Mỹ: Khách hàng rút hơn 100 tỉ USD tiền gửi, liệu First Republic có "rơi vào tình thế hiểm nghèo"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiều chuyên gia lo ngại rằng First Republic - ngân hàng lớn thứ 12 tại Mỹ sẽ là "mắt xích" tiếp theo bị đứt gãy trong hệ thống ngân hàng.
Lượng tiền gửi "chảy ra" của First Republic là “chưa từng có tiền lệ”
Lượng tiền gửi "chảy ra" của First Republic là “chưa từng có tiền lệ”

41% tiền gửi "bay hơi"

Ngày 24/4, First Republic - một ngân hàng hoạt động rất thành công trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tài chính các nhân và quản lý tài sản dành cho những khách hàng giàu có sinh sống ở các vùng đô thị ven biển của Mỹ cho biết, khách hàng đã rút hơn 100 tỷ USD tiền gửi từ nhà băng này trong tháng 3. Ngay lập tức, cổ phiếu của First Republic "rơi" tới hơn 20%.

Nếu tính trong quý I/2023, số tiền gửi tại ngân hàng này đã sụt gần 73 tỉ USD, tương đương 41%. Nguyên nhân của tình trạng rút tiền hàng loạt này được cho là do tâm lý lo ngại của khách hàng sau khi chứng kiến cuộc khủng hoảng khiến 3 ngân hàng của Mỹ sụp đổ.

First Republic cho hay tổng lượng tiền gửi của họ vào thời điểm kết thúc quý đầu tiên của năm 2023 là 104,5 tỉ USD, trong đó bao gồm cả khoản "phao cứu sinh" 30 tỉ USD - đó là tiền gửi mà họ nhận được từ các ngân hàng lớn trong tháng trước gửi vào để củng cố niềm tin đang bị lung lay của nhà băng này.

“Họ đã mất khoảng 100 tỉ USD tiền gửi nếu trừ đi khoản tiền cứu trợ 30 tỉ USD nhận được từ các ngân hàng lớn đó,” Eric Compton, chuyên gia phân tích đến từ hãng Morningstar, nhận định. “Đó là con số khổng lồ.”

Lượng tiền gửi "chảy ra" của First Republic là “chưa từng có tiền lệ”, Neal Holland, giám đốc tài chính của ngân hàng này, thừa nhận. Tuy nhiên, ngân hàng này cho biết tình trạng rút tiền đã bắt đầu giảm và họ đang thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình, trong đó bao gồm cắt giảm khoảng 20-25% nhân lực trong quý hai.

Đây là một diễn biến làm thay đổi hoàn toàn bức tranh tổng thể về First Republic.

Mọi thứ bắt đầu diễn ra trong tháng 3, sau khi cú sập của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) khiến cho giá các cổ phiếu của các ngân hàng trong khu vực bị ảnh hưởng và gây nên tâm lý hoang mang cho khách hàng, khiến họ đi rút tiền ở những ngân hàng khác.

First Republic không liên quan gì tới trường hợp của SVB, theo Compton, tuy nhiên họ vẫn bị vướng vào khủng hoảng và giá cổ phiếu còn lâu mới có thể hồi phục. Kết thúc phiên đầu tuần, giá cổ phiếu của ngân hàng này giảm tới 87% tính từ đầu năm.

Tính đến quý 4 năm 2022, tổng lượng tiền gửi ở First Republic là 176,4 tỉ USD, và là ngân hàng lớn thứ 12 ở Mỹ. Nhưng sau quý đầu của năm 2023, First Republic báo cáo thu nhập ròng chỉ 269 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của họ đạt 1,2 tỉ USD, giảm 13,4%.

Ngân hàng này được nhận định sẽ tiếp tục có một khoảng thời gian khó khăn trong quý 2, theo Compton. “Tôi không nhìn thấy được cách mà họ sẽ thu về lợi nhuận trong quý 2.”

Tình thế hiểm nghèo

Lượng tiền gửi tại First Republic đã giảm gần 72 tỉ USD trong quý đầu 2023 (Ảnh: FactSet)

Lượng tiền gửi tại First Republic đã giảm gần 72 tỉ USD trong quý đầu 2023 (Ảnh: FactSet)

Theo First Republic, lượng tiền gửi mà họ nhận được từ các ngân hàng lớn của Mỹ đã giúp họ vượt qua sóng gió.

Khi số tiền gửi bị rút ra vượt quá lượng tiền mặt sẵn có, First Republic có thể tiếp cận các nguồn thanh khoản khác như Hệ thống ngân hàng cho vay nội bộ của liên bang (FHLB), nhưng đây lại là giải pháp tốn kém.

Ngân hàng cho biết, các khoản vay ngắn hạn đảm bảo từ Fed, chứng khoán được bán kèm theo thoả thuận mua lại, các khoản tạm ứng ngắn hạn và dài hạn từ FHLB tổng cộng là 106 tỉ USD. First Republic cũng cho hay họ có lựa chọn tiếp cận vốn bằng tiền tương đương 13,2 tỉ USD.

Tổng các khoản vay mượn đã đạt đỉnh vào ngày 15/3, ở mức 138,1 tỉ USD. Tổng lượng tiền gửi tính đến ngày 21/4 là 102,7 tỉ USD, giảm 17% so với thời điểm kết thúc quý đầu.

Phát biểu tại cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh của công ty, CEO Mike Roffler nhấn mạnh cơ sở tiền gửi của ngân hàng đã ổn định và giờ họ sẽ tập trung vào việc xây dựng lại nó. “Hãy tiếp tục tiến lên, lượng tiền gửi không được bảo đảm sẽ vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ hơn so với tổng lượng tiền gửi nếu so với trong quá khứ,” ông nói.

First Republic cũng áp dụng nhiều biện pháp để củng cố hoạt động kinh doanh. Trong tháng 2, các lãnh đạo "chóp bu" của họ đã lựa chọn giảm tiền thưởng hàng năm của họ xuống còn 0 trong cả năm 2023. Ngày 6/4, ban lãnh đạo của ngân hàng cũng tạm hoãn trả cổ tức bằng tiền mặt đối với các cổ đông.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, vẫn chưa rõ liệu những biện pháp như trên có thể cứu vãn được ngân hàng này hay không. “Làm thế nào có thể tăng trưởng được khi bạn sắp cắt giảm nhân lực tới 20-25%?”, Compton đặt câu hỏi.

Financial Times cho hay, biến động trong hàng ngũ lãnh đạo của First Republic vào năm ngoái đã khiến ngân hàng này rơi vào tình trạng thiếu người cầm quân giỏi giữa lúc lãi suất tăng nhanh. Điều này khiến First Republic hứng thua lỗ nặng ở danh mục đầu tư chứng khoán.

Cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh của First Republic chỉ kéo dài khoảng 12 phút, và giới lãnh đạo của ngân hàng này không tiếp nhận câu hỏi của các nhà phân tích.

Theo Barrons