Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14/1 lên tiếng đáp trả lời đe dọa của giới chức Nga rằng Moscow có thể triển khai binh lực ở Cuba và Venezuela nếu căng thẳng với Washington tiếp tục tăng. Theo đó, Washington tuyên bố sẽ phản ứng “quyết liệt” nếu tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy lời đe dọa này là thật.
Thứ trưởng Nga Sergey Lavrov trong hôm 13/1 nói trên kênh truyền hình nhà nước rằng ông “không thể xác nhận, cũng không thể bác bỏ” khả năng triển khai quân tới Mỹ Latin. Ngay sau đó, giới truyền thông Nga cũng đưa tin rằng các đặc vụ đến từ cơ quan tình báo Nga, FSB, đã tới thăm các nước ở Tây Bán cầu trong những ngày gần đây.
“Chúng ta sẽ không phản ứng trước lời khoác lác”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden nói với tờ The Miami Herald. “Nếu Nga thực sự bắt đầu đi theo hướng đó, chúng ta sẽ đáp trả một cách quyết liệt.”
Căng thẳng đã gia tăng giữa Washington và Moscow kể từ tháng 12/2021, khi Nga bắt đầu điều động hàng chục nghìn binh sĩ tới sát biên giới với Ukraine. Giới chức Nga, trong đó có cả Tổng thống Vladimir Putin, không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc xung đột.
Các cuộc đối thoại giữa các quan chức Nga, Mỹ, châu Âu và NATO đã được tổ chức trong suốt vài ngày qua, ở nhiều địa điểm tại châu Âu, nhưng họ không đạt được bất kỳ đột phá nào.
AP là hãng thông tấn đầu tiên đưa tin về những bình luận của ông Ryabkov.
Tháng trước, ông Ryabkov đã so sánh tình hiện căng thẳng hiện tại về Ukraine với cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962 – thời điểm mà Liên Xô triển khai nhiều tên lửa ở Cuba và Mỹ ra lệnh phong tỏa đường biển của đảo quốc này.
Cuộc khủng hoảng chấm dứt sau khi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev nhất trí rằng Moscow sẽ rút hết lực lượng tên lửa, đổi lại Washington cam kết không tấn công Cuba và gỡ bỏ tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Putin, hiện đang tìm cách ngăn chặn các hoạt động quân sự của phương Tây ở Đông Âu, từng tranh luận rằng NATO có thể sử dụng lãnh thổ Ukraine làm nơi triển khai những loại tên lửa có khả năng bắn tới Moscow chỉ trong 5 phút. Ông cảnh báo rằng Nga cũng có thể đạt được khả năng tương tự bằng cách điều các chiến hạm mang tên lửa hành trình siêu thanh Zircon tới các vùng biển trung lập.
Chủ tịch Cuba Fidel Castro kiểm tra các loại vũ khí, giữa lúc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 (Ảnh: AFP) |
Ngay sau khi đắc cử năm 2000, Tổng thống Putin đã chỉ thị đóng cửa cơ sở tình báo quân sự từ thời Liên Xô ở Cuba trong lúc tìm cách cải thiện quan hệ với Washington. Moscow đã tăng cường liên hệ với Cuba trong những năm gần đây, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ gia tăng.
Tháng 12/2018, Nga trong một thời gian ngắn đã điều một cặp máy bay ném bom Tu-160 tới Venezuela để thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, giữa lúc bị phương Tây gây sức ép.
Thứ trưởng Ryabkov nói rằng, việc Mỹ và các đồng minh từ chối xem xét những đề xuất an ninh của Nga khiến cho những bước đi xây dựng niềm tin khó lòng đạt được, trong khi Washington nói là họ đã sẵn sàng.
Nga từng điều một cặp máy bay ném bom Tu-160 tới Venezuela vào năm 2018 (Ảnh: AP) |
“Mỹ muốn tổ chức một cuộc đối thoại về một số yếu tố liên quan tới tình hình an ninh… nhằm giảm căng thẳng và sau đó lại tiếp tục tiến trình triển khai quân sự và địa chính trị của các vùng lãnh thổ mới, tiến sát hơn tới Moscow” – ông nói – “Chúng tôi không có chỗ nào để lùi bước nữa.”
Ông Ryabkov mô tả các cuộc tập trận và triển khai quân sự của Mỹ và NATO gần lãnh thổ Nga là cực kỳ bất ổn. Ông nói các máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang bom nguyên tử của Mỹ đã bay cách biên giới Nga chỉ 15 km.
“Chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với sức ép quân sự đầy khiêu khích, thách thức sức mạnh của chúng tôi” – ông nói thêm rằng ông tự hỏi Mỹ sẽ phản ứng như thế nào “nếu như máy bay ném bom của chúng tôi bay cách các căn cứ Mỹ ở Bờ Đông hoặc Bờ Tây chỉ 15 km”.