Ngành hội chợ thế giới bước vào không gian ảo

Hàng loạt hội chợ thương mại lớn trên toàn cầu đang chuyển thành các sự kiện triển lãm trực tuyến để tuân thủ các quy định giãn cách xã hội, tránh nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 nhưng đồng thời tạo cơ hội kết nối với những người vì các lý do khác không thể tham dự.

Trong tuần qua, Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair) lần thứ 127 khai mạc nhưng không như mọi năm. Hội chợ lần này được phát sóng trực tiếp (live-streaming) qua Internet để ngăn ngừa rủi ro lây lan dịch Covid - 19. Đây là hội chợ thương mại lớn nhất Trung Quốc, được tổ chức định kỳ hai lần mỗi năm tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.

Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair) lần thứ 127 được tổ chức trực tuyến từ ngày 15 đến 24-6. Ảnh: prnewswire
Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair) lần thứ 127 được tổ chức trực tuyến từ ngày 15 đến 24-6. Ảnh: prnewswire

Canton Fair ảo vẫn thu hút được đến 20.000 công ty tham dự

 Tại Canton Fair năm nay, Công ty vật liệu xây dựng Cmech, có trụ sở ở Quảng Châu, chia sẻ thông tin và cung cấp tour tham quan trực tuyến gian hàng được trưng bày bằng cách sử dụng công nghệ thực tế ảo, cho phép khách cảm nhận tốt hơn về các sản phẩm như khung cửa hay cửa lùa.

Trong khi đó, công ty thiết bị gia dụng Puppyoo đã thiết lập gian trưng bày ảo 3D để giúp khách tham quan trực tuyến có thể lướt xem và tìm các sản phẩm như máy hút bụi tự động và truyền thống.

Phiên bản trực tuyến của Canton Fair, đặt ra nhiều thách thức cho cả nhà tổ chức lẫn khách tham quan trực tuyến. Tuy nhiên, hội chợ ảo này vẫn thu hút được hơn 20.000 công ty tham gia triển lãm hàng hóa và dịch vụ từ các nhà sản xuất máy móc cho đến sản xuất hàng gia dụng cũng như các công ty thương mại. Một sức hút lớn của phiên bản ảo Canton Fair là các công ty tham gia triển lãm không cần phải lắp đặt gian hàng trưng bày sản phẩm thực tế, giúp giảm mạnh chi phí.

Theo Hiệp hội ngành công nghiệp triễn làm toàn cầu (UFI) năm 2018, có gần 32.000 hội chợ triển lãm thương mại được tổ chức trên thế giới, thu hút 303 triệu lượt khách tham dự. Các hội chợ thương mại ngày càng chú trọng đến các chủ đề và chủng loại sản phẩm chi tiết. Một số khách hàng doanh nghiệp dành cả năm chỉ để đi khắp toàn cầu để dự các hội chợ thương mại.

Nhưng đại dịch ập đến, gần như tất cả kế hoạch tổ chức hội chợ thương mại đều phải dừng lại. Các quy định hạn chế đi lại và cấm tụ tập đông người ở ngoài trời là rào cản lớn nhất đối với ngành công nghiệp hội chợ thương mại. Vì vậy, một số nhà tổ chức hội chợ thương mại trên thế giới đã linh hoạt chuyển sang sử dụng không gian ảo để giúp các công ty kết nối với khách hàng. 

Hannover Messe, một trong những hội chợ triển lãm quốc tế thường niên lớn nhất thế giới về công nghệ ở Hannover (Đức), đã bị hủy trong tháng 4 do dịch Covid-19 vẫn đang lây lan mạnh ở Đức. Thay vào đó, ban tổ chức sẽ tổ chức sự kiện này trực tuyến bắt đầu vào ngày 14-7 tới.

Tại Nhật Bản, Triển lãm Kết hợp các công nghệ tiên tiến (Ceatec) và Triển lãm Game Tokyo (TGS) cũng sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến. Ceatec là triển lãm hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản, thường được tổ chức vào tháng 10 hằng năm ở Trung tâm hội nghị Makuhari Messe ở thành phố Chiba. Nhưng năm nay, ban tổ chức quyết định tổ chức Ceatec trực tuyến do dịch Covid-19.

Ban tổ chức Ceatec nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng biến Ceatec năm nay thành một sự kiện chưa có tiền lệ, nơi các bên hợp tác tạo ra một xã hội mới và một lối sống mới”.

Năm ngoái, Ceatec thu hút hơn 150.000 khách tham dự và 780 công ty ở Nhật Bản và các nước trưng bày các công nghệ điện tử mới nhất. TGS là cuộc triển lãm game lớn nhất thế giới diễn ra hàng năm vào tháng 9, cũng tại Trung tâm hội nghị Makuhari Messe. Năm ngoái, TGS thu hút 262.000 khách tham dự.

Hiệu ứng ảo diệu, nhưng doanh thu ra sao chưa biết

Các hội chợ thương mại ảo cung cấp cơ hội mới cho các nhà sản xuất và với việc loại bỏ rào cản địa địa lý, các công ty có thể tiếp cận lượng khán giả lớn hơn.

Công ty giải trí số hóa và video game Sony Interactive Entertainment (Nhật Bản) gần đây thu hút 2,5 triệu người xem buổi phát sóng trực tiếp qua Internet để giới thiệu máy chơi game PlayStation 5 và các tựa game video mới. Các sự kiện triển lãm độc lập do các công ty tự tổ chức như vậy có thể phát triển thành một xu hướng thịnh hành trong thời kỳ dịch bệnh.

“Các game video rất phù hợp để triển lãm trực tuyến vì các công ty sẽ thấy không cần thiết để tham gia các cuộc triển lãm thương mại trong tình hình dịch bệnh”, một lãnh đạo trong ngành công nghiệp game video nhận định.
Nhưng câu hỏi đặt ra là các cuộc triển lãm ảo có thực sự tạo ra doanh thu cho các công ty hay không.

Tại Canton Fair, một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng thu hút 150.000 lượt xem trong buổi phát sóng trực tiếp trong ngày đầu tiên nhưng chỉ có 3 khách hỏi thông tin về sản phẩm. Còn ban tổ chức Ceatec dự định sẽ bổ sung tính năng chat ở mỗi gian hàng ảo để nhà triển lãm có thể trao đổi thông tin với các khách hàng tiềm năng.

Theo Nikkei Asian Review/KTSG