Nga ra đòn Syria "vượt mặt" Mỹ-NATO

VietTimes -- Sự hiện diện quân sự được duy trì và ngày càng gia tăng của Nga ở Trung Đông sẽ có một số tác động. Nó sẽ làm thay đổi sự cân bằng ở Trung Đông, bấy lâu nay vốn nghiêng về phía phương Tây, hạn chế khả năng hoạt động và mở cửa cho các đồng minh mới không phải phương Tây. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mỹ và Nga có những giới hạn nhất định về huy động quân sự và triển khai sức mạnh ở Trung Đông được định hình bởi các cuộc chiến tranh và đồng minh của các nước này trong khu vực. Tuy nhiên, các cuộc xung đột đang diễn ra quanh khu vực đã mở cánh cửa cho các nước tái sắp đặt lại ván bài.

Mỹ từ lâu đã xây dựng một mạng lưới các căn cứ quân sự, cũng như các khả năng vận hành rộng khắp Trung Đông và đã tăng cường sự hiện diện quân sự để đối phó với sự đe dọa từ IS. Mối quan hệ đối tác thân cận với Israel, Ả Rập Xê-út và nhiều nước khác đã cho phép Mỹ mở rộng tầm với quân sự ra xa đường biên giới và chủ động định hình môi trường.

Quân đội Mỹ có thể nhanh chóng đối phó bất kỳ sự kiện nào ở bất kỳ đâu ở Trung Đông, thông qua các căn cứ quân sự của Mỹ, các hệ thống vũ khí, sự diện diện hải quân hoặc sử dụng các căn cứ quân sự của nước sở tại. Khả năng này là biểu hiện cho việc triển khai sức mạnh của Mỹ kể từ khi kết thúc Thế chiến II và đã giúp Mỹ định hình kết quả của các cuộc xung đột trong khu vực.

Ngược lại, hoạt động của Nga ở Trung Đông từ lâu đã bị hạn chế kể từ cuộc chiến của Liên Xô Afganistan từ những năm 1980. Nga chủ yếu có quan hệ đối tác thân cận với các nước láng giềng, điều này khiến nước này bị hạn chế trong việc triển khai sức mạnh. Tuy nhiên, Nga đang tận dụng lợi thế chuyển dịch đồng minh kể từ cuộc nội chiến Syria để mở rộng sự tiếp cận quân sự và Nga vẫn chờ xem liệu ông Trump có mở cửa mạnh hơn bằng việc giảm thiểu các hoạt động của Mỹ hay không.

Sự chuyển dịch trong khu vực

Cuộc nội chiến Syria đã tạo ra hiệu ứng, khiến nguyên trạng của các đồng minh trong khu vực rơi vào nguy hiểm. Vì nhóm khủng bố IS lấy được đà tiến quân và đưa nhiều nước hơn vào vòng nguy hiểm, các nước này đã trở nên sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nước nào có thể đại diện cho họ ngăn chặn IS và bảo vệ lợi ích của họ.

Hơn nữa, các nước này đã trở thành các tuyến đường tiếp cận chính cho một loạt các nước tiến hành các hoạt động ở Syria, khiến cuộc tranh giành đối tác ở đây trở nên căng thẳng hơn. Những khu vực quan trọng của cả khu vực vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng của Mỹ, nhưng Nga đang nhanh chóng bước chân vào khu vực.

Binh sĩ Nga làm nhiệm vụ ở thành phố Aleppo vừa được giải phóng
Binh sĩ Nga làm nhiệm vụ ở thành phố Aleppo vừa được giải phóng
Lắp vũ khí cho chiến đấu cơ tham chiến tại Syria
Lắp vũ khí cho chiến đấu cơ tham chiến tại Syria
Cường kích Su-34 làm nhiệm vụ tại chiến trường Syria hạ cánh sau khi hoàn thành nhiệm vụ
Cường kích Su-34 làm nhiệm vụ tại chiến trường Syria hạ cánh sau khi hoàn thành nhiệm vụ

Đầu năm nay, Iran đã tạm thời cấp cho Nga quyền sử dụng căn cứ không quân Hamadan, tạo tiền lệ cho các hiệp định có tiềm năng cao trong tương lai. Cùng lúc đó, Yemen cũng cho thấy nước này sẵn sàng cho Nga sử dụng các căn cứ quân sự để đáp trả lại các bất ổn chính trị trong nước, cũng như tạo cho Nga một lựa chọn triển khai sức mạnh mới. Sự can thiệp của Ả Rập Xê-út vào Yemen với sự hậu thuẫn quân sự của Mỹ đã tạo thêm sức ép khi các hoạt động quân sự của Mỹ và Nga ngày càng chồng chéo.

Dù cho Iran và Yemen đang mở cửa và mời gọi Nga sử dụng các căn cứ, hai nước này vẫn không thể đại diện cho sự thay đổi lớn trong cân bằng sức mạnh quân sự trong khu vực và có lẽ chỉ là hành vi tạm thời. Iran cũng đã thể hiện sự không hài lòng với cách mà Nga xử lý hiệp định, còn căn cứ quân sự mà Yemen đưa ra cũng không mấy hấp dẫn với Nga vì những bất ổn hiện tại của Yemen. Tuy nhiên còn một nhân tố khác trong cuộc chơi có thể thay đổi sự cân bằng quân sự trong khu vực một cách đáng kể, đó là Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ giữa Đông và Tây

Thổ Nhĩ Kỳ là một điểm xoay trục về mặt địa lý, vì nước này nằm ở giao điểm giữa châu Âu và châu Á và kiểm soát đường giao thông giữa Địa Trung Hải và Biển Đen. Thổ còn là đồng minh truyền thống của phương Tây kể từ khi gia nhập NATO những năm 1950, quan hệ đối tác này chủ yếu là do Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động như một rào chắn chống lại Nga và khối XHCN trước đây. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay còn là lối tiếp cận quan trọng đến Syria và Iraq, cùng với nhiều căn cứ quân sự trên khắp cả nước và các nước phương Tây phải lệ thuộc vào sự hỗ trợ của Thổ trong cuộc chiến chống IS.

Tuy nhiên quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây lại đang dần bị hủy hoại trong những năm gần đây dưới sức nặng của bốn yếu tố gây căng thẳng chính.

Đầu tiên, EU đã rất miễn cưỡng xem xét đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào hàng ngũ của mình với nhiều lý do từ sự phát triển kinh tế chưa đạt yêu cầu, vi phạm nhân quyền hay các vi phạm trong lịch sử. Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên nộp đơn xin gia nhập EU năm 1987 và quá trình gia nhập chậm chạp này được cho là một sự sỉ nhục chính trị, bên cạnh việc đánh mất các lợi ích tiềm năng với tư cách một nước thành viên.

Thứ hai, việc phương Tây ủng hộ cho lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống IS là một cái gai trong mắt Ankara vì những xô xát giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.

Thứ ba, Tổng thống Erdogan đã thể hiện sự bất mãn với cách mà phương Tây phản ứng với cuộc đảo chính ở nước này. Dù các nước phương Tây cuối cùng lên tiếng phản đối việc thay đổi quyền lực bằng cách sử dụng quân đội, Mỹ và phương Tây vẫn không giao nộp Fethullah Gullen, kẻ được cho là chủ mưu trong cuộc đảo chính. Những điều này khiến quạn hệ của Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây không được cải thiện.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã thay đổi thái độ với Nga sau vụ đảo chính hụt nhằm lật đổ ông
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã thay đổi thái độ với Nga sau vụ đảo chính hụt nhằm lật đổ ông

 Cuối cùng, các chính sách ngày càng độc tài của ông Erdogan đã báo động nguy hiểm tới các nước dân chủ, những nước coi việc ông Erdogan giới hạn phát biểu tự do và các lệnh cấm khác là không phù hợp với các giá trị của họ.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có những khác biệt và mâu thuẫn nhất định (sự kiện Thổ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga năm 2015 đã gây ra các lệnh cấm vận kinh tế và căng thẳng chính trị giữa hai nước), cả hai nước đều hợp tác để cải thiện quan hệ trong năm vừa qua. Nga coi Thổ không chỉ là căn cứ chiến lược mà còn là điểm tạo đà để đối phó NATO. Ông Putin đã nhanh chóng giúp đỡ ông Erdogan sau nỗ lực đảo chính và tuyên bố hai lãnh đạo sẽ gặp mặt trực tiếp trong tháng tới. Ngay sau đó, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ công khai tuyên bố Nga có thể sử dụng căn cứ không quân Incirlik để triển khai các hoạt động ở Syria nếu cần thiết.

Tuy nhiên, không chắc rằng liệu Thổ Nhĩ Kỳ có rời khỏi NATO và chuyển phe hoàn toàn sang phía Nga trong ván bài này không. Nhưng không phải là không hợp lý khi nghĩ rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho phép Nga thực hiện các hoạt động trên căn cứ không quân của Thổ và quan hệ này sẽ duy trì dù cho cuộc nội chiến Syria có kết thúc, vì Thổ  Nhĩ Kỳ cung cấp một địa điểm quân sự mà Nga trước đây không có.

Dù cho Nga chưa sử dụng hợp lý căn cứ không quân Hamadan của Iran, việc này vẫn tạo tiền lệ và có thể lặp lại trong tương lai, và dù cho Yemen hiện vẫn không ổn định, đây vẫn là một sự thay thế khác cho Mátxcơva. Những sự kiện này cho thấy một chuyển dịch lớn trong sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Trong ngắn hạn, việc Nga tái định vị lại ảnh hưởng trong khu vực sẽ tạo thêm áp lực cho IS, nhưng điều này cũng sẽ cung cấp sự hậu thuẫn chắc chắn hơn cho quân đội chính phủ Syria. Nga hiện có nhiều cơ hội hơn trong việc ảnh hưởng đến tương lai của Syria, dù là bằng cách giữ cho ông Assad tại vị hay chọn một lãnh đạo thân Nga tương tự để thay thế ông Assad. Trong khi đó, phương Tây đang nhanh chóng mất đi động lực. Sự chuyển dịch này có thể khuyến khích các nước khác mở rộng vòng tay sang Nga, bất chấp những hợp tác với phương Tây.

 Ngoài ra, cả hai nước đều tiếp tục hoạt động với cường độ cao trong khu vực, làm tăng nguy cơ tính toán sai, dẫn đến xung đột giữa Nga và Mỹ. Trong khi ông Trump có thể sẽ giảm căng thẳng giữa hai nước, cũng có thể Nga sẽ chớp lấy cơ hội này để chiếm được nhiều vùng ảnh hưởng hơn khi sự đối lập đang giảm dần.

Về lâu dài, sự hiện diện quân sự được duy trì và ngày càng gia tăng của Nga ở Trung Đông sẽ có một số tác động. Nó sẽ làm thay đổi sự cân bằng ở Trung Đông, bấy lâu nay vốn nghiêng về phía phương Tây, hạn chế khả năng hoạt động và mở cửa cho các đồng minh mới không phải phương Tây. Mối quan hệ đối tác quân sự thân cận hơn giữa Iran và Nga sẽ tăng cường sức mạnh của Iran trong khu vực, tăng căng thẳng với Ả Rập Xê-út, cũng như là giữa Nga với Mỹ, đối tác quân sự quan trọng nhất của Ả Rập.

Mối quan hệ hòa dịu giữa Nga và Thổ có thể sẽ khiến NATO rạn nứt, khiến liên minh này khó hành động trên một mặt trận thống nhất trong trường hợp Nga ra đòn. Điều này có thể sẽ kích động Nga hành động mạnh tay hơn ở các khu vực như vùng Baltic, tạo ra nhiều căng thẳng cho NATO. Nga hiện ở vị trí tạo ra một quy chuẩn mới cho cân bằng quyền lực ở Trung Đông, làm lung lay các quan hệ đối tác và các quy chuẩn truyền thống để tạo ra một nguyên trạng mới tập trung vào Nga nhiều hơn.

Phương Tây đang ngày càng bị thúc đẩy về phía dù làm gì cũng sẽ bị lên án. Trong khi các nước phương Tây đang cố gắng hạn chế ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông, họ cũng đang ngày càng phụ thuộc vào hoạt động quân sự của Nga để đẩy lùi IS và tái thiết lập sự ổn định trong khu vực. Cuối cùng phương Tây phải thừa nhận rằng cuộc xung đột này mở cửa cho sự tái sắp xếp lại quyền lực mới và đồng minh trong khu vực, và Nga sẽ vẫn tiếp tục nghiêng cán cân cân sức mạnh quân sự có lợi cho mình.

* Tác giả Schuyler Moore là một nhà phân tích tại một cơ quan tư vấn không gian và quốc phòng ở Arlington, Mỹ và từng làm việc với Đại học quốc phòng quốc gia Mỹ tại Washington.