Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng cuộc tập trận nhằm mục đích phô diễn khả năng phòng không của Hải quân Nga, sau khi soái hạm Moskva của họ bị chìm trên Biển Đen. Cuộc tập trận diễn ra sau các cuộc tập trận quân sự rầm rộ mà Nga thực hiện trên các đảo tranh chấp gần Nhật Bản và giữa lúc căng thẳng giữa hai nước sau khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine.
Trong cuộc tập trận trên biển Hoa Đông, các thủy thủ trên tàu chống ngầm Admiral Panteleyev, thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, có nhiệm vụ bảo vệ một tàu chở dầu tầm trung khỏi một các cuộc không kích của kẻ thù; theo hãng thông tấn Sputnik. Các thủy thủ phát hiện và đánh chặn mục tiêu điện tử trên không của kẻ địch, theo báo cáo.
Tàu Admiral Panteleyev là tàu khu trục lớp Udalov của Nga, mà trước đó đã rời khỏi Vladivostok cùng với con tàu chở dầu để tham gia các nhiệm vụ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo báo cáo. Tàu được huấn luyện cùng một trực thăng Ka-27PS trên biển Hoa Đông trong tháng trước.
Li Jie, chuyên gia phân tích hải quân tại Bắc Kinh, nói rằng cuộc tập trận trên biển Hoa Đông của Nga nhằm tăng cường khả năng đối phó với viễn cảnh phương Tây chặn các tàu chở dầu của họ.
Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng các tàu chở dầu của Nga đã tắt tín hiệu radio nhằm tránh bị phát hiện, giữa lúc phương Tây đang muốn giảm lượng dầu khí xuất khẩu của Nga, sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Hãng theo dõi tàu Windward đưa tin rằng các tàu chở dầu của Nga ngày càng có xu hướng tắt tín hiệu, điều này diễn ra trùng thời điểm mà các hãng vận chuyển và công ty dầu khí lớn từ chối tiếp nhận dầu và khí đốt của Nga.
“Dưới các đòn trừng phạt của phương Tây, Nga lo ngại rằng các tàu chở dầu của họ có thể bị bắt giữ” – ông Li nói – “Các chiến hạm hộ tống có thể bảo vệ những tàu chở dầu này bằng cách phát hiện và đánh chặn các mục tiêu trên không kịp lúc.”
Nga cũng cảnh báo các nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ và Nhật Bản, rằng họ có khả năng phòng không tối tân và sẽ còn cải thiện thông qua quá trình huấn luyện thường xuyên, mặc dù vụ chìm tàu Moskva cho thấy nhiều lỗ hổng trong hệ thống quốc phòng của Nga, ông Li nói.
Nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc tập trận này là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm tăng cường các hoạt động quân sự gần Biển Nhật Bản. Cuộc tập trận diễn ra ở khu vực bao gồm các đảo mà Nga quản lý nhưng Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.
Tuần trước, 2 tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã phóng các tên lửa hành trình Kalibr ra Biển Nhật Bản trong một cuộc tập trận. Đây dường như là lời cảnh báo gửi tới Nhật Bản và Mỹ - hai nước cũng đang tham gia tập trận chung gần đó.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu