Theo Russia Insider, trong khi nhiều phương tiện truyền thông phương Tây cáo buộc rằng điện Kremlin đã nhúng tay vào vụ rò rỉ tài liệu mật của Wikileaks, hỗ trợ các hacker can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ (dù không có chứng cứ nào), dường như tổng thống Nga Vladimir Putin vui mừng với kết quả của cuộc bầu cử: phái diều hâu ở Lầu Năm Góc sẽ không có tiếng nói trong bốn năm tới.
Và trong cuộc thử nghiệm đầu tiên về sự sẵn sàng nối lại cây cầu quan hệ với Nga của ông Donald Trump, người phát ngôn của Putin đã gợi ý ông Trump nên bắt đầu tái xây dựng quan hệ Mỹ-Nga bằng cách kêu gọi NATO rút quân khỏi biên giới Nga.
Phát ngôn viên của tổng thống Nga - Dmitry Peskov đã nói với hãng tin AP rằng động thái này “sẽ mang lại sự hòa dịu ở châu Âu”. Ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử của mình đã liên tục ca ngợi ông Putin và gợi ý rằng Mỹ sẽ từ bỏ cam kết với liên minh NATO.
Đề nghị của ông Putin đến vào thời điểm đáng lo ngại về sự căng thẳng không ngừng leo thang về vấn đề quân sự giữa NATO và Nga: tuần trước, NATO đã đặt 300.000 quân ở cấp độ “báo động cao” để chuẩn bị đối đầu với Nga.
Ông Peskov đã phát biểu trong buổi phỏng vấn rằng sự hiện diện của NATO khiến Nga cảm thấy không an toàn: “Tất nhiên chúng tôi cũng phải có những biện pháp chuẩn bị để đối phó".
Ngoài ra, để định hướng cho ông Trump tuyên bố lập trường chính thức về vấn đề Crimea, trong một cuộc phỏng vấn khác với AP vào thứ Năm, ông Peskov đã nhấn mạnh rằng Crimea đã trở thành một phần của Nga sau cuộc đảo chính tổng thống ở Ukraine do CIA tài trợ năm 2014 và sau này vẫn sẽ là lãnh thổ của Nga. “Không ai ở Nga sẵn sàng và cũng không bao giờ sẵn sàng thảo luận về vấn đề Crimea”, ông Peskov tuyên bố và từ chối không gọi đó là hành vi “sáp nhập”.
Khi được hỏi liệu ông Trump sẽ tiếp cận vấn đề Crimea theo hướng nào, ông Peskov nói rằng điều này sẽ cần thêm thời gian. “Chúng tôi hiểu rằng sẽ mất thêm thời gian để các đối tác ở châu Âu và Mỹ để hiểu điều đó. Chúng tôi đủ kiên nhẫn để chờ đợi đến lúc các nước này hiểu ra vấn đề.”
Nhưng trong khi vấn đề Crimea chủ yếu vẫn đang còn phải tranh luận thì trước vấn đề kêu gọi phương Tây nhượng bộ Mátxcơva, nhiều người lo sợ rằng ông Trump sẽ nghe theo lời khuyên và áp lực từ Nga buộc liên minh phải nhượng bộ hoặc tệ hơn là rút đi viện trợ của Mỹ vào NATO, và nỗi lo sợ này đã dẫn đến hoảng loạn và theo báo Đức Spiegel, các chiến lược gia của NATO đang lên kế hoạch cho kịch bản tổng thống Donald Trump yêu cầu quân Mỹ rút khỏi châu Âu.
Spiegel cho biết thêm rằng các chiến lược gia ở NATO dưới quyền Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã thảo ra một bản báo cáo bí mật, bao gồm cả viễn cảnh tệ nhất trong đó ông Trump yêu cầu quân Mỹ rút khỏi châu Âu và thực hiện lời đe dọa khi tranh cử của ông là khiến Washington bớt liên quan trong vấn đề an ninh châu Âu.
Một quan chức Đức ở NATO cho biết: “Lần đầu tiên việc Mỹ rời khỏi NATO lại thực sự trở thành một mối đe dọa”, điều này đồng nghĩa với sự kết thúc của khối này.” Trong suốt chiến dịch của mình, ông Trump đã liên tục chỉ trích NATO, cho rằng liên minh này đã “lỗi thời”. Ông cũng cho biết dưới sự cầm quyền của ông, nước Mỹ sẽ từ chối viện trợ cho các đồng minh NATO trừ khi họ tự chi trả cho mình và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nước Mỹ và NATO”.
Tất nhiên, đây cũng là điều mà Spiegel đã dự đoán, sau chiến thắng của Trump sẽ là sự kết thúc của khối này. “Chúng ta đang trải qua thời kỳ bất ổn nhất và chưa từng có tiền lệ trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”, ông Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức ở Washington và là người đứng đầu Hội nghị an ninh Munich nổi tiếng đã phát biểu như vậy. Bằng việc chỉ trích phòng thủ tập thể, ông Trump đã đặt ra câu hỏi về trụ cột cơ bản của NATO, ông Ischinger nói thêm.
Ngoài ra, với việc đặt câu hỏi về trụ cột hỗ trợ cốt lõi sau các hành động khiêu khích của NATO và việc đóng quân tại biên giới nước Nga, ông Trump có thể sẽ ngăn chặn được Thế chiến thứ ba, Russia Insider nhận xét.
Tuy nhiên NATO lại đòi đi theo cách riêng của mình và không chấp nhận hướng đi nào khác, và đó là lí do vì sao ông Ischinger yêu cầu vị tổng thống Mỹ mới đắc cử trấn an các đồng minh châu Âu rằng ông vẫn giữ vững các cam kết của Mỹ theo Điều 5 của Điều lệ NATO trước khi ông nhậm chức.
Đó không phải là lời chỉ trích duy nhất của đồng minh NATO với ông Trump. Mới đây, Stoltenberg đã chỉ trích chương trình nghị sự của Trump và cho rằng: “Tất cả các đồng minh đều cam kết chắc chắn bảo vệ lẫn nhau. Điều này là hoàn toàn vô điều kiện”. Sự hoảng loạn của NATO lớn lên rất nhanh đến mức người ta lo rằng ông Trump sẽ không xuất hiện ở Brussels sau khi ông nhậm chức, do đó NATO đã dời lịch hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2017 cho tới tận hè năm sau.
Báo cáo của NATO cũng phản ánh tâm trạng hiện nay trong khối EU đa khiến ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các nước thành viên tự thiết lập quân đội riêng cho châu Âu. Washington “sẽ không đảm bảo an ninh của châu Âu về lâu dài, chúng ta phải tự làm điều đó,” ông Juncker bày tỏ lo lắng.
Trong khi đó, tờ Spiegel thừa nhận rằng cho dù NATO có hăm dọa thì ông Trump vẫn có động lực để thực hiện đe dọa của mình, và nếu tổng thống Mỹ nghiêm túc về việc giảm số lượng quân Mỹ đóng tại châu Âu, các nước lớn ở NATO như Đức cũng không có nhiều quân để cung cấp. Thậm chí quân đội các nước thành viên còn thiếu lực lượng có khả năng thay thế quân Mỹ, điều đó có thể gây nên những cuộc tranh luận về việc tăng cường vũ khí hạt nhân của NATO, một vấn đề nhạy cảm đối với phần lớn các nước châu Âu.
Liệu Donald Trump sẽ phản ứng như thế nào? Điều này vẫn không thể nói trước được: trong những bài phát biểu trước khi đắc cử, ông Trump đã thúc đẩy chương trình nghị sự phản đối sự can thiệp và chắc chắn khiến NATO bị suy yếu đi dưới nhiệm kỳ tổng thống của ông, điều này vẫn còn phải chờ xem vì nhóm chuyển giao quyền lực của ông hiện vẫn chưa đi vào chi tiết của các chính sách còn khá mơ hồ của ông Trump.