NFT đang tiếp tay cho lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lỗ hổng của NFT khiến nhiều tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp, rao bán với giá hàng nghìn USD mà chủ sở hữu không hề biết.

Hoạ sĩ Derek Laufman bắt đầu ngày mới với hàng hoạt câu hỏi, email gửi về từ người hâm mộ. Họ muốn biết có phải anh đang bán NFT của tác phẩm nghệ thuật của mình không? "Tôi chỉ trả lời, đó 100% không phải tôi", Laufman khẳng định.

Trên trang Rarible, nơi mọi người có thể mua NFT, một tài khoản mạo danh Derek Laufman đã xuất hiện. Trước khi tài khoản này được gỡ bỏ, người hâm mộ của anh đã mua một NFT của tác phẩm. Không ít tác phẩm nghệ thuật được gắn NFT, rao bán mà không được sự cho phép của người tạo ra nó.

Derek Laufman phải lên Twitter thông báo mình không bán bất kỳ NFT nào.
Derek Laufman phải lên Twitter thông báo mình không bán bất kỳ NFT nào.

Nghệ sĩ chuyên về thị giác kỹ thuật số Simon Stålenhag đã tìm thấy các tác phẩm nghệ thuật của mình được rao bán trên một chuyên trang NFT tên Marble Cards. Giphy cũng cảnh báo rằng mọi người đang biến ảnh GIF do người dùng tạo từ trang web thành NFT. Theo Verge, "vì hệ thống không yêu cầu mọi người thực sự sở hữu bản quyền đối với tác phẩm nên NFT đang trở thành công cụ, tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo".

Trong khi giới nghệ sĩ đang hoang mang về hình thức "trộm cắp" mới, nhiều người đã bắt đầu tìm kiếm tên mình trên các trang giao dịch NFT phổ biến như OpenSea, Marble Cards hay Rarible để xem tác phẩm của mình có bị rao bán bất hợp pháp không.

Devin Elle Kurtz, một nghệ sĩ về hình ảnh cho biết: "Tôi đã tìm kiếm tên mình trên Marble Cards và một trong những tác phẩm của tôi đã xuất hiện ở trang đầu. Người đưa tác phẩm này lên hệ thống không phải tôi, một ai đó tên DeviantArt đã rao bán nó dưới dạng NFT mà không được sự đồng ý của tôi".

Kurtz không biết người bán tác phẩm của mình trên trang web NFT là ai, cũng không có cơ quan chức năng hay bộ phận pháp lý nào xác nhận chủ nhân thật sự của tác phẩm. NFT này đang được rao bán với giá 1,03 ether (43 triệu đồng). Mặc dù Marble Cards đã xóa hình ảnh theo yêu cầu của Kurtz, NFT được gắn với tác phẩm của Kurtz sẽ tồn tại vĩnh viễn trên blockchain. Trang web này chi phép người bán tạo các chuỗi khoá xung quanh tác phẩm nghệ thuật thay vì ghi đè lên toàn bộ tác phẩm. Theo Verge, ý đồ của việc này là để tránh các vấn đề bản quyền trong trường hợp các nghệ sĩ thật sự của tác phẩm không đồng ý rao bán.

Trường hợp của Kurtz là minh chứng rõ ràng nhất cho lỗ hổng của NFT. Ai cũng có thể "tạo ra" một tác phẩm nghệ thuật, miễn là nó không giống bản gốc hoàn toàn sau đó rao bán dưới dạng NFT. Tất cả những gì kẻ lừa đảo cần là một ví Ethereum và một ít tiền mặt để thanh toán cho chi phí tạo ra NFT trên chuỗi khối của Ethereum.

Trên OpenSea và Rarible, hai nền tảng phổ biến của NFT, người bán không cần xác minh mình là sở hữu thật sự của tác phẩm trước khi đưa nó lên blockchain. Quy trình định danh thành viên trên các trang web này cũng rất đơn giản. Khuyến nghị duy nhất trang web đưa ra cho những giao dịch NFT là "Hãy tự tìm hiểu". Cả hai nền tảng không đưa ra bình luận chính thức nào về việc này.

Nói về vấn đề gian lận NFT, Amy Castor, chuyên gia về tiền điện tử cho rằng: "Nền tảng này cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo ra một tác phẩm và rao bán nó trên thị trường. Không có nhiều biện pháp bảo vệ nếu có gian lận xảy ra. Điều quan trọng là bạn không thực sự 'sở hữu' nó như một bức phù điêu hay bức vẽ, tất cả tồn tại dưới dạng mã hoá và giá trị của nó được đo đếm bằng niềm tin là chủ yếu".

Theo VnExpress