Trong một bản tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin, hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, Bắc Cực và cơ sở hạ tầng – những vấn đề hiện đang là tâm điểm cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.
Bắc Kinh và Moscow cũng tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa họ, khi gia hạn hiệp ước hữu nghị 20 năm tuổi .
Bắc Kinh đã công bố sáng kiến an ninh dữ liệu của họ từ tháng 9/2020 để chống lại Chương trình Mạng Sạch của chính quyền Donald Trump vốn nhằm hạn chế các công ty công nghệ Trung Quốc – trong đó có Huawei Technologies – tiếp cận mạng 5G và các lĩnh vực khác của Mỹ và ít nhất 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có chung chí hướng.
Giới chức và các nhà ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi các nước tham gia sáng kiến của họ, và trong tháng 3 năm nay đã ký một thỏa thuận với Liên đoàn Các nước Arab để hợp tác về an ninh dữ liệu. Thỏa thuận với Nga được cho là bước đột phá mới nhất.
Artyom Lukin – Giáo sư đến từ trường ĐH liên bang Viễn Đông của Nga – cho hay vấn đề an ninh mạng đóng vai trò “khá lớn” đối với cả hai quốc gia.
Hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác đa phương về an ninh thông tin, và sẽ “tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng một hệ thống toàn cầu…dựa trên các nguyên tắc chống xung đột trong môi trường thông tin và khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin một cách hòa bình”.
Tuyên bố chung khẳng định rằng, Nga và Trung Quốc “cùng giữ một vị trí như nhau” – tức chính phủ hai nước cần phải tôn trọng chủ quyền của các nước khác về cách mà họ quản lý Internet.
Hai bên cũng nhất trí “tăng cường phối hợp” về việc sử dụng Tuyến đường biển phía Bắc, trải dài 5.600 km dọc đường bờ biển của Nga ở Bắc Cực “dựa trên cơ sở có lợi cho đôi bên và tôn trọng lợi ích của nhau”.
“Cũng không loại trừ rằng, Moscow đã nhất trí ủng hộ sáng kiến an ninh dữ liệu toàn cầu của Bắc Kinh để đổi lấy việc Trung Quốc công nhận những quyền đặc biệt của Nga với tư cách nhà nước duyên hải chính ở Bắc Cực” – ông Lukin nói.
Hiện các tuyến đường biển phương Bắc này ngày càng được các công ty Trung Quốc sử dụng nhiều hơn để vận chuyển hàng hóa và đầu tư cơ sở hạ tầng. Moscow tuyên bố rằng họ có quyền hạn chế tuyến đường biển này và đưa ra mức phí di chuyển, tuy nhiên bị Mỹ bác bỏ.
Li Lifan – chuyên gia về các vấn đề Nga đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Thượng Hải – nói rằng Bắc Kinh và Moscow đều đã rút được những bài học đau đớn từ những cuộc cạnh tranh công nghệ với nước Mỹ.
Công ty an ninh mạng và nhà cung cấp phần mềm diệt virus có trụ sở tại Moscow, Kaspersky Lab, là một ví dụ điển hình. Nó từng bị tất cả các cơ quan chính phủ Mỹ cấm đoán, sau nhiều năm cáo buộc rằng nó là công cụ của cơ quan tình báo Nga – một cáo buộc mà Kaspersky đã bác bỏ.
“Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc và Nga cần phải đứng ra và chung tay trong lĩnh vực số” – ông Li nói.
Trung Quốc và Nga hiện đã thắt chặt hợp tác trong nhiều lĩnh vực truyền thống – như thương mại, đầu tư, năng lượng, quân sự và không gian – để bình ổn lại nền tảng của sự hợp tác giữa đôi bên, cùng lúc khám phá thêm những cơ hội trong nhiều lĩnh vực khác như 5G, Big Data, biến đổi khí hậu và y tế.
Trong khi Bắc Kinh mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác ở các lĩnh vực đang lên, thì các nhà quan sát cho rằng các vấn đề địa-chính trị truyền thống Á-Âu vẫn là ưu tiên hàng đầu của Nga.