Theo hãng thông tấn RIA Novosti, Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đã chốt thời điểm bàn giao cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thứ hai cho Hải quân Việt Nam vào năm 2017 và sẽ thảo luận về việc cung cấp thêm 2 tàu tiếp theo.
Nếu Việt Nam quyết định đặt mua cặp tàu Gepard thứ ba, nhiều khả năng chúng sẽ có hỏa lực tương đương những khu trục hạm có lượng giãn nước lên tới 4.000 tấn.
Hiện nay, đang tồn tại 2 nguyên mẫu tàu Gepard 3.9 nâng cấp được nhà sản xuất công bố trên một số trang mạng nước ngoài.
Cụ thể, một tàu sẽ mang tên lửa chống hạm Klub trong khi chiếc còn lại mang hệ thống phòng không tầm trung Shtil-1 cùng tên lửa chống hạm Uran-E. Theo một vài nhận định, nhiều khả năng Việt Nam sẽ lựa chọn mẫu thứ hai để tích hợp lên đó tên lửa KCT 15 nội địa.
Ở cấu hình trên, Gepard được trang bị pháo A-190 cỡ 100 mm phía trước, 2 module hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Palma ở phía đuôi cùng 8 tên lửa chống hạm Uran-E ở giữa tàu.
Đặc biệt, ngay sau khẩu pháo A-190 là 12 ống phóng thẳng đứng của tên lửa 9M317M thuộc hệ thống phòng không tầm trung Shtil-1. Loại tên lửa này tiêu diệt được mục tiêu là máy bay ở cự ly 50 km, trần bay 15 km; hoặc tên lửa chống hạm cách xa 3,5 - 12 km ở tầm cao 5 - 10.000 m.
Một điều rất đáng chú ý, ngoài chức năng chính là phòng không, khi cần thiết tên lửa 9M317ME còn có thể sử dụng để tiêu diệt tàu chiến mặt nước của đối phương từ khoảng cách 3,5 - 25 km.
Nhờ những ưu điểm như giá thành rẻ hơn tên lửa chống hạm (khoảng 700 nghìn USD so với 1,5 triệu USD của tên lửa Uran-E) và thời gian phản ứng rất nhanh, 9M317ME tỏ ra đặc biệt hữu hiệu khi chống lại các tàu tấn công nhanh cỡ nhỏ.
Mặc dù không có khả năng bay hành trình bám biển như tên lửa chống hạm thực thụ, nhưng vận tốc cực lớn (lên tới Mach 4,5) chính là phương án hữu hiệu nhất để loại tên lửa này vượt qua hệ thống đánh chặn của đối phương.
Tuy rằng đầu đạn của tên lửa 9M317ME khá nhỏ (chỉ 62 kg so với 145 kg của Uran-E) và lại là loại phá mảnh chứ không phải xuyên giáp nên gần như không thể bắn chìm tàu chiến, nhưng nó vẫn đủ để tiêu diệt tất cả sinh lực trong cabin chỉ huy cũng như phá hủy toàn bộ hệ thống radar trinh sát.
Khi đó, chiến hạm của kẻ địch có thể không chìm nhưng đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn, chỉ còn là một chiếc bia nổi mà thôi.
Sử dụng tên lửa phòng không để bắn tàu mặt nước không phải là điều quá mới mẻ, vào năm 1988, các tàu chiến Mỹ đã phóng tên lửa SM-1 để tiêu diệt một tàu tuần tra của Iran, hiện nay tên lửa SM-2 vẫn là vũ khí chống hạm chủ yếu của khu trục hạm lớp Arleigh Burke.
Xét theo khía cạnh nào đó, 9M317ME còn là một tên lửa chống hạm nguy hiểm hơn hẳn Uran-E.
Do vậy, hệ thống Shtil-1 ngoài việc tạo ra một chiếc ô phòng không hạm đội tin cậy, nó còn cung cấp thêm tới 12 "tên lửa chống hạm" để bổ sung cho 8 quả Uran-E hay KCT 15 lúc cần thiết, tạo ra sức mạnh cả tấn công lẫn phòng thủ rất toàn diện cho Gepard 3.9.
Theo Trí thức trẻ
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu