TC REIT được cấp giấy chứng nhận chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng từ tháng 5/2016, với tổng vốn huy động là 50 tỷ đồng (5 triệu đơn vị). Ngày 27/2, toàn bộ 5 triệu chứng chỉ quỹ của TC REIT sẽ được niêm yết trên HOSE với mã FUCVREIT. Công ty quản lý kỹ quỹ là Công ty TNHH Quản lý quỹ Kỹ thương, do NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam giám sát.
Quỹ TC REIT hoạt động với chiến lược đầu tư dài hạn, tập trung vào BĐS cho thuê nhằm thu hút dòng tiền. Bên cạnh đó, quỹ sẽ xem xét đầu tư vào các BĐS khác như nhà ở, chung cư, cho thuê văn phòng… Với các khoản đầu tư cổ phiếu, TC REIT sẽ tìm các cổ phiếu uy tín hàng đầu, có sự tăng trưởng tốt. Ngoài ra, Quỹ có thể đầu tư vào tài sản có thu nhập cố định có chất lượng tốt như tiền gửi ngân hàng, trái phiếu Chính phủ…
Theo HOSE, REIT thường là quỹ hình thành từ vốn góp của NĐT thông qua việc mua chứng chỉ quỹ phát hành, sau đó ủy quyền quản lý cho ban đại diễn quỹ. REIT thường dành phần lớn giá trị tài sản quỹ để đầu tư nắm giữ bất động sản hoặc cổ phiếu của công ty bất động sản . Các NĐT thay vì trực tiếp mua các tài sản BĐS có giá trị lớn thì hiện tại họ có thể gián tiếp sở hữu thông qua việc mua chứng chỉ quỹ REIT với số vốn sẽ nhro hơn nhiều cũng như phân tán được rủi ro khi vốn của quỹ được phân bổ và nhiều loại tài sản khác nhau.
Được biết, năm 1960, REIT hình thành đầu tiên tại Mỹ. Đã có hơn 30 quốc gia trên thế giới triển khai mô hình tài chính này (tính đến 2014). Hiện tại, REIT thường có 2 dạng đầu tư: Thứ nhất, đầu tư, nắm giữ cổ phần và quản lý trực tiếp các tài sản bất động sản. Thứ hai, đầu tư vào các loại tài sản thế chấp (mua trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản thế chấp của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Phương án thứ nhất thường được các quỹ REIT lựa chọn, TC REIT cũng dự kiến hoạt động theo mô hình này.
Theo anh Minh Tuấn, một chuyên gia phân tích chứng khoán, việc xuất hiện một quỹ REIT thành lập và niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam đang có những bước hội nhập sâu rộng vào thị trường BĐS, tài chính quốc tế. Đây được coi là chất xúc tác tích cực đối với thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán Việt Nam. Các NĐT có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư trong điều kiện thị trường BĐS cho thấy những tín hiện phục hồi rõ rệt. Tuy nhiên, các NĐT cũng nên thận trọng, bởi giá giao dịch chứng chỉ của quỹ như thế này rất “nhạy cảm” với diễn biến của thị trường bất động sản nên rủi ro khi sở hữu chứng chỉ quỹ này cũng không phải nhỏ.