Mỹ và châu Âu kể từ giờ hoàn toàn vắng bóng trong hồ sơ khủng hoảng Syria. Tương lai của nước này sẽ do ba quốc gia định đoạt: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Và tổng thống Nga Vladimir Putin giờ có thể tự cho mình là người kiến tạo hòa bình cho Syria. Chiến thắng tại Aleppo cho thấy rõ một chiến thuật hiệu quả của Nga: “Một mũi tên bắn trúng nhiều đích”.
Cuộc họp ba bên cấp ngoại trưởng tại Matxcơva ngày 20/12 diễn ra thành công, khẳng định Nga và Iran đã lấy lại thế thượng phong trên chính trường quốc tế. Trong bối cảnh Mỹ quá do dự và thoái lui, châu Âu chia rẽ, kể từ giờ Matxcơva sẽ là người quyết định cuộc chơi.
Cụ thể hơn, phương Tây và Liên Hợp Quốc sẽ không là những tác nhân chính trong hồ sơ này, thay vào đó là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hai đối tác trong khu vực tiến hành các cuộc đàm phán. Geneva, nơi vẫn thường xuyên diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình cũng không phải nơi để thương thuyết nữa. Thay vào đó là Astana, thủ đô Kazakhstan, đồng minh chính của Matxcơva tại Trung Á.
Chuyên gia Nikolai Kojanov, thuộc trung tâm Carnegie ở Matxcơva nhận xét: “Cách tiếp cận của ông Putin là hoàn toàn logic. Matxcơva rồi cũng hiểu ra rằng khuôn khổ song phương với Mỹ không giải quyết được gì trong cuộc khủng hoảng Syria. Giờ đây cần phải đưa các tác nhân khu vực vào trong cuộc thương thuyết này”.
Theo Le Figaro, thắng lợi tại Aleppo sau 15 tháng can thiệp quân sự của Matxcơva, cho thấy rõ đường lối chiến thuật của Nga tại khu vực. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, tổng thống Vladimir Putin đã thực hiện được tất cả các mục tiêu của mình tại Syria.
Ngoài việc cứu được đồng minh Bashar al Assad và gia tăng ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông, đây còn là một lời cảnh báo dành cho phương Tây rằng đã qua rồi cái thời của mọi sự nổi dậy, cách mạng màu và mùa xuân Ả Rập để lật đổ chế độ.
Theo Le Figaro, giải quyết được khủng hoảng Syria còn là cách để ông Putin lấy lại uy phong cho nước Nga sau thất bại của Liên Xô từ cuộc chiến tranh lạnh. Đấy cũng là cách ông trả đũa hành động can thiệp quân sự của phương Tây vào Libya, Iraq và Kosovo. Những tủi hổ mà cho đến giờ nhiều lãnh đạo Nga vẫn chưa nguôi ngoai.
Đây cũng chính là cách ông Putin chứng tỏ rằng, trái với chính quyền Mỹ, quốc gia đã bỏ rơi các đồng minh tại Syria, nước Nga không bao giờ bỏ rơi bạn bè của mình. Và nhất là ông Putin đã đưa được nước Nga quay trở lại chính trường quốc tế, có mặt trên sân chơi của các cường quốc và ngẩng cao đầu, mặt đối mặt với Mỹ.
Câu hỏi đặt ra là trục liên minh tam giác Nga – Thổ Nhĩ Kỳ - Iran này sẽ kéo dài được bao lâu? Theo Figaro, tuần trăng mật giữa Ankara và Matxcơva cũng có thể ngắn ngủi. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ những phe nhóm đối lập nhau tại Syria, dù trong cuộc họp ba bên hôm 20/12, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra đồng lòng với Nga ưu tiên chống khủng bố, không kêu gọi lật đổ Bashar al Assad như lúc đầu.
Cuối cùng, với một nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tình hình Syria phức tạp và vấn đề chống tổ chức Nhà Nước Hồi giáo, liệu Nga có thể hỗ trợ Bashar al Assad tái thiết đất nước trên phương diện chính trị và tài chính đến đâu? Le Figaro nhận định, tìm kiếm được hòa bình cho Syria có lẽ còn khó hơn là đạt được thắng lợi trong một cuộc chiến.