Ngân hàng “mờ mắt” vì “khách VIP” ?

Từ năm 2008-2012, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam thua lỗ trên 996 tỉ đồng và tổng tài sản thế chấp chỉ có giá trị gần 640 tỉ đồng.
Trụ sở Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam
Trụ sở Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam

Vì sao công ty này vẫn vay được hơn ngàn tỉ đồng, để sau khi ông chủ tịch hội đồng quản trị bỏ trốn sang Mỹ, các ngân hàng “xúm” lại trừ tài sản thế chấp và giá trị hàng tồn kho, thì số nợ gốc vẫn còn đến hơn 785 tỉ đồng?

“Vượt rào” quy định cho vay

Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đang xét xử sơ thẩm một trong 10 vụ trọng án từng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo xử lý. Đó là vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam ở tỉnh Sóc Trăng (sau đây gọi là Công ty Phương Nam).

Tính đến thời điểm cuối năm 2011, khi ông Lâm Ngọc Khuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phương Nam cùng vợ bỏ trốn sang Mỹ, số nợ tại các ngân hàng của Phương Nam đã ở mức 1.752 tỉ đồng (trong đó, nợ gốc khoảng 1.600 tỉ đồng). 25 cán bộ của năm chi nhánh ngân hàng phải ra hầu tòa lần này, vì vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng... Phiên tòa mở từ ngày 20-7 và dự kiến diễn ra trong 11 ngày.

Theo cơ quan điều tra, ông Khuân đã chỉ đạo cấp dưới làm giả báo cáo tài chính, để chuyển từ lỗ sang... lãi 41 tỉ đồng vào năm 2011. Tuy nhiên, báo cáo tài chính chỉ là thứ để các ngân hàng tham khảo, xem xét “sức khỏe” của doanh nghiệp, còn mức cho vay tối đa, dù thế nào đi nữa vẫn tùy thuộc vào tài sản thế chấp.

Một cán bộ ngân hàng cho biết, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thông thường với món vay thế chấp là bất động sản, các ngân hàng chỉ được phép cho vay tối đa 85% giá trị tài sản. Còn với những tài sản thế chấp là hàng hóa trong kho, thường thì mức cho vay tối đa chỉ 50-60% giá trị tài sản.

Như vậy, nếu làm đúng các quy định thì giả như cộng thêm khoảng hơn 100 tỉ đồng tiền hàng hóa tồn kho, thì với tổng tài sản thế chấp ấy, ông Khuân chỉ được vay tối đa chưa đến 600 tỉ đồng

Vì các ngân hàng quá tôn sùng khách VIP?

Một cán bộ ngân hàng cho biết vào thời điểm trước 2010, thậm chí đến năm 2011, Công ty Phương Nam vẫn được xem là khách hàng VIP nhất nhì tỉnh Sóc Trăng. “Như ở ngân hàng của tôi, muốn tiếp xúc ông Khuân để xin... cho vay cũng không dễ, nói gì các ngân hàng nhỏ. Ông ta chỉ làm ăn với các ngân hàng thân quen”, ông này nói.

Để có được một vị khách VIP như ông Khuân, mỗi lần vay hàng trăm tỉ đồng, thì dễ quản lý hơn là lấy số tiền ấy cho hàng chục khách hàng khác vay nhỏ lẻ. Do đó, mỗi khi ông Khuân cần giao dịch, các ngân hàng luôn tạo mọi “tiện ích” trong hồ sơ vay của ông, bởi sợ mất khách. Đó chính là điểm yếu để ông Khuân lợi dụng!

Theo cơ quan điều tra, ông Khuân đã chỉ đạo con gái mình là Lâm Ngọc Hân, cùng cấp dưới nâng khống giá trị hàng tồn kho (chủ yếu là tôm - PV), từ 123 tỉ đồng lên 747 tỉ đồng, để thế chấp các ngân hàng.

“Thú thật, giá trị hàng hóa là bao nhiêu thì do doanh nghiệp tự báo cáo, chứ nhân viên thẩm định của ngân hàng không thể thống kê, đối chiếu nổi”, một cán bộ ngân hàng cho biết. Theo ông, lượng hàng hóa của doanh nghiệp đang hoạt động (tức không niêm phong) sẽ tăng hoặc giảm chỉ sau một ngày mua vào thêm, hoặc xuất bán. Do đó, kiểm số tồn kho đã khó, nói chi đến thống kê sự trồi sụt của lượng hàng này. “Chỉ có cách cử một số cán bộ ngân hàng trực ngay kho, để thống kê chi tiết lượng hàng nhập - xuất. Nhưng làm vậy thì ông Khuân... sẽ giận”, người này nói.

Chính vì thế, các ngân hàng chỉ biết tin lời ông Khuân qua báo cáo, và tha hồ cho vay. Nhất là thời điểm đó, các ngân hàng đang huy động vốn với lãi suất hơn 1%/tháng, nên cần phải cho vay để thu lãi, và tài sản thế chấp như hàng hóa chỉ là thứ thủ tục... cho có.

Một doanh nghiệp thủy sản đặt vấn đề: “Có cán bộ ngân hàng nào vào kho lạnh kiểm hàng chịu quá năm phút hay không, khi độ lạnh thường từ -17 đến -20 độ C?”.

Nhưng ngoài việc “cả tin”, thì 25 cán bộ ngân hàng ra tòa lần này còn có những lỗi lớn khác. Cụ thể, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, ông Nguyễn Thanh Long (nguyên Giám đốc Sacombank chi nhánh Sóc Trăng), mặc dù biết Công ty Phương Nam sử dụng vốn sai mục đích nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới giải ngân, dẫn đến việc bị ông Khuân và đồng phạm chiếm đoạt nợ gốc gần 147 tỉ đồng. Còn ông Nguyễn Văn Sơn (nguyên Giám đốc ABBank chi nhánh Bạc Liêu), dù biết rõ Công ty Phương Nam còn nợ trên 42 tỉ đồng và không có khả năng thanh toán, nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục giải ngân trên 83 tỉ đồng để công ty trả nợ cũ, để rồi bị chiếm đoạt trên 80 tỉ đồng...

Và lạ lùng hơn, là chỉ với một bộ chứng từ mua tôm nguyên liệu, ông Khuân có thể chỉ đạo cấp dưới photocopy ra thành nhiều bản, dùng con dấu của công ty xác nhận sao y bản chính, để gửi nhiều ngân hàng xin vay và vẫn được chấp thuận. Một cán bộ ngân hàng cho biết: “Theo nguyên tắc, thì trong trường hợp này ngân hàng chỉ nhận thế chấp bản gốc. Sau khi cho vay, ngân hàng sẽ đóng dấu “Ngân hàng... đã tài trợ”, thì vô phương dùng bộ chứng từ ấy đi vay nơi khác”.

Vì sao Công ty Phương Nam “chết”

Theo dân trong nghề, Công ty Phương Nam của ông Khuân “chết” trong giai đoạn 2008-2011. Thời điểm đó, tồn kho của công ty rất lớn, nhưng khó khăn về đầu ra. Đến khi gặp sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico, nhiều công ty đặt hàng tôm cỡ lớn, ông Khuân khấp khởi và ký khá nhiều hợp đồng. Lúc đó, nhu cầu của nhà nhập khẩu chỉ là tôm cỡ lớn, và cùng lúc nhiều công ty Việt Nam cũng ký hợp đồng xuất khẩu tôm cỡ lớn. Ngay sau đó, giá tôm nguyên liệu cỡ lớn tăng vọt, và ông Khuân chịu nặng nhất, bình quân xuất một container là lỗ 1 tỉ đồng...

Theo TBKTSG