Nga rút gần 2 tỷ USD từ dự trữ để đối phó khủng hoảng

VietTimes -- Chính phủ Nga dự định đề xuất Tổng thống Putin cho phép rút 130 tỷ rúp (khoảng 1,75 tỷ USD) để chi vào hoạt động đối phó khủng hoảng từ vốn dự trữ Tổng thống, được hình thành nhờ biện pháp đóng băng các tích lũy hưu trí năm 2016, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov
Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov

"Chúng tôi đã dự tính, căn cứ với ngân sách, sử dụng 342 tỷ rúp theo ủy nhiệm của tổng thống. Nhìn chung, chính phủ Liên bang Nga đã được xác định tới 250 tỷ rúp dùng vào nhiệm vụ chống khủng hoảng. Để tài trợ số tiền này, chúng tôi sẽ phải đề xuất Tổng thống cho phép sử dụng một phần dữ trữ, khoảng 130 tỷ rúp. Chúng tôi sẽ thực hiện yêu cầu như vậy với Tổng thống", ông Siluanov nói.

Chính phủ Nga đã dự tính trong ngân sách năm 2016 khoản dự phòng 342,2 tỷ rúp, có được nhờ biện pháp gia hạn đóng băng tiền tích lũy hưu trí năm 2016. Số tiền này có thể chi cho việc thực hiện một số quyết định của Tổng thống và Thủ tướng.

Theo Bloomberg, ngay trong tháng đầu tiên của năm, đồng Rúp đã rớt giá xuống mức thấp kỷ lục khi giá dầu giảm 11% từ hôm 1/1 về vùng 30 USD/thùng. Với một nửa nguồn thu ngân sách từ dầu khí, Chính phủ Nga đang loay hoay với khoản thâm hụt ngân sách 1,5 nghìn tỷ Rúp, tương đương 19,2 tỷ USD.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga sẽ suy giảm 1% trong năm nay, sau khi giảm 3,7% trong năm 2015. Tình hình hiện nay đang tạo ra “một bầu không khí cực kỳ lo ngại” - Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev nói với Tổng thống Vladimir Putin trong một cuộc họp cách đây ít ngày - điện Kremlin cho biết.

Tuy u ám, những con số thống kê có thể vẫn chưa phản ánh đầy đủ triển vọng xấu của một nền kinh tế mà mới chỉ cách đây vài năm còn đang ở trong thời kỳ hưng thịnh. Các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp, bao gồm một số người có quan hệ thân thiết với điện Kremlin, đã cảnh báo rằng Nga đang đối mặt với tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài và sức cạnh tranh suy giảm.

Tình hình sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định của Nga xấu đi trong tháng 12, cho dù Tổng thống Putin hôm 17/12 tuyên bố giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã đi qua. Giá dầu thì chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm hồi phục.

Phát biểu hôm 20/1 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin, một cố vấn của Putin, nói cho dù việc cải cách khiến dân chúng Nga gặp khó khăn, thì nguy cơ xảy ra bất ổn xã hội trước mắt là không có. “Chúng tôi có thời gian dự trữ là 2 năm mà trong đó tâm lý của xã hội sẽ ổn định”, ông Kudrin nói.

Tuy vậy, chính phủ Nga hiện không có khả năng thực hiện các vụ đầu tư lớn. Hiện Moscow đã rút một phần không nhỏ dự trữ ngoại hối để bù đắp cho thâm hụt ngân sách. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 13/1 nói đầu tư cho hầu hết các chương trình phải bị cắt giảm 10% để giải quyết tình trạng thâm hụt.

Theo Sputnik/Bloomberg