Ngân hàng Nhà nước sắp “mở kho thóc”, thêm kênh tiềm năng tái tạo vốn lớn

Cơ chế và chính sách này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18/01/2020.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 24/2019/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng đối với tổ chức tín dụng.

Với thông tư này, các tổ chức tín dụng có thêm một kênh khá thuận lợi, với các điều kiện và cơ chế rõ ràng, có điều kiện và cơ sở thuận lợi để tái tạo nguồn vốn.

Từ trước đến nay, các tổ chức tín dụng thường tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước qua kênh tái cấp vốn trên cơ sở giấy tờ có giá, hoặc qua trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hoặc trường hợp đặc biệt theo dự án chương trình nào đó Chính phủ chỉ định…

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tổ chức tín dụng nào cũng có nhiều giấy tờ có giá để có thể tiếp cận nguồn tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước, cũng như qua kênh thị trường mở (OMO) một cách thuận lợi.

Theo đó, Thông tư 24 vừa ban hành quy định hình thực cho vay lại theo hồ sơ tín dụng - cơ sở và nền tảng mà các tổ chức tín dụng luôn sẵn có.

Cụ thể, Thống tư 24 quy định chi tiết nhiều điểm điều kiện, mức độ, hạn mức, lãi suất, quy trình… về cơ chế cho vay tái cấp vốn này. Tựu trung ở một số điểm chính.

Đó là, việc cho vay ở kênh tái cấp vốn này nhằm hỗ trợ thanh khoản tổ chức tín dụng, hỗ trợ nguồn cho vay ngành, lĩnh vực khuyến khích hỗ trợ phát triển, với thời hạn dưới 12 tháng, theo lãi suất tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước quy định tại các thời kỳ.

Đáng chú ý, vay tái cấp vốn, gia hạn vay tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng quy định tại thông tư này được áp dụng với những khoản cho vay bằng đồng Việt Nam, có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ giá trị khoản cho vay và được phân loại nợ vào nhóm 1 của tổ chức tín dụng.

Nói cách khác, khi tổ chức tín dụng nào đó hạn chế về giấy tờ có giá để vay tái cập vốn từ Ngân hàng Nhà nước như hiện nay, thì tới đây có thể dùng cơ sở là các khoản cho vay họ hiện có thuộc nhóm 1 (không phải nợ quá hạn), có tài sản đảm bảo và khoản nợ đó không thuộc ngành, lĩnh vực mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng hạn chế, kiểm soát tín dụng trong từng thời kỳ để đăng ký vay tái cấp vốn.

Hạn mức cho vay tái cấp vốn qua hình thức này là đáng kể, có thể được tới 60% tổng dư nợ gốc của các khoản cho vay trong bảng kê hồ sơ tín dụng để tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn.

Quy định là vậy, cơ sở để tạo điều kiện ở đây là nguồn các khoản cho vay tổ chức tín dụng đang có, quy mô lớn, nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét tùy thời điểm, trường hợp… Và tổ chức tín dụng đó phải đảm bảo các quy định về an toàn hoạt động, không thuộc diện được kiểm soát đặc biệt.

Như vậy, với thông tư trên, Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện “mở kho thóc”, hỗ trợ nguồn cho hệ thống, với điều kiện thuận lợi hơn. Giá trị của các lần giảm lãi suất tái cấp vốn trong hồi tháng 7/2017 và tháng 9/2019 sẽ tiếp tục mở rộng.

Liên quan, vừa qua hệ thống thực hiện chính sách mới, nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước phải kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước, thay vì đọng lại trong hệ thống mà trực tiếp điều hòa thanh khoản. "Kho thóc" này khá lớn (thể hiện qua báo cáo tài chính nhóm “big 4” qua các kỳ báo cáo).

Theo đó, khi kết chuyển về, Ngân hàng Nhà nước phát huy hơn vai trò điều tiết thanh khoản hệ thống, nhất là ở các kênh hỗ trợ nguồn.

Thông thường, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ nguồn qua cho vay cầm cố trên thị trường mở (OMO), hoặc qua tái cấp vốn có điều kiện chặt chẽ về tài sản, hoặc qua các đợt tạo cung ứng khi mua ròng ngoại tệ…, còn trường hợp qua hạ dự trữ bắt buộc thì gần như không mở trong nhiều năm qua.

Nay, kênh tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng là một kênh đáng chú ý, khi nó khắc phục được hạn chế tài sản giấy tờ có giá tại những tổ chức tín dụng nào đó cần tái tạo nguồn.

Theo Bizlive

Link gốc: https://bizlive.vn/tai-chinh/ngan-hang-nha-nuoc-sap-mo-kho-thoc-them-kenh-tiem-nang-tai-tao-von-lon-3529098.html