Năm 2018: 44% doanh thu của ngân hàng sẽ từ công nghệ số

VietTimes -- Dự kiến, đến năm 2018, kinh doanh dùng công nghệ số sẽ đóng góp 44% doanh thu của các ngân hàng và khách hàng của ngân hàng bán lẻ tương lai là những đối tượng sinh ra và lớn lên trong thời đại phát triển công nghệ, có hiểu biết và muốn dùng công nghệ số.
Các ngân hàng cũng đứng trước nhiều thách thức khi ứng dụng các công nghệ số trong ngân hàng như rò rỉ thông tin, dữ liệu khách hàng, các giao dịch gian lận, hacker...
Các ngân hàng cũng đứng trước nhiều thách thức khi ứng dụng các công nghệ số trong ngân hàng như rò rỉ thông tin, dữ liệu khách hàng, các giao dịch gian lận, hacker...

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam 2016 (Vietnam Retail Banking Forum 2016), do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG ASEAN) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 1/12.

Công nghệ số sẽ tạo ra sự khác biệt trong thanh toán điện tử ngành ngân hàng và bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời tạo ra kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ, môi trường cạnh tranh khác biệt so với hệ thống ngân hàng thương mại truyền thống.

Theo các chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay đang hình thành nên Ngân hàng số - Xu hướng mới cho ngân hàng bán lẻ tương lai, mang đến những cơ hội mới cho các ngân hàng thương mại nhưng cũng đặt ra những thách thức cần phải vượt qua cho các nhà quản lý. Trong đó, nói đến ngân hàng số là phải nói về công nghệ thông tin và an ninh công nghệ thông tin trở thành một chìa khóa then chốt của nền tảng tạo lập niềm tin khách hàng.

Đồng thời, các chuyên gia và các nhà làm tài chính ngân hàng khẳng định phát triển ngân hàng số bền vững chính là một những giải pháp để nâng tầm quyền lợi khách hàng và để thúc đẩy xu hướng phát triển ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam.

Đánh giá tác động của xu thế ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV cho biết, ứng dụng công nghệ số trong vận hành ngân hàng số mang lahi cho khách hàng những trải nghiệm mới. Đồng thời, tạo ra kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ, môi trường cạnh tranh khác biệt so với hệ thống ngân hàng thương mại truyền thống.

Đồng thời, theo ông Lực, công nghệ số sẽ tạo ra các mô hình tổ chức theo hướng tinh gọn hơn, sử dụng đa kênh để giải quyết công việc. Và tạo ra một thế hệ nhân viên mới đa năng hơn, họ am hiểu công nghệ, có khả năng đa nhiệm, có nhu cầu thành đạt...

Hiện tại, Việt Nam là nước rất có tiềm năng phát triển ngân hàng số, theo BMI 2015, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng internet khá cao (9%/năm), xếp thứ 15 thế giới, đứng thứ 57 về tốc độ internet năm 2015. Trong khi đó, thế hệ Z (1990- 2000's) sinh ra và lớn lên trong thời đại phát triển công nghệ có hiểu biết và muốn dùng công nghệ số.

Tuy nhiên, theo TS.Lực các ngân hàng cũng đứng trước nhiều thách thức khi ứng dụng các công nghệ số trong ngân hàng như rò rỉ thông tin, dữ liệu khách hàng, các giao dịch gian lận, hacker... việc cũng cấp các dịch vụ để khách hàng tin cậy cũng là một vấn đề quan trọng.

Trong khi đó, theo ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng công nghệ số, VIB việc xây dựng ngân hàng số cần thực hiện quy trình số hóa các điểm tiếp xúc khách hàng; tăng cường công nghệ số đối với sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu và tăng giá trị lâu dài cho khách hàng; tận dụng công số phát triển mảng kinh doanh mới.

Trong đó, thách thức chủ yếu khi triển ngân hàng số là thay đổi văn hóa kinh doanh, cân bằng giữa công nghệ thông tin và kinh doanh, kinh phí đầu tư, nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp và quốc gia.