của quân Nga, lực lượng phản ứng nhanh của NATO nâng cấp báo động chiến đấu”.

Bài báo viết: Xung đột ở Ukraine không có dấu hiệu lắng dịu. Một mặt, Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ra cứng rắn hơn; mặt khác, NATO đáp trả việc Nga tăng cường triển khai quân ở khu vực biên giới Nga - Ukraine. Tờ Die Welt (Thế giới) của Đức đưa tin, lực lượng phản ứng nhanh của NATO đã nâng cấp báo động sẵn sàng chiến đấu. Theo báo này, "Lực lượng đặc nhiệm liên hợp cảnh giác cao của NATO" hiện có thể tiến vào khu vực khủng hoảng trong vòng 5 ngày; từ trước đến nay, khoảng thời gian này vẫn là 7 ngày.

Lực lượng đặc nhiệm liên hợp cảnh giác cao của NATO (Ảnh: Deutsche Welle).

Lực lượng đặc nhiệm liên hợp cảnh giác cao của NATO (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo bài báo, đơn vị đặc nhiệm hoặc các đơn vị hậu cần trong lực lượng phản ứng nhanh cũng đã được đặt trong trạng thái cảnh giác cao độ để có thể triển khai nhanh chóng nếu xảy ra khủng hoảng. Động thái này nhằm đáp trả sự leo thang của xung đột ở Ukraine và tăng cường bảo vệ các đồng minh phía đông của NATO. Các quốc gia này ngày càng cảm thấy bị đe dọa trước những diễn biến mới nhất ở biên giới Nga – Ukraine.

Một người phát ngôn của NATO không bình luận về quyết định mới này, nhưng chỉ ra rằng NATO đã "ám chỉ rõ ràng" rằng bất kỳ hành động gây hấn nào nữa của Nga đều sẽ mang lại "chi phí đắt và hậu quả".

NATO có một lực lượng phản ứng nhanh (NATO Response Force, NRF), một đơn vị quân đội đa quốc gia có thể triển khai nhanh chóng, với quy mô 40.000 người. Đơn vị đặc nhiệm liên hợp cảnh giác cao là một phần của NRF, với khả năng phản ứng nhanh nhất. Lực lượng này hiện do Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách. Theo Die Welt, quy mô hiện tại của đơn vị này là 6.400 quân.

NATO đã nâng cấp báo động lực lượng NRF (Ảnh: Deutsche Welle).

NATO đã nâng cấp báo động lực lượng NRF (Ảnh: Deutsche Welle).

Đồng thời, Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa sẽ đưa ra phản ứng "mang tính kỹ thuật - quân sự" trước những hành vi "không thân thiện" của phương Tây. Ông tuyên bố tại Moscow rằng, nếu phương Tây không từ bỏ "lập trường xâm lược rõ ràng", thì "chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả quân sự và kỹ thuật thích đáng". Trong bài phát biểu trước các quan chức cấp cao của quân đội và Bộ Quốc phòng Nga tại Moscow, ông nhấn mạnh rằng Nga sẽ "đáp trả mạnh mẽ những hành vi không thân thiện."

Trong bài phát biểu của mình, ông Putin nói rằng Nga không muốn xảy ra "xung đột vũ trang" hoặc "sự cố đẫm máu", mà hy vọng sẽ có "các phương pháp chính trị và ngoại giao" để giải quyết vấn đề. Ông đồng thời cáo buộc Mỹ hỗ trợ Ukraine 2,5 tỷ USD, bao gồm cả đào tạo quân sự. Ông cảnh báo rằng mọi thứ đang xảy ra "trước cửa nhà của chúng ta."

Trong vài tuần qua, Tổng thống Putin thường xuyên cáo buộc Mỹ và NATO làm gia tăng căng thẳng ở khu vực biên giới với Nga. Thái độ của ông Putin khiến thế giới bên ngoài lo ngại về kế hoạch tấn công Ukraine của quân đội Nga. Hiện tại, Nga đã triển khai hàng chục nghìn quân ở biên giới với quốc gia láng giềng này.

Các nước G7 và Liên minh châu Âu nhấn mạnh, nếu Nga có hành động tấn công sẽ gánh chịu "hậu quả nghiêm trọng". Phương Tây lo ngại rằng ông Putin có thể sử dụng cái gọi là “hành động khiêu khích” làm cớ để tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine. Tuy nhiên, Moscow phủ nhận có ý định xâm lược Ukraine, đồng thời cáo buộc Kiev và NATO cố tình khiêu khích. Gần đây, ông Putin đã yêu cầu Mỹ và liên minh phương Tây cung cấp các đảm bảo an ninh bằng văn bản rằng NATO sẽ không tiếp tục mở rộng về phía đông và không thiết lập các căn cứ quân sự ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Điện Kremlin cho biết, ông Putin cũng đã cung cấp "thông tin chi tiết" về những yêu cầu này trong cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Đức mới Olaf Scholz, thúc giục mở "cuộc đàm phán nghiêm túc" về đảm bảo an ninh này. Người phát ngôn của chính phủ Nga nói rằng ông Scholz qua điện thoại đã bày tỏ "lo lắng về tình hình" và nhấn mạnh "sự cấp bách của việc làm dịu tình hình."

Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria Stefan Janew từ chối để NATO đóng quân trên đất Bulgaria (Ảnh: BNR).

Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria Stefan Janew từ chối để NATO đóng quân trên đất Bulgaria (Ảnh: BNR).

Rõ ràng trong nội bộ liên minh NATO đang tồn tại bất đồng trong việc đánh giá tình hình. Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria Stefan Janew tạm thời từ chối để NATO đóng quân tại đất nước ông. Ông nói rằng hiện tại không có tình huống nào chứng minh quyết định đóng quân của NATO trên lãnh thổ Bulgaria là hợp lý và không có lý do gì để coi quân đội Nga là mối đe dọa trực tiếp đối với liên minh NATO và các khu vực an ninh liên quan.

Ông xác nhận đã có các cuộc thảo luận trong NATO liên quan đến những lựa chọn nhất định, bao gồm cả việc đóng quân của NATO ở Bulgaria và Romania giáp Biển Đen. Tuy nhiên, vì lý do lịch sử và văn hóa, đại đa số công dân của Bulgaria được coi là thân thiện với nước Nga.