Ngoại trưởng Nga nêu rõ: "Cách đánh giá tình trạng sức khỏe của thế giới hiện đại từ năm này sang năm khác không trở thành lạc quan hơn. Ngược lại, đến nay vẫn chưa ngăn chặn được xu hướng những nguy cơ xung đột gia tăng trong quan hệ quốc tế, các cơ chế giải quyết khủng hoảng bị đình trệ, những khu vực mới gần đây được coi là khá an toàn đang bị bao trùm bởi bất ổn ".
Theo ông Sergei Lavrov, nguy cơ lớn nhất đang đe dọa nhân loại là chủ nghĩa khủng bố. Những kẻ khủng bố hành động ráo riết nhằm thách thức một trật tự thế giới dựa trên luật pháp và các chuẩn mực về hành vi văn minh quốc tế. Đáp ứng yêu cầu của ban lãnh đạo Syria, Nga đã mở chiến dịch quân sự chống lại những kẻ khủng bố IS. Thực tế cuộc sống cho thấy rằng, đây là một quyết định đúng đắn. Bộ trưởng Nga nhấn mạnh:
"Hành động của Lực lượng Không quân-vũ trụ Nga phối hợp với quân đội chính phủ và sau đó với các đơn vị của phe đối lập yêu nước Syria đã cho phép đẩy lùi những kẻ khủng bố khỏi nhiều khu vực, đã tạo điều kiện để ký kết thỏa thuận ngừng bắn, để bắt đầu quá trình giải quyết chính trị tại Syria. Kết quả này đã đạt được trong bối cảnh Nga và Mỹ thiết lập sự đối tác. Các đối tác khác trong nhóm quốc tế hỗ trợ Syria (MTT) cũng đã góp phần của mình vào việc chung. Trên thực tế, hoạt động này đang phát triển theo hướng thực hiện sáng kiến thành lập một liên minh chống khủng bố rộng rãi".
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga nói rằng, ở các khu vực khác trên thế giới diễn biến sự kiện cũng không trôi qua một cách yên ả. Afghanistan vẫn là mối đau đầu đối với các nước láng giềng. Matxcơva cũng rất lo ngại với xu hướng tiêu cực trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, như tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên:
"Việc Bình Nhưỡng vẫn coi thường quan điểm của cộng đồng quốc tế được thể hiện trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gây sự lo ngại sâu sắc. Chúng tôi hy vọng rằng, phía Triều Tiên sẽ không thực hiện các hành động vô trách nhiệm và sẽ nhận thức được rằng, mọi nỗ lực nhận quy chế một quốc gia có vũ khí hạt nhân sẽ không thành công và là những nỗ lực vô ích. Đồng thời, chúng tôi cho rằng, ý muốn của một số quốc gia lợi dụng tình huống này để gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực Đông Bắc Á là rất nguy hiểm và phản tác dụng".
Về tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Sergei Lavrov nói: "Chúng tôi tin chắc rằng, việc tăng cường tin cậy và lòng tin lẫn nhau trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nhằm thành lập các cơ chế đáng tin cậy để bảo đảm nền an ninh công bằng và không thể chia cắt đối với tất cả, dựa trên nguyên tắc không liên kết với các khối quốc tế nào, trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, không thực hiện và không hỗ trợ bất kỳ hành động nhằm lật đổ chính quyền của quốc gia khác hay phá hoại sự ổn định của quốc gia khác. Cuộc đối thoại vì lợi ích tạo ra cấu trúc an ninh đáng tin cậy và toàn diện, phù hợp với tình hình hiện nay tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã bắt đầu theo sáng kiến của Nga trong khuôn khổ các Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vẫn là một vấn đề rất quan trọng và cấp bách".
Tình hình an ninh châu Âu cũng gây sự lo ngại của Matxcơva. NATO đang gia tăng hoạt động ở "sườn phía Đông" và thường xuyên tuyên bố về sự cần thiết phải "kiềm chế" Nga. Kết quả là đã tăng căng thẳng trong khu vực Đông Bắc châu Âu. Và châu Âu vẫn căng thẳng do cuộc khủng hoảng Ukraine. Các hành động của Mỹ nhằm tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu cũng làm suy yếu sự ổn định chiến lược.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga bày tỏ sự tin tưởng rằng, để không lâm vào tình trạng hỗn loạn, tức là cuộc chiến tranh thế giới mới, chỉ có một sự lựa chọn duy nhất: "Cần phải thống nhất nỗ lực để giải quyết các tình huống xung đột, tạo lập một hệ thống quản lý toàn cầu phù hợp với thực tiễn thế kỷ XXI. Cần phải tiến hành các cuộc đàm phán trung thực và cởi mở, không mang tính chất dạy bảo, không áp đặt chuẩn mực của mình lên người khác".
Phát biểu trước những người tham gia Hội nghị, ông Sergei Lavrov tuyên bố: "Nga sẵn sàng hết sức để tăng cường hợp tác bình đẳng và sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết của mình, tất cả các thỏa thuận, sẽ hành động có trách nhiệm, và khi cần thiết sẽ nắm thế chủ động".
Theo Sputnik