Nghị định mới về tài trợ nhân đạo cần tạo điều kiện cho mọi cá nhân, tổ chức cùng tham gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 28/1/2021, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển cộng đồng (LIN) đã tổ chức tọa đàm đóng góp ý kiến cho Nghị định 64 sửa đổi.
Nhiều cá nhân và đơn vị đã hưởng ứng cứu trợ cho các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ (ảnh: Đăng Khoa)
Nhiều cá nhân và đơn vị đã hưởng ứng cứu trợ cho các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ (ảnh: Đăng Khoa)

Đây là Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo nhiều ý kiến, Nghị định này không còn phù hợp với tình hình thực tiễn và việc soạn thảo Nghị định mới cần theo hướng mở để khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức cùng tham gia.

Nhà báo Hoàng Thiên Nga – nguyên Trưởng đại diện báo Tiền Phong tại Tây Nguyên - chia sẻ: "Những lúc ngặt nghèo, khẩn cấp, trong khi các cơ quan nhà nước chưa kịp trở tay thì những cá nhân, tổ chức cộng đồng chính là đội ngũ phản ứng nhanh, hiệu quả. Điều đó rất tốt, nhưng chiếu theo Nghị định 64 thì họ lại sai. Vì thế, nếu có được một Nghị định bao quát, rõ ràng, dễ hiểu, quy định cần và đủ về tính minh bạch, không mâu thuẫn với quyền cho - nhận của công dân theo Bộ luật Dân sự, thì hoạt động từ thiện của toàn dân sẽ nở rộ, mạnh mẽ và chặt chẽ, chuyên nghiệp hơn".

nhà báo Hoàng Thiên Nga – nguyên Trưởng đại diện báo Tiền Phong tại Tây Nguyên phát biểu tại tọa đàm
nhà báo Hoàng Thiên Nga – nguyên Trưởng đại diện báo Tiền Phong tại Tây Nguyên phát biểu tại tọa đàm

Thêm vào đó, các ý kiến cũng chỉ ra rằng, việc làm từ thiện của cá nhân tổ chức có cả nhiều thuận lợi và cả thách thức, nhưng không đồng đều theo địa phương, theo trường hợp hỗ trợ. Điều này đặt ra vấn đề về thách thức về chính sách và về quan điểm của địa phương trong việc tiếp nhận và phối hợp trong công tác từ thiện với các cá nhân, tổ chức cộng đồng. Câu chuyện cũng xoay quanh tầm quan trọng của việc các tổ chức cá nhân phối kết hợp với các cơ quan địa phương để đạt hiệu quả.

Từ thực tiễn và nhu cầu thiện nguyện, ông Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - đã chia sẻ bức tranh rộng lớn hơn về xu hướng và hệ sinh thái cho từ thiện phát triển tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển. Theo ông, chúng ta đang thực sự thiếu một hệ thống pháp lý thúc đẩy từ thiện. Ví dụ: Ưu đãi thuế hoặc miễn trừ cho công tác từ thiện hoặc công tác tôn vinh, ghi nhận các tấm gương làm từ thiện của các cơ quan quản lý nhà nước. Công tác hỗ trợ từ thiện nơi dễ nơi khó, bởi đang phụ thuộc vào quan điểm, nhân cách của lãnh đạo địa phương. Thiếu một thể chế, một hệ quan điểm thống nhất trong việc thúc đẩy, khuyến khích làm từ thiện.

Phân tích về dự thảo Nghị định 64 sửa đổi, luật sư Nguyễn Tiến Lập – Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự - phân tích, Nghị định 64 sửa đổi cần phải cải thiện các vấn đề: Phân biệt với tài trợ trực tiếp, riêng tư, có địa chỉ cụ thể; Là hoạt động công khai, có tính đại chúng; Quy định quyền chính đáng của các tổ chức, cá nhân, được Nhà nước khuyến khích, phối hợp và bảo trợ; Quy định các quyền pháp lý và các lợi ích tinh thần, vật chất mà Bên tổ chức hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối cứu trợ và Bên tài trợ, đóng góp được hưởng; Quy đinh các mô hình về tổ chức hoạt động; Quy định nghĩa vụ của Bên tổ chức (có đề án hoạt động và văn bản cam kết, đăng ký với chính quyền; công khai hoá và trách nhiệm báo cáo, giải trình); Bên đóng góp, tài trợ: Nghĩa vụ sử dụng tài sản hợp pháp của mình để đóng góp, tài trợ. Bên nhận tài trợ: Nghĩa vụ sử dụng các khoản đóng góp đúng mục đích của Nhà tài trợ và cam kết của cá nhân; Bên giám sát, phối hợp, hỗ trợ: Có chương trình phối hợp; hỗ trợ, không gây phiền hà; Giải quyết các khiếu nại, tranh chấp; xử lý quan hệ quốc tế.

Luật sư Lập cũng nêu rõ: Nghị định 64 sửa đổi ra đời lúc này là rất cần thiết, đặc biệt kịp thời với đợt bão lũ miền Trung có thể xảy ra sắp tới. Về lâu dài hơn, trong 5 năm tới, chúng ta cần một Luật bao quát cả hoạt động thiện nguyện thường xuyên cho các Nhóm yếu thế, bao quát cả hoạt động phi lợi nhuận khác trong mọi lĩnh vực, đảm bảo khẳng định quyền dân sự chính đáng của tổ chức, cá nhân trong mưu cầu hạnh phúc, bảo đảm đời sống, phát triển cộng đồng và giải quyết các vấn đề xã hội.

Các kiện hàng cứu trợ được gửi tới miền Trung (ảnh: Đăng Khoa)

Các kiện hàng cứu trợ được gửi tới miền Trung (ảnh: Đăng Khoa)

Sang phần thảo luận, có ý kiến cho rằng việc có những người huy động được hàng trăm tỉ đồng cho hoạt động cứu trợ nhân đạo như ca sĩ Thuỷ Tiên là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, với những khoản tiền lớn như vậy thì phải có quy định về kiểm toán nhằm đảm bảo sự minh bạch và không để bị những mục địch chính trị chi phối từ các tổ chức bên ngoài Việt Nam. Cùng với thực tế đó cũng phải nói tới yếu tố công nghệ thông tin và Internet đã góp phần thuận lợi cho công tác vận động và tiếp nhận tài trợ mà mọi cá nhân, tổ chức đều có thể tranh thủ.

PGS TS Nguyễn Thường Lạng – giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân lại đề cập là phải tính đến việc các cá nhân, tổ chức tham gia làm cứu trợ nhân đạo phải được quyền sử dụng hàng cứu trợ trong trường hợp bất khả kháng vì trong hoàn cảnh mưa lũ, họ cũng cần phải ăn, phải mặc. Theo ông, đây là điều hợp lý vì nếu không có quy định rõ rằng mà không thừa nhận hành vi của mình thì áy náy mà thừa nhận thì rất xấu hổ.

Ông Trần Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - phát biểu: Việc từ thiện rất dễ lây lan tâm lý, và việc từ thiện có thể tràn lan, không hiệu quả, vụ việc bánh chưng hoặc ào ạt ủng hộ quần áo, mỳ tôm là ví dụ thực tiễn. Chúng ta cần hiểu, một quy trình từ thiện thì sẽ đưa ra một quy trình chuẩn chỉ, chuyên nghiệp để mang lại hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Chúng ta đang đóng góp ý kiến sửa đổi Nghị định 64, nhưng về lâu về dài, cần một khung pháp lý, luật cho hoạt động nhân đạo, từ thiện khuyến khích huy động nguồn lực và triển khai, tổ chức, thực hiện hiệu quả.

Kết luận buổi toạ đàm, ông Nguyễn Ngọc Lâm – nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Phi Chính phủ, Bộ Nội vụ, Chủ tịch Viện MSD - khẳng định, việc cần sớm có Nghị định mới cho hoạt động cứu trợ nhân đạo là rất cấp thiết vì cũng chẳng còn lâu nữa thì mùa mưa lũ lại đến và khung pháp lý mới cần tạo mọi điều kiện cho các cá nhân, tổ chức cùng tham gia. Tất cả các tham luận, ý kiến tại toạ đàm sẽ được ban tổ chức tổng hợp lại và sớm gửi cho Bộ Tài chính để đóng góp cho ban soạn thảo Nghị định mới.