Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) vừa có báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2016.
Theo đó, cả nước có 10.019 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 101.200 tỷ đồng, tăng 28% về số lượng và 78% về vốn so với cùng kỳ.
5 tháng qua, cả nước có 44.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn 349.500 tỷ đồng, tăng 24% về số doanh nghiệp và tăng 59,3% về vốn so với cùng kỳ. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 28,4%.
Nếu tính cả 655.900 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các đơn vị khác thì tổng vốn được đưa vào kinh doanh trong 5 tháng đầu năm là hơn một triệu tỷ đồng. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới đạt 531.900 người. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại trong 5 tháng đầu năm là xấp xỉ 13.000, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường cũng tăng mạnh thời gian qua. Trong 5 tháng, đã có 33.185 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tạm ngừng hoạt động, trung bình một ngày, có hơn 220 doanh nghiệp Việt rút khỏi thị trường. Số chính thức giải thể - ngừng hoạt động và tạm dừng do khó khăn cũng tăng lần lượt 19,5% và 26% so với cùng kỳ.
Nhập siêu 11,6 tỉ USD từ Trung Quốc
Theo báo cáo, Việt Nam nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu năm nay, nước ta nhập khẩu từ Trung Quốc 19,2 tỷ USD, nhưng chỉ xuất khẩu sang thị trường này được 7,6 tỷ USD, tức nhập siêu lên đến 11,6 tỷ USD. Với Hàn Quốc, tổng kim ngạch nhập khẩu từ nước này của Việt Nam trong 5 tháng qua là 12,1 tỷ USD thì nhập siêu đã lên đến 7,8 tỷ USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 5/2016 ước đạt 29,6 tỷ USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 14,6 tỷ USD, tăng 1,74% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực trong 5 tháng đầu năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước gồm điện thoại và linh kiện đạt 14,4 tỷ USD, tăng 20,6%, và đây cũng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất cũng như có mức tăng trưởng cao của nước ta.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chủ yếu là của một vài doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu giảm, như dầu thô đạt 883 triệu USD, giảm 49,2% (lượng giảm 20,6%); sắt thép đạt 649 triệu USD, giảm 10,2% (lượng tăng 21,9%); sắn và sản phẩm của sắn đạt 538 triệu USD, giảm 22,7% (lượng giảm 10,1%).
Kim ngạch nhập khẩu ước tính 15 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, chỉ riêng trong tháng 5 nước ta ước nhập siêu 400 triệu USD.
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như điện tử, máy tính và linh kiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 12,4%; vải đạt 4,2 tỷ USD, tăng 4,1%; chất dẻo đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 2,1 tỷ USD, tăng 3,3%; tân dược đạt 1 tỷ USD, tăng 25,2%.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 134 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước tính 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước tính đạt 66,3 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy 5 tháng đầu năm, nước ta xuất siêu 1,36 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 9,1 tỷ USD.
Về cơ cấu thị trường hàng hóa xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 14,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thị trường mà nước ta xuất siêu lớn nhất trong 5 tháng đầu năm nay, lên đến 11,4 tỷ USD.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường truyền thống khác trong cùng thời gian trên tiếp tục giảm, như vào thị trường ASEAN đạt 6,8 tỷ USD, giảm 13,5% và thị trường Nhật Bản đạt 5,4 tỷ USD, giảm 2,2%.
Theo Zing