Trong một thông cáo báo chí, hải quân Mỹ nói rằng họ "đã thực hiện 4 vụ phóng thử nghiệm tên lửa như lịch trình", theo đó nhiều tên lửa đạn đạo Trident II đã được phóng từ tàu ngầm USS Nebraska - tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio - từ vị trí ngoài khơi vùng biển của San Diego, bang California. 2 vụ thử diễn ra trong hôm thứ Tư và 2 vụ trong hôm thứ Sáu, tuy nhiên các vụ phóng "được thực hiện không nhằm phản ứng trước bất kỳ sự kiện nào đang diễn ra trên thế giới", theo tuyên bố của hải quân Mỹ.
Thông tin trên xuất hiện chỉ một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong lúc tham dự Diễn đàn Kinh tế phía Đông, tiết lộ rằng trong tháng 6 vừa qua ông từng thông báo với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Mỹ có thể mua một số các vũ khí tối tân nhất mà Nga sắp cho ra mắt, trong đó bao gồm các tên lửa đạn đạo-hạt nhân và tên lửa siêu thanh nhằm "cân bằng mọi thứ" giữa các đối thủ quân sự. Lãnh đạo Nga sau đó nói rằng giới chức Mỹ khẳng định "họ sẽ sớm tự sản xuất các loại vũ khí của riêng họ", một quan điểm sau đó được một quan chức cấp cao của Mỹ nhắc lại trong hôm thứ Sáu (8/6) vừa qua.
"Có rất ít lý do để Mỹ cân nhắc việc mua lại công nghệ tên lửa tối tân của Nga. Mỹ có lợi thế lớn hơn so với Nga trong việc phát triển, thử nghiệm và triển khai an toàn công nghệ tên lửa" - hãng thông tấn nhà nước Nga dẫn lời một quan chức chính quyền Trump giấu tên cho hay.
Tên lửa Trident bao gồm phiên bản phóng từ trên biển và chiếm khoảng 70% trong bộ ba răn đe hạt nhân của Mỹ - bên cạnh lực lượng răn đe trên không và trên mặt đất. Khoảng 1 năm kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, ông Trump vào tháng 2 năm ngoái đã công bố Đánh giá tình hình hạt nhân (NPR) 2018 trong đó bao gồm nhiều kế hoạch phát triển các đầu đạn hạt nhân hiệu suất thấp W76 để lắp đặt cho các tên lửa Trident, làm dấy lên quan ngại rằng việc cải biến này có thể làm tăng rủi ro xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Tổng thống Putin cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền của ông từng liên tiếp nêu vấn đề này với chính quyền Trump, trong khi Washington cáo buộc Nga đang nghiên cứu các vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp, và cuối cùng cả hai nhà lãnh đạo dường như quyết tâm hiện đại hóa sức mạnh của mình theo cách này hay cách khác.
Chỉ 1 tháng sau khi ông Trump công bố NPR 2018, Tổng thống Putin tuyên bố về việc phát triển các mẫu vũ khí mới công nghệ cao có khả năng đánh bại tất cả các hệ thống phòng thủ hiện hữu. Trong số đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat, tên lửa siêu thanh Avangard, tên lửa siêu thanh phóng trên không Kh-47M2 Kinzhal, tên lửa hành trình có động cơ nguyên tử 9M730 Burevestnik và ngư lôi hạt nhân Poseidon. Đầu năm nay, ông Putin còn công bố về các cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh phóng từ tàu ngầm 3M22 Tsirkon.
Tổng thống Putin tranh luận rằng các biện pháp như vậy là cần thiết nhằm phản ứng trước một cuộc "chạy đua vũ trang" bị khuấy động do việc Mỹ từ bỏ Hiệp ước Chống tên lửa Đạn đạo (ABM) 1972 từ năm 2002 và kể từ đó tăng cường lắp đặt nhiều hệ thống phòng thủ công nghệ cao từng bị cấm theo hiệp ước này ở khu vực Đông Âu.
Quân đội Nga thử nghiệm tên lửa siêu thanh Avangard tại bãi thử tên lửa Dombarovsky (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
|
Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ mở rộng các cơ sở chống tên lửa của Mỹ và trong tháng trước quyết định rút khỏi một hiệp ước kiểm soát vũ khí khác có từ thời Chiến tranh Lạnh là Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) vốn hạn chế các loại tên lửa mặt đất có tầm bắn trong khoảng 500 - 5.500 km.
Phía Mỹ cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận này khi phát triển một tên lửa hành trình có tên Novator 9M729, trong khi giới chức Moscow cho rằng Lầu Năm Góc đã vi phạm hiệp ước từ trước họ khi lắp đặt các hệ thống phóng dùng trong các loại vũ khí tấn công cho các hệ thống phòng thủ ở Romania và Ba Lan. Cả hai bên đều bác bỏ cáo buộc mà bên còn lại đưa ra, và vài tuần sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước, họ đã phóng thử nghiệm một tên lửa hành trình bay được quãng được khoảng 500 km.
Hôm thứ Năm trong tuần, Tổng thống Putin khẳng định rằng ông vẫn sẽ tuân thủ một bản ghi nhớ tự đưa ra nhằm ngăn chặn việc triển khai các vũ khí tầm trung như trên, miễn là ông Trump không triển khai trước. Lãnh đạo Nga cũng chỉ ra rằng ông đã ra chỉ thị khởi động quá trình phát triển các hệ thống vũ khí trên nhằm đáp trả vụ thử nghiệm tên lửa mà Mỹ thực hiện hồi tháng trước.
Dù cho tình trạng căng thẳng tên lửa hiện tại phần lớn tập trung ở khu vực biên giới giữa Nga và các nước thân với khối đồng NATO mà Mỹ dẫn đầu, nhưng Moscow vẫn phản ứng gay gắt trước các tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho rằng ông đang cân nhắc triển khai các tên lửa mặt đất tầm trung tại khu vực châu Á.
Phát biểu cùng với ông Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Năm trong tuần nói rằng ông chưa nhận được lời đề xuất như vậy từ phía Mỹ, trong khi bản kế hoạch quốc phòng 5 năm mà Hàn Quốc công bố hồi tháng trước cũng không đề tập tới kế hoạch lắp đặt tên lửa Mỹ trên lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên, Nga vẫn thể hiện rõ sự hoài nghi của họ trước sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp ước kiểm soát vũ trang đang dần sụp đổ. Hiện nay, một hiệp ước quan trọng khác cũng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược mới (START), vốn hạn chế số lượng vũ khí và hệ thống phóng hạt nhân mà các bên sở hữu.
Giới chức Moscow từng tuyên bố rằng Washington không đáp lại những lời mời trở lại bàn đàm phán để gia hạn hiệp ước này - dự kiến sẽ hết hiệu lực vào năm 2021 - và đến thời điểm hiện tại, ông Trump nêu rõ rằng ông chỉ hứng thú với việc thiết lập thỏa thuận mới bao gồm cả Trung Quốc tham gia.
Hôm thứ Tư trong tuần, trả lời phỏng vấn tờ Izvestia, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng "Mỹ và Nga mang trách nhiệm chính trên thế giới" đối với các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt như vậy. Đây là quan điểm mà phía Trung Quốc cũng đưa ra trước đó khi họ từ chối tham gia vào một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới mà Mỹ đề xuất.
Theo Newsweek
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu