Ngày 24.3.1967, Bộ Quốc phòng Việt Nam ra quyết định thành lập sư đoàn không quân 371 bao gồm các trung đoàn 921, 923 và 919. Tiếp theo sư đoàn không quân đầu tiên này là sư đoàn không quân 372, thành lập ngày 15.9.1975 trong biên chế là các trung đoàn không quân 937, 918 và 917, tiếp theo là sư đoàn không quân 370 ngày 30.10.1975 với trung đoàn không quân tiêm kích 925, trung đoàn không quân hỗn hợp 917 và trung đoàn không quân các máy bay K2 (máy bay của Mỹ trước đây).
Ngày 31.3.1977, lực lượng Phòng không – Không quân được phân tách thành hai quân chủng riêng biệt. Nhưng đến ngày 3.4. 999, hai quân chủng đã hợp nhất trở thành Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ)như ngày nay.
Tuyển chọn phi công và đào tạo
Việt Nam duy trì chế độ nghĩa vụ quân sự, mỗi năm có khoảng 3.000 tân binh được nhận phục vụ trong lực lượng không quân, trong đó chỉ có 150 người được tham gia dự tuyển vào Trường sĩ quan không quân bậc đại học và chỉ 1/3 trong số này vượt qua những kỳ thi gắt gao về trình độ và thể chất để trở thành một phi công phản lực trong tương lai.
Phi công tiêm kích Việt Nam. |
Quá trình huấn luyện và đào tạo phi công tiêm kích kéo dài 5 năm. Hai năm đầu tiên, các học viên được học về các môn học đại cương, các môn học ngành và chuyên ngành. Ba năm tiếp theo các phi công học bay thực tế và rèn luyện các kỹ thuật, kỹ năng của người phi công trên các loại máy bay có trong biên chế. Trong cơ sở vật chất huấn luyện của trung đoàn bay huấn luyện 920 mang tên Cam Ranh có 18 máy bay huấn luyện Yak-52 và 10 máy bay Yak – 52 được chế tạo từ hãng máy bay Aerostar S.A Rumani, được tặng vào năm 2009. Trên các máy bay này, các học viên phi công bắt đầu học những bài bay cơ bản đầu tiên.
Sau khi tốt nghiệp khóa học bay thứ nhất, các phi công tương lai được chuyển đến căn cứ không quân Đông Tác, nơi có trường bay và trung đoàn không quân huấn luyện 910 “Julius Fucik”, trong biên chế học tập của trung đoàn có 23 máy bay huấn luyện chiến đấu L-39, trên các máy bay này, các học viên phi công học chuyên sâu về máy bay chiến đấu. Các máy bay huấn luyện được nhập về thành ba đợt. Đợt 1 vào năm 1984, không quân Việt Nam nhận 24 chiếc L-39C, vào năm 2002-2003, tiếp nhận thêm 10 chiếc máy bay huấn luyện chiến đấu, đến năm 2008, không đoàn lại tiếp nhân thêm 4 chiếc L-39C đã sẵn sàng cất cánh.
Như vậy, số lượng máy bay huấn luyện bay chiến đấu ở Việt Nam là 38 chiếc. Vào năm 2011 theo các phương tiện thông tin đại chúng, công ty Aero Vodochody nhân được hợp đồng sửa chữa lớn và phục hồi hai chiếc L-39C đồng thời cung cấp trang thiết bị, phụ tùng thay thế cho toàn bộ số máy bay còn lại.
Máy bay huấn luyện L- 39 của không quân nhân dân Việt Nam. |
Khi các học viên phi công đã trải qua giai đoạn huấn luyện ban đầu (vượt rào) các nhóm phi công sẽ được chia theo chuyên ngành chiến đấu. Các phi công lái máy bay chiến đấu sẽ tiếp tục theo chương trình bay tại căn cứ. Các phi công chuyển loại sang lái máy bay trực thăng hoặc máy bay vận tải sẽ được huấn luyện lái Bell UH-1H Iroquois 917 thuộc trung đoàn huấn luyện không quân “Đồng Tháp”, hiện đang đóng quân ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hay trên máy bay vận tải An – 2, nằm trong biên chế của trung đoàn không vận số 918 “Hồng Hà” căn cứ tại sân bay Gia Lâm.
Trung đoàn có 8 máy bay vận tải An – 2 thiết kế mới, được nhập về từ năm 2004, nhà sản xuất là tập đoàn chế tạo máy bay PZL Mielec. Cũng trên căn cứ này có 15 chiếc máy bay Аn-26 (số còn lại của 50 chiếc máy bay đã nhập khẩu vào những năm 1981-1984) và một máy bay không quân hải quân PZL Mielec M-28B Bryza 1R. Hai máy bay loại này đã được nhập khẩu vào năm 2005, nhưng một chiếc bị mất do tai nạn hàng không. Ngoài ra căn cứ còn được bổ sung thêm 3 máy bay CASA C212-400 của cảnh sát biển Việt Nam, được nhập về từ tháng 8.2011 đến 2012.
Máy bay tuần biển PZL Mielec M-28B Bryza 1R. |
Tác chiến không-biển kiểu Việt Nam
Lực lượng Không quân Việt Nam có vị trí vai trò và nhiệm vụ bảo vệ vùng trời vùng biển thuộc chủ quyền đất nước. Trên thực tế biên chế tổ chức trang bị, quân đội nhân dân Việt Nam và quân chủng hải quân không có lực lượng tấn công chủ lực bảo vệ biển đảo, đất liền và bờ biển. Những nhiệm vụ tấn công chủ lực cho đến thời điểm này hoàn toàn thuộc về lực lượng Không quân tiêm kích ném bom. Ngoài ra, theo yêu cầu nhiệm vụ và biên chế tổ chức của quân chủng PK-KQ, nhiệm vụ tác chiến đường không tầm xa bảo vệ bầu trời cũng như các nhiệm vụ quản lý bầu trời cũng nằm trong chức năng nhiệm vụ của lực lượng không quân.
Yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng không quân Việt Nam trong giai đoạn mới rất nặng nề. Và đặc biệt quan trọng trong điều kiện phát triển kinh tế hải dương và bảo về chủ quyền trong khi tranh chấp đang nóng trên Biển Đông, những dấu hiệu về nguy cơ mất an ninh quốc tế và an ninh khu vực Đông Nam Á vẫn còn hiện hữu dưới nhiều hình thức khác nhau, mà nổi bật lên ở Khu vực Đông Nam Á là nguy cơ cướp biển và nguy cơ khủng bố quốc tế.
Điều này đòi hỏi các lĩnh vực như Không quân tiêm kích và cường kích, không quân vận tải - đổ bộ đường không, không quân trực thăng – đặc biệt là trực thăng hải quân đều cần có sự phát triển cả về phương tiện hoạt động cũng như số lượng phi công. Đi kèm theo đó là các cơ sở hậu cần kỹ thuật và nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ ứng dụng.
Phi đội Su-30MK2 của Việt Nam bay tuần biển tại quần đảo Trường Sa. |
Do điều kiện tài chính còn hạn chế, nên nguồn lực cho Không quân Việt Nam phải được phân chia khá ngặt nghèo và thận trọng. Đồng thời công tác quản lý phương tiện bay cũng vẫn duy trì ở chế độ bảo mật và luân chuyển. Những số liệu chính xác về số lượng các máy bay của lực lượng và vị trí đóng quân hoàn toàn không được công bố, các máy bay không được mang ký hiệu của đơn vị trên thân, do đó để biết rõ được tình hình biên chế các phương tiện đường không và cơ cấu tổ chức của không quân Việt Nam thực sự rất khó. Các đối thủ tiềm năng chỉ có thể dựa trên những thông tin tình báo và không ảnh để ước đoán được số lượng sẵn sàng chiến đấu tại thời điểm nhất định.
Đây là phương hướng quản lý của lực lượng Không quân dựa trên cơ sở các kinh nghiệm tác chiến đường không có được từ chiến tranh chống Mỹ, bằng giải pháp này. Không quân Việt Nam dù số lượng rất ít nếu so với lực lượng không quân và KQHQ Mỹ, nhưng do cách điều chuyển lực lượng linh hoạt, nêu ở những khu vực chiến trường cần tập trung lực lượng, vẫn có thể tạo ra sức ép mà đối phương không lợi dụng thời điểm để công kích các khu vực đã giảm thiểu binh lực.
Hiện nay, Việt Nam xác định nguy cơ an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ nằm từ hướng Biển Đông, đặc biệt trong các khu vực đảo và quần đảo đang có tranh chấp chủ quyền. Bằng các biện pháp khác nhau, không quân Việt Nam đang nỗ lực vô hiệu hóa những nguy cơ đến từ phía biển. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vẫn là kiểm soát chặt chẽ không gian biển và trên biển, xác định những khả năng tiềm ẩn có thể xảy ra xung đột, phát hiện nguy cơ xung đột và có giải pháp ngăn chặn, phản ứng kịp thời. Nhưng trong tương lai không xa, Không quân Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu thực tế của tác chiến không biển hiện đại theo những đặc điểm đặc thù của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và nghệ thuật quân sự truyền thống của Việt Nam.
Trên không gian biển hiện nay, lực lượng công kích chủ lực đường không là các máy bay tiêm kích ném bom Su-22, được biên chế và lắp đặt các tên lửa chống hạm và các mục tiêu mặt đất khác nhau Kh – 25, thời gian có mặt trong biên chế đã hơn 30 năm và có nhiều hạn chế về tầm bắn cũng như tính năng kỹ thuật của đầu đạn tự dẫn laser bán chủ động. Để tăng cường khả năng tác chiến tầm xa, Không quân Việt Nam có xu hướng nhập khẩu các máy bay chiến đấu hiện đại đa nhiệm tiêm kích – tên lửa như Su –27 và Su–30 MK, có thể mang tên lửa Kh–29 và Kh-31, Kh–35.
Thực tế tác chiến không-biển trong giới hạn học thuyết quân sự cấp chiến dịch – chiến thuật là phòng thủ đất nước, Không quân Việt Nam không có xu hướng nhập khẩu các loại phương tiện bay hiện đại hơn Su-30MK do không cần phải tác chiến trên tầm đại dương. Khoảng cách đến các mục tiêu cần bảo vệ của Không quân được giới hạn dưới 1.000 km, do điều kiện số lượng máy bay thường ít hơn đối phương, sân bay ở đất liền và cũng gần hơn, có thể có nhiều sân bay dã chiến trên một vòng cung bờ biển, phương thức tác chiến thông thường là tấn công bất ngờ, thoát ly chiến trường nhanh và liên tục thay đổi hướng tấn công và cất cánh, không quân Việt Nam cần những phương tiện bay có giá thành rẻ hơn như Su–27, Su–30MK2 nhằm tạo ưu thế chủ động trên không bằng các sân bay mặt đất.
MiG 21 của Việt Nam. |
Cho đến hiện nay, lực lượng không quân tiêm kích vẫn sử dụng các loại máy bay tiêm kích MiG 21F đã có từ thời chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam, có một số dự án nâng cấp và cải tiến nhằm duy trì và nâng cao khả năng sử dụng của loại máy bay này. Nhưng do những tính năng kỹ chiến thuật của MiG- 21F đã thua sút các loại tiêm kích hiện đại ngày nay, phương án khai thác sử dụng khả năng sẽ chuyển hướng sang tấn công các mục tiêu bay thấp, máy bay không người lái và mang tên lửa chống hạm Kh- 31 theo mô hình nâng cấp của Ấn Độ MiG -21-93.
Su-22UМ3/М4 của Không quân Việt Nam. |
Tích hợp và cảnh báo sớm
Nhằm phối hợp tốt với các lực lượng phòng không và bảo vệ bờ biển, Không quân Việt Nam cũng tăng cường các loại máy bay tuần biển và chống ngầm, các phương tiện thông tin đại chúng về xuất nhập khẩu vũ khí cũng thông báo nhiều định hướng mua sắm các loại máy bay khác nhau của Việt Nam.
Hệ thống kiểm soát, tình báo và cảnh báo sớm trên không của Việt Nam là một hệ thống các đài radar kiểm soát không phận. Bộ tham mưu lực lượng Không quân Việt Nam kiểm soát một hệ thống quản lý tích hợp phòng không, được chia thành nhiều tuyến phòng ngự, các thê đội và các quân khu, cơ sở hạ tầng căn bản của hệ thống này là hơn 80 đài radars các chủng loại khác nhau, 24 đài radar là loại P-18, lắp đặt trên thân xe Ural, có tính năng cơ động và khả năng chia xẻ thông tin thông qua hệ thống quản lý, điều khiển thông tin trung tâm của bộ tham mưu không quân, có nhiều nguồn thông tin cho biết, Việt Nam sẽ tăng cường thêm khoảng 20 đài radar cơ động cao Vostoc – E.
Trong điều kiện thời bình các đài radar hoạt động ở chế độ hạn chế, phân bổ theo từng khu vực và trong khu vực căn cứ không quân hoặc ở chế độ niêm cất, nhưng các đài radar đều được kết nối thông tin với các lực lượng phòng không mặt đất, đó là các sư đoàn tên lửa – pháo phòng không các cỡ nòng, hiện nay theo các thông tin không chính xác, Việt Nam có khoảng 3200 tên lửa các loại từ Strela – 2, S-75 Dvina, S-125 Pechora đến S-300PMU-1 với hàng ngàn súng pháo phòng không các cỡ nòng.
Để tích hợp với hệ thống phòng không trên đất liền và bờ biển, đồng thời quản lý tốt vùng trời. Năm 2008 Việt Nam đã thành lập Lực lượng phòng thủ bờ biển và lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, trong biên chế đường không của Cảnh sát biển có các máy bay tuần biển loại CASA C212-400. Ngoài ra, còn được trang bị phối thuộc các máy bay trực thăng trên biển nhằm mục đích cứu hộ, yểm trợ và trinh sát chống ngầm EC-225S và Ka – 27, 31.
Máy bay C212-400. |
'Tiến thẳng lên hiện đại'
Trong giai đoạn mới, cùng với sự phát triển của nền kinh tế hải dương trên Biển Đông, lực lượng không quân Việt Nam có định hướng trên một tầm cao mới và là một trong các quân binh chủng được ưu tiên 'tiến thẳng lên hiện đại'. Bộ tư lệnh Không quân mong muốn có được khả năng quản lý toàn bộ không phận. hải phận và đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Sự thay đổi tình hình kinh tế, chính trị trên trường thế giới, sự phát triển các lực lượng chiến đấu hiện đại như Hải quân, hải quân đánh bộ, đặc nhiệm đổ bộ đường không đòi hỏi Không quân phải có bước phát triển tích cực. Các binh chủng như Không quân tiêm kích ném bom, không quân tiêm kích, không quân vận tải và đổ bộ đường không, chỉ huy trên không, tình báo, trinh sát và cảnh báo sớm, trực thăng chiến đấu ….đều đang có những nhu cầu cấp thiết phải tăng cường phương tiện,vũ khí trang bị và hiện đại hóa lực lượng.
Tiêm kích đa nhiệm Su-30 của không quân Việt Nam. |
Một phần lớn phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế đất nước, hiện nay lực lượng Không quân đang có 4 trung đoàn được trang bị máy bay tiêm kích ném bom chủng loại Su bao gồm 45 chiếc Su-27/30MK2 nhập khẩu từ Nga, các máy bay hiện đại này đóng vai trò chủ chốt trong lực lượng không quân tấn công chủ lực của không quân Việt Nam. Tương lai gần, để đảm bảo phòng thủ bờ biển, các vùng kinh tế biển và hải đảo, nếu đúng theo kế hoạch, Không quân Việt Nam sẽ tiếp nhận máy bay cường kích Su–34 với mục đích từng bước thay thế các máy bay Su–22 đã lỗi thời, khi Su–34 có được quy chế xuất khẩu.
Máy bay cường kích ném bom Su-34. |
JAS-39 Gripen,. |
Để thực hiện nhiệm vụ phòng không và bảo vệ không phận biển, lực lượng Không quân Việt Nam có nhiều định hướng phát triển máy bay tiêm kích tầm cao, trong đó MiG –29 hiện đại hóa sâu cũng là một trong những loại máy bay tiêm kích tiềm năng do giá thành hạ và rất phù hợp với nghệ thuật tác chiến không quân Việt Nam. Ngoài ra, cũng có nhiều thông tin cho rằng Việt Nam có thể lựa chọn các loại máy bay khác có tính năng tương đương như JAS-39 Gripen của Thụy Điển, Rafale của Pháp, MiG-35 và Su-35 của Nga.
Trong không quân Việt Nam, có nhiều ý kiến về việc lựa chọn các mẫu máy bay tiêm kích có khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ chiến thuật và nghệ thuật tác chiến đường không của Việt Nam với xu hướng thiên về phòng thủ linh hoạt. Có một điểm đáng chú ý là các cán bộ lãnh đạo quân chủng PK-KQ Việt Nam hầu hết đều được đào tạo ở Nga. Vũ khí trang bị tác chiến trên không và trên biển, nếu không muốn có một kho vũ khí đa chủng loại, cũng phần lớn có từ Liên xô cũ, quá trình tích hợp hệ thống điều khiển vũ khí đơn giản hơn rất nhiều lần. Nhưng cũng không loại trừ khả năng các nhà cung cấp sản phẩm quốc phòng như Thụy Điển có thể cung cấp thêm các cải tiến mới nhằm tương thích hóa các loại vũ khí hiện có của Việt Nam.
Bộ tư lệnh PK-KQ Việt Nam có mong muốn thay đổi loại máy bay huấn luyện mới, có khả năng đa nhiệm hơn nhằm tăng cường năng lực tác chiến đường không và huấn luyện chiến đấu. Nhà nước Việt Nam có xu hướng lựa chọn máy bay Yak 130 để thay thế dần các L-39 đã tương đối lỗi thời. Đã có kể hoạch nhập khẩu 12 chiếc Yak – 130 trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2025. Nhưng các giảng viên – sĩ quan huấn luyện thì không thích loại Yak 130 lắm do đã thử nghiệm nó tại Nga vào năm 2011, do đó hiện nay đang có một cuộc cạnh tranh nhỏ giữa Yak và các máy bay huấn luyện cải tiển sâu của L-39 là máy bay huấn luyện chiến đấu L-159 ALCA, theo các chuyên gia phỏng đoán thì L-159 có nhiều cơ hội hơn.
Việt Nam cũng đang hình thành lữ đoàn tàu ngầm và phòng tác chiến tàu ngầm thúc đẩy sự xuất hiện lực lượng chống ngầm và quản lý biển. Đó là các máy bay trinh sát chống ngầm và tác chiến chống ngầm thế hệ mới, có khả năng liên kết với lực lượng hải quân chống ngầm và bảo vệ tài nguyên khoáng sản thềm lục địa. Có nhiều thông tin cho rằng Việt Nam đang tăng cường năng lực chống ngầm của không quân bằng các máy bay chống ngầm P-3 Orion của Mỹ. Nhưng cũng có những ý kiến khác cho rằng, Việt Nam nên nhập máy bay chống ngầm P-1 của Nhật Bản do Nhật đã có kinh nghiệm sử dụng P-3 lâu năm và máy bay chống ngầm của Nhật Bản chắc chắn sẽ hoạt động tốt hơn nhiều so với P-3 Orion đã lỗi thời.
Hiện nay đang có một cuộc cạnh tranh giữa Lockheed và Kawasaki trong cuộc chiến dành ưu thế về máy bay chống ngầm ở Đông Nam Á, Lockheed có ưu thế dựa trên cơ sở P-3 Orion đã được khai thác sử dụng lâu năm và đã chứng minh được ưu thế của mình trên biển về sử dụng, Kawasaki đang cố gắng tận dụng ưu thế công nghệ và khả năng thích ứng của mình đối với mọi loại vũ khí, trang bị mà Việt Nam đang có trong biên chế, cũng như khả năng đáp ứng các yêu cầu về hậu cần kỹ thuật, vốn đã rất hạn chế ở một công ty nổi tiếng của P-3.
AN-26 không quân Việt Nam. |
Trong giai đoạn gần đây, sự hình thành lực lượng KQHQ và lực lượng hải quân đánh bộ, lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố được tăng cường thêm khả năng đổ bộ đường không (nhẩy dù) đã xuất hiện thêm yêu cầu mới của phương tiện vận tải đường không tấn công tầm xa, có khả năng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu các máy bay An-26 hoặc các máy bay vận tải quân sự khác nhằm tăng cường khả năng độ bộ của các lực lượng nhảy dù đang từng bước hình thành và phát triển.
Máy bay không người lái do Việt Nam tự sản xuất tiến hành bay thử nghiệm. |
Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của lực lượng Không quân Việt Nam, trong đó có KQHQ và lực lượng tác chiến trên biển đòi hỏi Việt Nam phải có các máy bay tác chiến điện tử, trinh sát đường không và chỉ huy trên không. Theo những thông tin được cập nhật gần đây. Việt Nam đã từng sử dụng An-26 như máy bay chỉ huy trên không trong các chuyến bay tuần tiễu biển và trong tương lai gần, sẽ cần đến ít nhất là 2 máy bay trinh sát điện tử, dẫn đường và điều hành tác chiến trên không AWACS. Xu hướng sẽ đặt hàng máy bay CASA EC-295 được coi là khả thi hơn tất cả các loại máy bay AWACS khác đang có trên thị trường thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu phát triển cũng như hợp tác với các nước khác, trong đó có Berarus nhằm mua sắm, nghiên cứu và phát triển các máy bay không người lái tuần biển. Đã có những máy bay không người lái Việt Nam được thử nghiệm bay và tiến hành các hoạt động không ảnh trên vùng biển chủ quyền. Trong tương lai gần, có thể sẽ xuất hiện những đơn vị máy bay tuần tiễu, trinh sát, chống ngầm và cảnh báo sớm Không người lái.
Một điểm khá thú vị, cùng với quyết định nghỉ hưu của lão tướng MiG 21, ông Sergey Korotkov Tổng Giám đốc tập đoàn chế tạo máy bay "MiG" thông báo trong cuộc phỏng vấn của RIA Novosti.
"Theo đánh giá của chúng tôi, có những triển vọng nhất định dành cho các máy bay MiG-35 tại Việt Nam, nơi sắp kết thúc thời hạn phục vụ của MiG-21", — ông Korotkov cho biết. Ông nhận xét thêm rằng Việt Nam là "khu vực thú vị đáng quan tâm" đối với tập đoàn "MiG".
Theo lời vị đại diện tập đoàn chế tạo máy bay, MiG-35 là chiến đấu cơ mới, trong cấu trúc có thành phần thiết bị điện tử khoang tích hợp thông tin - hệ thống ngắm mục tiêu của các máy bay thuộc thế hệ thứ V.
"Khác với mẫu MiG-29 "kinh điển" mà MiG-35 thừa hưởng khái niệm khí động học, chiếc máy bay mới có đa chức năng. MiG-35 có khả năng sử dụng vũ khí chính xác cao với bất kỳ loại mục tiêu nào — trên không, mặt đất, mặt biển — và thậm chí thực hiện một số chức năng mà trước đây chỉ có ở máy bay trinh sát", — nhà lãnh đạo tập đoàn "MiG" thông báo khái quát. Vấn đề là liệu MiG 35 có "tiếp bước cha ông" làm lại vinh quang của MiG 21 hay không, tương lai sẽ trả lời.
Nhìn chung toàn cảnh phát triển của lực lượng Không quân Việt Nam, có thể nhận thấy, lực lượng Không quân Việt Nam đang nỗ lực phát triển để trở thành một lực lượng Không quân hùng mạnh trong khu vực, có trang thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
TTB