Apple vừa phải xin lỗi khách hàng và đưa ra mức giá chiết khấu giảm 50 USD khi thay pin mới cho iPhone. Nguyên nhân là Apple đã im lặng cập nhật phần mềm iOS hồi năm ngoái, khiến hiệu suất của các máy iPhone dùng pin cũ bị chậm lại. Mới đây, Apple cũng cho biết chính sách thay pin mới với giá rẻ 29 USD được áp dụng ngay lập tức, chứ không phải đợi 1 tháng nữa như Apple từng công bố.
Ngoài Apple, còn những công ty công nghệ nào phải cúi đầu xin lỗi khách hàng? Sau đây là tổng hợp một số vụ việc đình đám mà các công ty phải xin lỗi, theo trang CNBC.
Uber, tháng 10/2017
Uber dính bê bối quấy rối tình dục. Cong ty Alphabet kiện Uber về vụ trộm tài sản trí tuệ. Và các nhà đầu tư đã buộc đồng sáng lập Travis Kalanick từ chức Giám đốc điều hành.
Chưa hết hỗn loạn, mới tháng trước, Uber tuyên bố tin tặc đã đánh cắp dữ liệu cá nhân của 57 triệu người sử dụng Uber, bao gồm hàng trăm ngàn lái xe ở Mỹ. Vụ tấn công xảy ra vào tháng 10 năm 2016, Uber đã trả cho hacker 100.000 USD để chuộc lại dữ liệu.
CEO Dara Khosrowshahi, người kế nhiệm Kalanick, đã phải lên tiếng xin lỗi.
Yahoo, tháng 11/2017
Oath, sếp mới của Yahoo, cho biết vụ vi phạm dữ liệu năm 2013 đã ảnh hưởng tới tất cả 3 tỷ tài khoản người dùng, không phải là 1 tỷ, như công ty đã nói trước đó. Marissa Mayer, cựu CEO của Yahoo, đã phải xin lỗi trong lời khai chuẩn bị trước Thượng viện Hoa Kỳ.
"Trước hết, tôi muốn một lần nữa nói lời xin lỗi vì những sự cố này," cô nói. "Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ trong nhiều năm để có được lòng tin của người dùng, và chúng tôi đã cố gắng hết sức để bảo vệ nó”, Marissa Mayer nói. “Là một CEO, vụ việc này xảy ra trong nhiệm kỳ của tôi, và tôi muốn chân thành xin lỗi đến mỗi một người dùng của mình”.
Facebook, tháng 9/2017
Năm nay, Facebook chịu nhiều áp lực vì tin tức giả mạo. Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã phải công bố một lời xin lỗi vào ngày 30/9.
Zuckerberg đã viết trên tường Facebook của mình: "Đối với những người bị tổn thương trong năm nay, tôi xin sự tha thứ và tôi sẽ cố gắng để mọi thứ tốt hơn. Đối với cách làm việc mà tôi đã áp dụng khiến mọi người bị phân chia, xa cách nhiều hơn là xích lại gần nhau, tôi xin sự tha thứ."
Đây không phải là lần đầu tiên, cũng không phải là lần cuối cùng, Facebook và các giám đốc điều hành phải xin lỗi.
Chỉ hai tuần sau, Facebook COO Sheryl Sandberg lại phải xin lỗi vì sự không có khả năng ngăn chặn các quảng cáo liên quan đến Nga can thiệp và ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016.
"Những điều này đã xảy ra trên nền tảng của chúng tôi mà nhẽ ra chúng không nên xảy ra", Sandberg nói.
Volkswagen, tháng 9/2015
Sau nhiều năm quảng cáo về các dòng xe "sạch”, Volkswagen bị phát hiện đã có những hành vi gian lận trong các cuộc thử nghiệm khí thải, khiến các dòng xe của hãng vượt qua các bài kiểm tra trong phòng thí nghiệm, song thực tế vẫn gây ô nhiễm môi trường khi lưu thông trên đường.
Tổng giám đốc Martin Winterkorn của Volkswagen đã đưa ra lời xin lỗi trên video. "Thưa quý vị, hàng triệu người trên thế giới tin tưởng vào thương hiệu, xe ô tô và công nghệ của chúng tôi, tôi vô cùng xin lỗi vì đã gây thất vọng về sự tin tưởng này. Hãy tin rằng chúng tôi sẽ làm mọi thứ để hoàn tác những thiệt hại và chúng tôi sẽ làm mọi thứ để giành lại sự tin tưởng của các bạn".
Winterkorn đã buộc phải từ chức trong vài tuần sau lời xin lỗi của mình. Một số nhân viên đã bị kết án tại Mỹ vì tham gia vào vụ xì căng đan phát thải kéo dài hàng thập kỷ.
Google, tháng 7/2015
Người khổng lồ Internet đã xin lỗi sau khi một người dùng ứng dụng Google Photos nhận thấy một số bức ảnh của anh ta và một người khác đã bị đưa vào một album có tựa đề "Gorillas".
Người phát ngôn của Google nói với USA Today rằng "Chúng tôi thật kinh hoàng và thực sự xin lỗi vì điều này đã xảy ra". "Chúng tôi đang hành động ngay lập tức để ngăn chặn loại kết quả này xuất hiện. Hiện vẫn còn rất nhiều công việc liên quan đến ghi nhãn hình ảnh tự động và chúng tôi đang xem xét làm thế nào có thể ngăn chặn những loại lỗi này xảy ra trong tương lai”.