“Nga không thể thay đổi chúng ta hay khiến chúng ta bị suy yếu”, ông Obama đã nói như vậy vào ngày 16/12/2016, trong buổi họp báo cuối cùng khi còn là tổng thống.
Ông Obama chê Nga: “Họ là một nước nhỏ hơn và yếu hơn. Nền kinh tế Nga không sản xuất được ra thứ gì khiến người ta muốn mua, trừ dầu lửa, khí đốt và vũ khí. Họ không hề có gì cách tân. Nhưng họ có thể gây ảnh hưởng cho chúng ta nếu chúng ta quên mất chúng ta là ai. Họ có thể ảnh hưởng tới chúng ta nếu chúng ta từ bỏ những giá trị của mình.”
Chủ đề trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama đối với vấn đề nước Nga là “tái thiết lập”, hay nói cách khác là nỗ lực bình thường hóa quan hệ sau những căng thẳng lên cao dưới thời chính quyền Bush và đỉnh cao là cuộc chiến Georgia năm 2008. Còn đến nhiệm kỳ thứ hai, khi quan hệ hai nước sụt giảm nghiêm trọng sau khi ông Putin quay lại làm tổng thống năm 2012, chủ đề chính trong chính sách của ông Obama là từ bỏ quan hệ, gần như là chế nhạo nước Nga. Điều duy nhất Mỹ phải lo sợ từ phía Nga chính là sự sợ hãi nước Nga trong lòng nước Mỹ.
Ông Obama đã nhắc đến điều này từ khi ông chạy đua tái tranh cử nhiệm kỳ hai, khi ông Mitt Romney nói hớ vì đã gọi Nga là “đối thủ địa chính trị số 1 của Mỹ”. Trong cuộc tranh biện ở Boca Raton tại Florida vào tháng 10/2012, ông Obama cho rằng nước Mỹ phải từ bỏ chính sách đối ngoại từ những năm 1980 vì Chiến tranh lạnh đã kết thúc hơn 20 năm rồi.
Ông Obama lần đầu tiên nói “nước Nga chẳng làm ra được thứ gì” trong một cuộc phỏng vấn với Economist năm 2014, khi nội chiến đang hoành hành ở miền Đông Ukraine. Ông phát biểu: “Tôi nghĩ quan trọng là phải nhìn nhận một cách toàn diện. Nga không làm ra được gì. Những người nhập cư cũng không đổ xô đến Nga để tìm kiếm cơ hội. Tuổi thọ của đàn ông Nga chỉ khoảng 60 tuổi. Dân số Nga cũng đang giảm đi.”
Theo Business Insider, lập luận rằng các hàng hóa xuất khẩu thể hiện cho năng lực quốc gia không bao giờ thuyết phục, nhất là trong trường hợp của Nga chỉ với “dầu lửa, khí đốt, và vũ khí”. Ông Obama thường nói về Nga một cách mỉa mai, chẳng hạn như một công chức Liên Xô những năm 1940 khoe về sản lượng lương thực vượt trội của Liên Xô.
Năm 2014, người ta đã không còn mấy tin tưởng quan điểm “nước Nga chẳng làm được gì”. Vào năm 2016, khi ông Obama lặp lại điều này, máy bay Nga đang dội bom xuống Aleppo, Syria và kết liễu phiến quân nổi dậy tại đây được Mỹ và đồng minh hậu thuẫn chống lại chính quyền ông Assad, khiến Mỹ và các nước đồng minh chẳng thể làm gì ngoài tuyên bố lo ngại và buộc tội Nga. (hai tuần sau đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria mà không có sự góp mặt của Mỹ).
Các nhân viên tại các cơ quan tình báo của ông Obama trả lời các báo Washington Post và New York Times rằng Nga đã cố tình can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để phá hoại người kế nhiệm mà ông Obama mong muốn là bà Hillary Clinton và giúp đỡ cho ứng viên không phù hợp, nghi ngờ được Nga ủng hộ, người này đe dọa sẽ đảo ngược phần lớn các chính sách hiện nay của ông Obama. Với việc Nga tung hoành ở khắp nơi, từ Biển Đen đến vùng Hồ Lớn, có vẻ như việc mị dân Mỹ về sức mạnh thực sự của Nga là điều ngoài nằm khả năng của ông Obama.
Trong khi nhiều người Mỹ bao gồm cả ông Obama từ lâu đã chấp nhận rằng thời gian nước Mỹ trở thành siêu cường độc nhất trên thế giới hậu Chiến tranh lạnh sẽ không kéo dài mãi. Thách thức bá quyền Mỹ trong trí óc mọi người chính là một nước Trung Quốc năng động và đang ngày càng phát triển nhanh chóng, hoặc có thể những nước đang phát triển trỗi dậy như Ấn Độ và Brazil. Nga từng không được coi là quốc gia không thể thiếu trên trường quốc tế vào năm 2017.
Thế nhưng các sự kiện trong năm 2016 đã chỉ ra rằng Nga đã thực sự trở thành một nhân tố không thể thiếu trên trường quốc tế. Ngược lại với mọi kỳ vọng, quan hệ với Nga đã chiếm vị thế nổi trội trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama, nhất là mới đây, Mỹ vừa đưa ra những lệnh trừng phạt để trả thù cho cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Điều này không ăn khớp với những điều ông Obama nói trong những bài phát biểu trước đây. Quan hệ với siêu cường đang hồi phục này có thể chiếm vị thế nổi trội trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo.
Có một câu chuyện nổi tiếng về ông Putin khi còn trẻ và một con chuột bị dồn vào chân tường. Ông Putin kể câu chuyện này trong cuốn tự truyện First Person được xuất bản sau khi ông đắc cử tổng thống năm 2000. Sống trong một căn hộ chung với gia đình trong khu người nghèo ở vùng đất đầy thương tích chiến tranh tại St.Peterburg, cậu bé Vladimir và các bạn rất thích đuổi chuột ở cầu thang của tòa nhà. Ông thuật lại:
“Ở đó, dưới chân cầu thang, tôi đã học được một bài học, dù chóng vánh nhưng có ý nghĩa lâu dài, về nghĩa của từ “bị dồn vào chân tường”. Trước cửa ra vào thường có rất nhiều chuột. Các bạn và tôi từng cầm gậy đuổi chúng vòng quanh. Một lần tôi phát hiện ra một con chuột lớn và đuổi nó xuống dưới cho đến tận khi dồn vào chân tường, nó không còn lối nào để chạy. Đột ngột nó quật lại và quăng người vào tôi. Tôi đã ngạc nhiên và hoảng sợ. Giờ thì con chuột lại đuổi ngược lại tôi. Nó nhảy đến đầu cầu thang và trượt xuống tầng. May thay tôi đã nhanh hơn và đóng sầm cánh cửa ngay trước mặt nó”.
Câu chuyện này nổi bật vì đây là khoảnh khắc yếu đuối hiếm hoi về ông Putin trong cuốn tự truyện phần lớn chỉ viết về những thành tích cá nhân và trong nghề nghiệp của ông. Quan niệm về một sinh vật yếu ớt bị dồn vào chân tường và quay lại đáp trả kẻ tấn công đã ám ảnh Putin. Có lẽ đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì ngay sau đó, chàng thanh niên trẻ Putin vốn sống chưa có mục đích đã tìm thấy mục đích ở Judo, một nguyên tắc tiền đề để tìm ra các cách khai thác các điểm yếu của một đối thủ mạnh hơn.
Theo Business Insider, câu chuyện con chuột này được dẫn lại như một cái nhìn thấu đáo hơn về việc hình thành thế giới quan của tổng thống Putin. Nước Nga của ông Putin bị những nỗ lực do Mỹ bảo trợ dồn vào chân tường (Nga coi những nỗ lực này là nỗ lực ngầm làm thay đổi chế độ). Thái độ ngạo mạn của phương Tây cũng đã dồn Nga vào chân tường khi buộc Nga phải chấp nhận rằng thời kỳ mà Nga là một nhân tố quan trọng trên trường quốc tế đã qua lâu rồi. Con vật nọ bị dồn vào đường cùng, thay vì chấp nhận số phận đã quay ngược trở lại đáp trả những kẻ tấn công mình.
Đây là một câu chuyện hữu ích khi xem xét cách mà ông Putin triển khai sức mạnh. Với những người Mỹ coi thường nhà lãnh đạo Putin, hãy nhìn những sự kiện trong những năm gần đây, đó là dẫn chứng về một nhà chiến lược thiên tài đã lo liệu các bước đi trước cả đối thủ.
Hiện nay, chiến thắng của ông Trump được cho là có sự dàn dựng từ phía Nga. Nhưng nước Nga của ông Putin vẫn chỉ phản ứng một cách thông thường với các sự kiện toàn cầu hơn là chủ động định hình các sự kiện đó.
Dù ông đã điều quân đội đến bảo vệ cộng đồng người Nga ở Georgia năm 2008 sau khi nước này bầu ra một chính quyền chống Nga. Kremlin còn cung cấp nơi trú ẩn cho Edward Snowden đang trên đường trốn chạy vào năm 2013, lợi dụng sự lưỡng lự của ông Obama khi tấn công chính quyền Syria để tạo được một thỏa thuận có lợi cho ông Assad, hoặc tận dụng sự hỗn loạn sau vụ lật đổ tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych năm 2014 để sáp nhập Crimea, cũng rất ít lãnh đạo đủ tinh thông hơn để chớp lấy cơ hội về phía họ.
Điều mà phái diều hâu về Nga ở Mỹ thường không nhận ra là, theo quan điểm của Nga, những động thái này chỉ là để phòng thủ chứ không phải là tấn công. Câu chuyện về con chuột, nếu không nhìn vào cách mà sự cố diễn ra thì tất cả những gì mà người ta nhìn thấy chỉ là một con chuột lớn đang đuổi theo một cậu bé yếu ớt.
Quả thực, Nga và Mỹ có quan điểm rất khác nhau về lịch sử đất nước này hậu Liên Xô. Trong cuốn sách xuất bản năm 2016 mang tên The invention of Russia (Tạo ra nước Nga), nhà báo Arkady Ostrovsky đã phản ánh trạng thái hưng phấn mà ông cảm nhận được sau sự sụp đổ của Liên Xô : “Đối với tôi, việc thiếu đồ ăn trong các cửa hàng được bù lại bằng triển vọng đầy hứng khởi. Lịch sử đã được tạo ra ở Mátxcơva và chúng ta đang ở giữa lịch sử đó. Nhìn lại quãng thời gian đó, tôi nhận ra rằng chỉ một số người lúc đó cảm thấy hưng phấn, còn với phần đông người dân, sự sụp đổ của Liên Xô đi liền với sự bất ổn và sụt giảm nghiêm trọng về mức sống.
Ấn tượng của người Mỹ về thời kỳ này cũng bị nhuốm cách nghĩ của những nhà dân chủ có học và nói tiếng Anh, có quan điểm thân phương Tây phản ứng vào lúc đó, hơn là trải nghiệm của phần đông người Nga. Bài phát biểu nổi tiếng của ông Putin vào năm 2005 cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ XX thường bị phe diều hâu Mỹ lấy làm dẫn chứng về sự bốc đồng và quan điểm phiến diện về lịch sử bi thảm của nước Nga. Nhưng điều đó lại không đi ngược lại quan điểm của người dân nước Nga mà ông lãnh đạo.
Để hiểu được tư thế hiện nay của Nga, quan trọng là phải hiểu cách mà các sự kiện trong 25 năm qua được nhìn nhận từ quan điểm của nước Nga. Sự chuyển dịch nhanh chóng sang chủ nghĩa tư bản và thị trường tự do theo sự ủng hộ của các nhà kinh tế phương Tây, các cuộc cách mạng màu mà các chính phủ phương Tây đã giành chiến thắng, sự mở rộng NATO sang các nước từng là các nước cộng hòa ở Đông Âu trước đây, sự can thiệp của NATO vào bán đảo Balkans, các bài giảng về dân chủ và nhân quyền từ các tổ chức phi chính phủ do nước ngoài hậu thuẫn ở Mátxcơva, tất cả đều bị coi là cắt giảm quyền lực của Nga và xâm hại đến lợi ích của nước này.
Nhưng nên hiểu rằng nước Nga đã tự xem là hành động phòng vệ trong suốt 25 năm là cần thiết để bàn luận về cách thức mà Nga hành xử hiện nay, khi mà Mátxcơva đã hồi phục ít nhiều so với kỷ nguyên Liên Xô.
Theo Business Insider, Nga hiển nhiên không phải là một nước không có khả năng, nhưng cũng không phải là nước có quyền lực thống trị định hình được toàn cầu. Ít nhất là cho đến gần đây, Nga vẫn là một nước bị phương Tây đe dọa về lợi ích quốc gia và có biệt tài khôn ngoan trong việc chớp lấy các cơ hội tái tuyên bố các đặc quyền trước đây. Chỉ trong một vài năm gần đây, Nga đã tham gia vào hai cuộc chiến ở Ukraine và Syria mà các đối thủ của Nga đều dự đoán sẽ rơi vào tình trạng sa lầy không thể giành chiến thắng (thực tế đã không diễn ra như vậy). Nga cũng không có nhiều tiền và nhân lực nhưng lại muốn tham chiến để tái khẳng định sức mạnh trong khu vực ảnh hưởng trước kia.
(còn tiếp)