Nghiện cờ bạc là một dạng rối loạn tâm thần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều người vì cờ bạc mà gia đình tan vỡ, kinh tế suy sụp nhưng họ vẫn lao vào trò đỏ đen. Ít người biết rằng nghiện cờ bạc cũng là một dạng rối loạn tâm thần, cần điều trị sớm.

Nghiện cờ bạc là một dạng rối loạn tâm thần

Nhiều người nghiện cờ bạc, không thể cai dẫn đến kết cục gia đình tan vỡ, thậm chí bị xử lý hình sự. Cách đây chưa lâu, Trần Minh Phông (33 tuổi, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) do thua bạc số tiền lớn nên mang súng đi cướp tài sản rồi bị bắt ngay sau đó.

Hay vụ hàng loạt sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, FPT Hà Nội, Quốc gia Hà Nội, Khoa học và Công nghệ Hà Nội... cũng bị bắt vì đánh bạc qua ví điện tử MoMo với quy mô tới 2.800 tỉ đồng.

Hậu quả từ việc chơi cờ bạc là rất lớn. Dưới góc độ y khoa, các bác sĩ của Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết nghiện cờ bạc cũng là một dạng rối loạn sức khoẻ tâm thần, cần phải điều trị.

Bệnh nhân Nguyễn Văn H (đang điều trị tại Phòng M7 Viện Sức khỏe Tâm thần) nghiện cờ bạc đến quên ăn quên ngủ. Người đàn ông này nợ cả tỷ đồng, thường xuyên đi khỏi nhà, rồi rơi vào tình trạng mệt mỏi, bi quan, lo lắng nhưng vẫn không ngừng chơi trò đỏ đen. Khi gia đình đưa đến bệnh viện, anh H được xác định bị rối loạn tâm thần, đánh bạc bệnh lý.

Gia đình cho biết anh H. chơi cờ bạc từ khi là sinh viên đại học rồi ngày càng lún sâu. Gần đây, bệnh nhân lấy quán internet làm nhà, chơi không kể ngày đêm, thậm chí nhiều ngày không ăn.

H từng làm việc tại một công ty nước ngoài, thu nhập cao nhưng do đam mê cờ bạc, vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Sau khi chia tay, anh H. cùng con trai lớn sống với ông bà nội, kinh tế không được khá giả, gia đình hay xảy ra mâu thuẫn do anh này cờ bạc.

vsktt-1-4829-9421.jpg
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nghiện cờ bạc

Anh H. biết rõ vì mê cờ bạc mà mất hết anh em, bạn bè, vợ con nhưng không thể ngừng, vay mượn để lao vào những canh bạc thâu đêm suốt sáng. Mỗi tháng người đàn ông này đánh bạc mất 60-80 triệu.

TS. Lê Thị Thu Hà – Trưởng Phòng M7 - cho biết nghiện cờ bạc hay trò chơi may rủi, là một rối loạn tâm thần do hệ thống tưởng thưởng của não bị rối loạn.

Theo TS. Hà, nghiện đánh bạc là sự thôi thúc để tiếp tục đánh bạc, không thể kiểm soát được, bất chấp số tiền phải trả cho trò chơi và những ảnh hưởng đến cuộc sống. Một người nghiện cờ bạc, hay là một người không thể cưỡng lại sự bốc đồng của mình có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Sự thôi thúc đánh bạc lớn đến mức chỉ có thể được giải tỏa bằng cách đánh bạc ngày càng nhiều.

TS Hà phân tích thêm: Rối loạn cờ bạc không nên được chẩn đoán chỉ dựa trên cơ sở cờ bạc lặp đi lặp lại hoặc liên tục. Hành vi đánh bạc hàng ngày như thói quen mua vé số, sử dụng cờ bạc cho thay đổi tâm trạng, giảm bớt sự nhàm chán hoặc tạo điều kiện tương tác xã hội, là không cơ sở đủ để chẩn đoán rối loạn cờ bạc.

BS Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc – Phó trưởng Phòng M7 Viện Sức Khỏe Tâm Thần - thông tin: Các nghiên cứu cho thấy những người mắc chứng rối loạn cờ bạc có tỷ lệ rối loạn nhân cách rất cao, trên 60%; khoảng 50% bị rối loạn cảm xúc và trên 40% bị rối loạn lo âu. Bệnh nhân có thể được trị liệu tâm lý, điều biến não, liệu pháp hóa dược. Sau khi ra viện, họ cần được tái khám và hỗ trợ nhiều về mặt tâm lý từ gia đình.

Để phòng ngừa tái mắc cờ bạc bệnh lý, BS Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc lưu ý bệnh nhân phải cách ly khỏi các trò chơi cá cược. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp quan tâm của gia đình, nỗ lực của bản thân. Bệnh nhân cũng cần được trị bằng trị liệu tâm lý, điều biến não, liệu pháp hóa dược kết hợp. Sau khi ra viện, họ cần được tái khám và hỗ trợ nhiều về mặt tâm lý từ gia đình và nhà trị liệu.

Rối loạn sức khoẻ tâm thần về cờ bạc được xác định khi có ít nhất 4 dấu hiệu sau trong 12 tháng:

a. Nhu cầu đánh bạc với số tiền ngày càng tăng để đạt được sự hưng phấn mong muốn.

b. Bồn chồn hoặc cáu kỉnh khi cố gắng cắt giảm hoặc ngừng đánh bạc.

c. Đã nhiều lần nỗ lực thành công để kiểm soát, cắt giảm hoặc ngừng cờ bạc.

d. Thường bận tâm đến cờ bạc (ví dụ: có những suy nghĩ dai dẳng về việc hồi tưởng lại những trải nghiệm cờ bạc trong quá khứ hoặc lên kế hoạch cho cuộc mạo hiểm tiếp theo, nghĩ cách kiếm tiền để đánh bạc).

e. Thường đánh bạc khi cảm thấy đau khổ (ví dụ: bất lực, tội lỗi, lo lắng, chán nản).

f. Sau khi thua bạc trong cờ bạc, thường quay trở lại vào một ngày khác để hòa vốn (“đuổi theo” số tiền thua lỗ).

g. Nói dối để che giấu mức độ liên quan đến cờ bạc.

h. Đã gây nguy hiểm hoặc mất đi một mối quan hệ, công việc, hoặc cơ hội giáo dục hoặc nghề nghiệp quan trọng vì cờ bạc.

i. Dựa vào người khác để cung cấp tiền để giảm bớt các tình huống tài chính tuyệt vọng do cờ bạc gây ra.