Nga ra đòn tại Syria, sẽ rút binh lực khi đang ở đỉnh cao

VietTimes -- Stratfor cho rằng so với Iran, nước cam kết phải giành được chiến thắng hoàn toàn bất chấp mọi chi phí, Nga không mấy sẵn sàng duy trì can thiệp vào một cuộc xung đột chưa có hồi kết như vậy ở Syria và sẽ rút lui trong khi chiến dịch của Nga đang ở đỉnh cao. Cuộc chiến ở Syria còn lâu mới kết thúc.
Nga được cho là sẽ rút bớt binh lực tại Syria trong tư thế của người chiến thắng
Nga được cho là sẽ rút bớt binh lực tại Syria trong tư thế của người chiến thắng

Với việc chiếm được Aleppo vào cuối tháng 12/2016, các lực lượng trung thành với tổng thống Syria Bashar al-Assad đảm bảo giành được chiến thắng lớn nhất trong cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm nay, Stratfor nhận định.

Hiện nay rõ ràng là ông Assad đã vượt qua được sự đe dọa đối với sự cai quản của chính quyền trên các khu vực chính của đất nước. Sự hỗ trợ quân sự, ngoại giao và tài chính từ Iran và Nga đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng đến chiến thắng này.

Nhưng theo Stratfor, cho dù có cùng động cơ ở Syria và những nguồn lực khổng lồ mà hai nước đã bỏ vào cuộc chiến này, Nga và Iran không có cùng quan điểm về một số vấn đề liên quan đến cuộc xung đột này. Mặc dù Nga đã thể hiện cam kết duy trì và ủng hộ các lực lượng trung thành ở Syria, lời cam kết của Nga trong cuộc nội chiến này đơn giản không thể nâng lên cấp độ như của Tehran được.

Thông qua sự can thiệp ở Syria, Nga đang cố gắng tăng cường vị thế của mình ở Trung Đông, thể hiện tầm vóc toàn cầu của mình, giảm bớt mối đe dọa từ những kẻ cực đoan và có được động lực trong đàm phán với phương Tây. Tuy nhiên, Iran lại coi cuộc nội chiến Syria là một mặt trận quan trọng trong cuộc chiến sống còn liên quan trực tiếp đến an ninh địa chính trị.

Stratfor cho rằng so với Iran, nước cam kết phải giành được chiến thắng hoàn toàn bất chấp mọi chi phí, Nga không mấy sẵn sàng duy trì can thiệp vào một cuộc xung đột chưa có hồi kết như vậy ở Syria và sẽ rút lui trong khi chiến dịch của Nga đang ở đỉnh cao. Cuộc chiến ở Syria còn lâu mới kết thúc.

Kể cả nếu các lực lượng trung thành giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Aleppo hồi tháng 12/2016, họ cũng đã để mất thành phố Palmyra vào tay IS, và đó là một thất bại lớn. Khi cuộc chiến vẫn tiếp tục, các nhà hoạch định chính sách quốc phòng của Nga đang nhận ra rằng biện pháp quân sự sẽ đòi hỏi thêm vài năm can thiệp.

Mặc dù liên quân Nga-Syria đang giành lợi thế nhưng cuộc chiến Syria được dự báo sẽ còn kéo dài
Mặc dù liên quân Nga-Syria đang giành lợi thế nhưng cuộc chiến Syria được dự báo sẽ còn kéo dài

Nhưng thêm một vài năm can thiệp sâu hơn vào Syria sẽ làm xói mòn hiệu quả của hoạt động quân sự của Nga và có thể kéo Matxcơva sa lầy vào Trung Đông, không khác tình hình của Mỹ ở Iraq. Nga chỉ đang tìm lối thoát cho mình, Stratfor đánh giá.

Thoát khỏi cuộc chiến

Tuy nhiên, để Nga tự thoát khỏi Syria thành ông, cần phải có một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Quá trình này sẽ đòi hỏi sự tham gia của các lực lượng nổi dậy và những nước hậu thuẫn, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ. Matxcơva đã dần đề cao đối thoại với Ankara về vấn đề Syria, thậm chí trước khi có những cú hích gần đây để thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn đất nước.

Trận chiến ở Aleppo đã thể hiện những nỗ lực lớn của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đạt được một thỏa hiệp nhằm mang lại một hiệp định cho phiến quân rời khỏi thành phố một cách an toàn.

Hiệp ước giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên rắc rối vì Iran phản đối kế hoạch này. Ở Aleppo, lực lượng dân quân do Iran dẫn đầu nhanh chóng huy động để ngăn chặn phiến quân rút lui, và Iran đã đồng ý với một thỏa thuận để các chiến binh bị bao vây có được một lối thoát chỉ khi những ưu tiên của họ được bổ sung vào hiệp định (Iran yêu cầu rằng các làng theo dòng Shiite bị bao vây ở al-Fuah và Kefraya phải được đưa vào kế hoạch). Hơn nữa, vào ngày 20/12, Tehran còn công khai chỉ trích quyết nghị của Hội đồng bảo an LHQ ủng hộ kế hoạch Nga ở Aleppo vừa được thông qua.

Lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn đang chiến đấu tại Syria
Lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn đang chiến đấu tại Syria

Các vấn đề phức tạp xung quanh việc sơ tán khỏi Aleppo khiến người ta nhớ đến nỗ lực ngừng bắn của Syria hồi tháng 9/2016 do Nga và Mỹ làm trung gian. Lệnh ngừng bắn đó bị thất bại vì phiến quân cũng như lực lượng trung thành đều không tuân theo thỏa thuận ngừng thù địch. Lực lượng vệ binh cách mạng hồi giáo Iran cũng bày tỏ sự phản đối việc Ả Rập Xê-út và Qatar tham gia vào vòng đàm phán hòa bình sắp tới bất chấp những nỗ lực của Nga nhằm đưa các nước này vào vòng đàm phán.

Nhân tố Iran

Theo Stratfor, bất chấp Damacus đang giành được động lực lớn, Matxcơva đã nản chí trong nỗ lực điều khiển hướng đi của cuộc xung đột bởi thực tế sức ảnh hưởng của Nga ở Syria vẫn đứng sau Iran. Điều này không mấy ngạc nhiên vì Iran đóng góp nhiều hơn Nga vào cuộc chiến này. Nga cơ bản chỉ hậu thuẫn trong lĩnh vực ngoại giao và không quân. Ngược lại Tehran lại đóng góp điều mà lực lượng chính phủ cần nhất, đó chính là binh lực. Iran đã củng cố đội quân này với hàng chục ngàn chiến binh bao gồm cả các đạo quân tinh nhuệ của Hezbollah do Iran hậu thuẫn. Hơn nữa, Iran còn hỗ trợ tài chính để giúp nền kinh tế Syria.

Quân đội Nga duy trì cụm binh lực mạnh tại căn cứ không quân Hmeimim, Syria
Quân đội Nga duy trì cụm binh lực mạnh tại căn cứ không quân Hmeimim, Syria
Nga sẽ rút cụm tác chiến tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov về nước
Nga sẽ rút cụm tác chiến tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đang tham chiến tại Syria về nước

Nga nhận thức được những vấn đề này và đang tiến hành sửa đổi. Vào cuối tháng 11/2016, quân đội chính phủ Syria tuyên bố thành lập một lực lượng quân sự mới- quân đoàn số 5- cùng với sự giúp đỡ của các đồng minh Syria, những nước sẽ trả lương hàng tháng cho quân lính lên tới 580 USD. Cho dù vẫn chưa xác nhận, nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy Nga sẽ là nước hỗ trợ chính cho quân đoàn này, bao gồm cả vũ khí và huấn luyện. Việc bổ sung thêm nhân tố trên bộ do Nga hậu thuẫn đã mang lại cho Nga một đối trọng với lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, lực lượng vốn đã mang lại cho Tehran sức ảnh hưởng lớn hơn ở Damacus.

Cho dù sự cạnh tranh giữa Nga và Iran ở Syria  có tồn tại nhưng Tehran và Matxcơva đều có cùng động cơ là củng cố lực lượng chính phủ chống lại những kẻ thù chung. Nhận thức được rằng chia rẽ nội bộ có thể phát hoại nhiệm vụ chung, Nga và Iran cũng đang cố gắng để hợp tác nhiều hơn trên chiến trường.

Thực tế, hôm 20/12, hai nước đã tuyên bố rằng họ sẽ lập một tổng hành dinh chỉ huy chung ở Syria để phối hợp các lực lượng trung thành. Tuy nhiên, những khác biệt giữa những lực lượng trung thành vẫn là một nhân tố quan trọng ở Syria. Những khác biệt này không tăng lên đến mức độ ẩu đả nội bộ như thường chứng kiến trong chiến dịch khởi nghĩa, bao gồm cả những tranh chấp giữa những người ủng hộ phiến quân, nhưng chúng vẫn tiếp tục phần nào tác động đến các lực lượng trung thành này, Stratfor đánh giá.

Thi thoảng, những khác biệt này có thể leo thang thành lời buộc tội, như  trường hợp trong chiến thắng của phiến quân trước lực lượng do Iran lãnh đạo ở trận Khan Touman. Vì Matxcơva đang ngày càng quan tâm đến một chiến lược thoát khỏi nội chiến Syria, sự khác biệt trong cam kết giữa Nga và Iran sẽ trở nên rõ ràng hơn.