Theo báo cáo của huyện Thanh Chương, Hội đồng GPMB huyện đã tổ chức thực hiện công tác bồi thường GPMB cơ bản đồng bộ các khâu và tuân thủ các quy định hiện hành tại dự án khu du lịch hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau do Tập đoàn Cienco 4 làm chủ đầu tư.
Đến nay, chủ đầu tư mới thỏa thuận đền bù, bồi thường GPMB với các hộ dân được 25,8 ha/285.33ha diện tích đất (9,04%) với giá thỏa thuận là 10,7 tỷ đồng, nhưng chưa chi trả cho người dân. Dẫn đến tiến độ thực hiện xây dựng dự án giai đoạn 1 chậm so với tiến độ đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, vướng mắc hiện nay còn là do dự án không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất, diện tích đất nằm trong mốc giới thực hiện dự án đã được giao cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Do đó, quá trình thỏa thuận đền bù để chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các hộ gia đình, cá nhân nhằm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chính được xác định là do Tập đoàn Cienco 4 khó khăn về tài chính.
Ngày 17/7/2019, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về dự án khu du lịch hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau tại xã Thanh An và Thanh Thịnh do Công ty Cổ phần Green Tea Islands thuộc Tập đoàn Cienco 4 làm chủ đầu tư với quy mô 1.500 tỷ đồng, ban lãnh đạo huyện Thanh Chương thông tin: Nếu như nhà đầu tư không chi trả tiền bồi thường GPMB, không triển khai dự án, huyện Thanh Chương đề nghị UBND tỉnh thu hồi và kêu gọi nhà đầu tư khác vào khảo sát và thực hiện dự án.
“Về những khó khăn của Cienco 4 huyện Thanh Chương hoàn toàn chia sẻ, tuy nhiên không thể để sự việc kéo dài mãi như thế này được. Về lâu dài nếu tình hình không có chuyển biến, địa phương sẽ có văn bản yêu cầu đề nghị tỉnh thu hồi", Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Hữu Hiền nêu rõ.
Dự án khu du lịch hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 2/2017 tại Quyết định 550/QĐ-UBND. Đến tháng 12/2017, Nghệ An đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 cho dự án.
Theo đó, dự án có quy mô 449 ha, trong đó phần khai thác mặt hồ 83,9 ha, trồng cây xanh 280 ha, diện tích còn lại sẽ hình thành 5 khu chức năng, bao gồm: khu đón tiếp, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí, khu làng nghề và khu thiền viện.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án của Tập đoàn Cienco 4 sẽ triển khai trong thời gian 5 năm (2017 – 2022).
Trong đó, giai đoạn 1 (2017 – 2018) tiến hành xây dựng khu đón tiếp và hạ tầng thiết yếu để kết nối các phân khu khác; giai đoạn 2 sẽ đầu tư khu nghỉ dưỡng gồm khu sinh thái số 1 và số 2 (2018 – 2019); từ 2020 – 2022 sẽ hoàn thiện các phân khu chức năng còn lại.
Nhắc rằng, "linh hồn" một thời của Cienco 4 - nguyên Tổng Giám đốc Lê Ngọc Hoa - hiện đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Sau khi ông Hoa rẽ sang ngả chính trị, Cienco 4 hoàn tất quá trình cổ phần hóa - và trở thành 100% vốn tư nhân, trong đó gia đình ông Hoa cũng duy trì một lượng sở hữu lớn.
Tuy nhiên, gần đây có thông tin, gia đình ông Hoa đã rút khỏi Tập đoàn Cienco 4 - với nhiều động thái chỉ dấu mà VietTimes đã đề cập./.
(Tổng hợp)